Gia đình tôi sống theo kiểu đại gia đình. Gồm ông bà nội, gia đình bác cả, gia đình cô chú, và gia đình tôi. Hồi nhỏ, bọn nhóc chúng tôi chơi với nhau rất vui và dễ thương. Và gia đình bác cả luôn được xem là gương mẫu và là sự ngưỡng mộ của mọi người trong gia đình.
Bác gái cả là một người phụ nữ quán xuyến, bác lo cho các anh chị rất chu đáo, không thiếu thứ gì bao giờ. Từ quần áo, mọi thứ chỉn chu, sạch và đẹp. Chẳng bao giờ tôi thấy các anh chị phải đụng tay vào việc gì, và đây cũng là điều mà tôi hay so sánh, để rồi trách cứ cha mẹ không thương anh chị em tôi.
Bác cả trai thì khỏi phải nói, mỗi chiều thứ bảy đều dẫn các anh chị đi ăn tiệm, chơi công viên. Tôi hằng ngưỡng phục sự “cao cao tại thượng” trong phong cách ứng xử của các anh chị họ.
Chẳng bù cho ba mẹ tôi, thật nghiêm khắc và bình dân. Mỗi năm, các con chỉ được may đồ một lần vào dịp tết Nguyên đán. Mỗi đứa ba bộ. Về công việc thì không thiếu: Cả đứa trẻ 3 tuổi ở nhà tôi cũng phải “làm việc”, tức là có bổn phận nào đó, chẳng hạn bé út thì luôn phải xếp dép lên kệ dép, và không để chiếc nào lang thang trong nhà!
Còn gia đình cô chú với hai con cũng không có gì khác biệt lắm với gia đình bác cả. Các anh chị cũng luôn ở trên tầng cao khiến anh chị em tôi mơ ước.
Rồi năm tháng dần trôi, tình thân chúng tôi không còn hồn nhiên như trước kia vì ai cũng lớn, có công việc riêng và những mối quan tâm riêng. Ba căn nhà nhỏ vẫn quây quần với ngôi nhà tổ, nhưng sinh hoạt xem ra rất cách biệt.
Tôi vẫn nhìn gia đình bác cả, gia đình cô chú với ánh nhìn ngưỡng mộ tuyệt đối. Cho đến một ngày, nhân dịp mùng Một tết, như thông lệ, cả đại gia đình đều quây quần quanh mâm cơm để chúc tết nội và nhân dịp làm giỗ cho bà. Mọi người đến đủ, duy chỉ thiếu ba anh chị nhà bác Cả, anh chị nhà cô chú.
Trong lúc anh chị em chúng tôi mỗi đứa một tay lăng xăng lau dọn bàn ăn, tôi thấy mắt bác cả gái ứa mấy giọt lệ. Có gì không phải phép chăng? Hay bác đang nhớ người thân? Nhớ bà?
Sau bữa ăn, bác ra vườn sau uống trà và nghỉ trưa. Nhân dịp ấy, tôi đến gần thăm hỏi, bác mới tâm sự ngọn nguồn. Thì ra cái mà tôi ngưỡng phục ấy chỉ có trong quá khứ, khi các anh chị còn nhỏ và khi hai bác còn mạnh khỏe trẻ trung. Tuy nhiên, cái mà gọi là phúc của ngày xưa giờ này đã trở thành họa. Trong căn nhà chung mà các anh chị cứ như người dưng: Không bao giờ nhúng tay vào việc nhà, không hỏi han tình hình sức khỏe cha mẹ, không quan tâm ai có niềm vui nỗi buồn gì. Cứ đi làm về đến nhà là khư khư ôm cái smartphone, còn không, đi bar đi tiệc với đám bạn… Sai bảo gì cũng khó, hoặc nếu có làm đôi chút thì khó chịu, nhăn nhó, qua loa.
Bác buồn vì các con giống như những người láng giềng ở trong nhà.
Lòng tôi chợt trĩu buồn theo dòng tâm sự của bác. Và rồi những ký ức trồi hiện. Tôi muốn chạy ngay đến chỗ ba mẹ, ôm lấy các ngài để xin lỗi, để cảm ơn vì những “răn dạy nghiêm khắc” của các ngài. Điều mà tôi vẫn thường cho là bất hạnh lại là điều hạnh phúc nhất, vì chứng tỏ ba mẹ đã yêu thương chúng tôi, chỉ có điều do anh chị em tôi không nhận ra đó là ơn phúc.
Nhìn bóng nắng ngả đứng bên thềm, tôi cảm nhận từng giọt mồ hôi ba mẹ đã đổ xuống dạy dỗ anh chị em tôi; tôi cảm nhận nỗi đau của mẹ khi tôi lớn tiếng trách mẹ là ác, là không thương con, là quá nghiêm khắc.
Ngày mai, ngày mùng Hai tết, tôi sẽ cùng anh chị em lên một kế hoạch mừng lễ tưng bừng tại gia đình, để bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ.
Cảm ơn ba mẹ đã chăm sóc, dạy dỗ chúng con nên người.
Cảm ơn những giọt mồ hôi của ba mẹ, những lần thức khuya dậy sớm vì chúng con.
Cảm ơn ba mẹ cả về những bài học làm người, những lời răn dậy,
để chúng con biết sống có trách nhiệm, sống tốt và sống đẹp.
Và nhất là đã dậy chúng con biết sống như một người con thảo hiếu, đóng góp xây dựng gia đình.
Vâng, thưa ba mẹ, anh chị em chúng con tự hào vì là con của ba mẹ.
Tác giả: Sa mạc xanh