Tôi gặp chị trên chuyến xe đường dài. Chị áng chừng ngoài 50. Chị đẹp, nhưng ánh mắt đượm buồn. Nhìn cách chị ăn mặc, biết chị là người miền Bắc. Chị thật ấn tượng với túi đồ lỉnh kỉnh toàn là thực phẩm, nào là mỳ gói, bánh, trái cây. Tôi xách hộ chị đồ lên xe. Thật vô tình, chúng tôi ngồi cạnh nhau suốt quãng đường.
Lên xe, trời nhá nhem tối. Chị lấy cái bánh nếp, làm dấu thánh giá, rồi ăn qua bữa tối. Xong gỡ tràng Chuỗi Mân Côi đeo trên cổ tay thì thầm đọc Kinh. Tôi quan sát chị, lòng thầm vui vì có người cùng đức tin trên hành trình dài cũng yên tâm.
Hình sưu tầm internet
Nguyện kinh khoảng một giờ đồng hồ, chị quay sang tôi hỏi chuyện xã giao, được biết chị vào nam thăm chồng. Câu chuyện chị kể có lúc đứt quãng trong cảm xúc, lúc như hờn tủi, lúc như mừng vui, lúc lạc quan trong ơn gọi thứ tha. Được chắp vá như sau:
Anh chị là người Công giáo, cưới nhau gần 30 năm, có năm người con. Cách nay gần 10 năm, chị vay mượn làm phí đi xuất khẩu lao động. Anh ở nhà chăm sóc con và cày cấy ít ruộng vườn. Mỗi tháng lao động cật lực bên xứ người, chị tằn tiện không dám chi tiêu, cố gắng gửi về cho chồng số tiền kha khá trả nợ. Sau hai năm trả xong nợ, số tiền dôi dư ra, chị bảo anh giữ lấy để khi hết hợp đồng về nước “có cái” làm vốn. Những năm tháng ấy, tuy vất vả lao động bên xứ người với khí hậu và giờ làm khắc nghiệt, nhưng nghĩ tới chồng, con và viễn cảnh sum vầy cuộc sống khấm khá, chị như được tiếp thêm sức mạnh và cố gắng làm việc không ngơi nghỉ.
Hình sưu tầm internet
Đến năm thứ ba, chị nghe các con nói bố ở nhà hay đi sớm về khuya, bày đặt la cà quán xá, lui tới chỗ “bia ôm”. Chị gọi điện nhắc nhở anh, nhờ gia đình nội ngoại “trông ngó”, giúp khuyên bảo để chị an tâm lao động. Anh tỏ ra ăn năn và hứa không làm chị phật lòng nữa. Chị lại lao vào làm, chẳng có thời giờ nghỉ ngơi, nhưng mỗi ngày luôn dành thời gian đọc kinh, cầu nguyện để xin Chúa gìn giữ, thánh hóa gia đình lúc vắng nhà.
Hết hạn hợp đồng, do nhu cầu việc làm, lại nghĩ cơ hội kiếm tiền chính đáng. Chị tiếp tục ký hợp đồng khác ở thêm thời hạn ba năm. Đến năm thứ sáu, mãn hợp đồng , về nước, chị quỵ ngã vì chồng đã bỏ đi với người đàn bà vào Nam mang theo tất cả số tiền bằng sức lao động cực khổ của mình. Con cái bơ vơ. Chị đau khổ tột cùng.
Nghĩ kế sinh nhai, chị bán đi những thứ còn lại trong nhà để có vốn làm ăn, cộng với vài tháng lương cuối cùng mang về. May mắn, công việc thuận lợi, thu nhập khá. Lần hồi từng ngày, mẹ con cũng vượt qua được cảnh khó khăn. Chị một mình nuôi con, dựng vợ gả chồng cho từng đứa, và cũng chẳng còn sức tìm hiểu tin tức về người chồng bội bạc.
Bẵng đi thời gian. Buổi sáng ấy, có người đến nhà, hỏi chị về người chồng. Người ta bảo rằng cần chị hợp tác để điều tra vì anh mới bị bắt về tội giết người. Qua cuộc làm việc, chị hiểu chồng mình sau khi gói ghém hết tiền theo cô gái kia, sống thời gian, hết tiền, sinh mâu thuẫn. Đỉnh điểm của cuộc cãi vã, anh không kiềm chế được cơn giận đã ra tay sát hại cô “vợ hờ”.
Anh đang thụ án với mức tù hơn 10 năm. Hôm nay, theo định kỳ 3 tháng một lần, chị lại tất tả gom nhặt kinh phí vào trại giam trong Nam, thăm anh.
Hình sưu tầm internet
Tôi hỏi, chị đã hết giận anh rồi ư? Chị bảo: Nói thật lòng, phải nỗ lực biết bao để cơn giận nguôi ngoai cho lòng thanh thản. Hơn nữa, vì là người Công giáo, vì Bí tích hôn phối nên trước mặt Chúa, anh chị vẫn là vợ chồng. Chị làm tròn nghĩa và để dạy các con bài học thứ tha, nên dù đường xa vất vả, chị vẫn đều đặn thăm nuôi, khuyến khích anh ăn năn, sống tốt để hết thụ án, về với vợ con.
Chia tay chị, nhìn dáng đi nhỏ nhắn liêu xiêu, lạc lõng trong dòng người đông đặc ở một nơi xa lạ. Tôi hiểu: Chị – người phụ nữ Công giáo mang tâm hồn bao dung khôn tả ! Chị đón nhận đau khổ, hi sinh mà thứ tha, nêu gương thánh đức cho con cái hòng gìn giữ nếp nhà và hơn hết để giáo dục con bài học sống đạo, tuân giữ Luật chúa. Tận cõi lòng chị nhân hậu và yêu thương, không còn chỗ cho hận thù, ghen ghét.
Ở đời có những chuyện như là cổ tích. Mà chỉ khi cõi lòng của con người luôn được làm mới bởi ước muốn hướng thiện, thì mới có thể bộc lộ ra giữa đời một lối sống thật bao dung và nhân ái.
Dung Nguyễn