Cha Matthêu Rigôni là một linh mục Salêdiêng thuộc thế hệ đầu tiên, qua đời tại bệnh viện Enganêô, gần Estê, trong thế chiến thứ hai. Ngài thường kể: “Một buổi sáng, tôi đang vội vã xuống thang thì gặp cha Bosco. Ngài chặn tôi lại, mỉm cười: “Con không được trốn cha nữa nhé”. Sau đó Ngài cầm tay tôi, nắm chặt như muốn tỏ ý không buông tôi ra nữa. Và âu yếm nói tiếp: “Con chịu ở với Don Bosco suốt đời chứ?” Tôi không sao từ chối được: “Vâng thưa cha, con xin hứa”. Ngài buông tay tôi ra, và từ lúc đó, cái nhìn của Ngài đã xâm chiếm lòng tôi. Rồi Ngài tiếp tục lên cầu thang cách khó nhọc, còn tôi thì chạy đi chơi. Sau này tôi được chứng kiến phép lạ Ngài làm hạt dẻ hóa nhiều; và còn được Ngài dẫn tới Rôma hát lễ trong ngày cung hiến Vương cung Thánh đường Thánh Tâm nữa. Điều đáng nói hơn cả là, tôi không thể nào quên lòng yêu thương Ngài đã biểu lộ cho tôi vào sáng hôm đó trên cầu thang Nguyện xá: cú sét ấy đã liên kết tôi với Don Bosco suốt đời. Kể từ đó tôi không bao giờ ân hận vì đã trở thành tu sĩ Salêdiêng”.
* Tâm hồn trẻ em phải được chinh phục như thế: tỏ cho chúng biết mình thực sự muốn điều tốt cho chúng. Don Bosco nói: “Yêu mến trẻ em thôi chưa đủ, các trẻ em còn cần nhận biết chúng được yêu mến”.
Trẻ em nào cũng muốn được yêu mến. Chúng cần biết cha mẹ đang muốn điều tốt cho chúng. Không gì có thể thay thế cảm nghiệm kỳ diệu ấy. Những đứa trẻ thất vọng vì không được gia đình hoặc các nhà giáo dục yêu mến, cảm thông, sẽ không bao giờ trở nên Kitô hữu hay công dân tốt. Chắc chắn sẽ có một “mặc cảm” nào đó tồn tại trong suốt cuộc đời chúng. Chính vì thế, Thánh Phaolô khuyên Giám mục Titô hãy “dạy các bà mẹ trẻ yêu thương con cái họ” (Tt 2,4).
* Phải lưu ý tới qui luật “tiếng vang”. Một ông giám đốc ngân hàng danh tiếng người Nhật kể lại: khi còn nhỏ, ông được cha mẹ đưa tới vùng rừng núi để nghe tiếng vang. Người cha nói với ông: “Cưng của ba có thấy không, mỗi lời con nói đều được phóng ra và dội lại. Con hãy lưu ý tới qui luật “tiếng vang”. Qui luật “tiếng vang” là một luật phổ quát. Muốn được yêu mến và được biết ơn, con hãy yêu mến và có lòng tri ân trước. Như Chúa Giêsu đã nói: “Các con đong bằng đấu nào, sẽ được đong lại bằn đấu ấy”. Cha mẹ hay nhà giáo dục càng biểu lộ lòng yêu mến đối với con cái, thì khi về già càng nhận được lòng biết ơn của chúng. Trẻ em của hôm nay, ngày mai sẽ là tiếng vang vọng lại của lòng yêu mến và sự quan tâm mà ta đã dành cho chúng.
* Hãy giúp trẻ em nhận ra những điều tốt đẹp chung quanh chúng: hãy dạy chúng nhận biết tình yêu của Cha trên trời đối với từng em trong các biến cố của cuộc sống, ngay cả trong những biến cố đau buồn nhất. Một nhà báo đã viết: “Hồi còn là hướng đạo sinh, anh huynh trưởng của tôi rất say mê khoa học thiên nhiên. Anh dẫn chúng tôi vào rừng, bảo chúng tôi chạy và rồi bắt chúng tôi tả lại những điều đã thấy. Chúng tôi chỉ thấy được độ một phần tư những gì anh thấy. Sau đó, anh lấy tay phác một vòng và nói: “Chúa ở quanh các bạn, nhưng các bạn cứ tưởng Ngài ở xa. Đừng sống như những người hay khép kín, giữ kẽ, nhưng hãy mở mắt và thán phục. Đừng mặc áo mưa khi tắm dưới vòi sen”. Đây là một lời khuyên không được quên: phải giúp trẻ em cởi bỏ cái vỏ sò của bản năng ích kỷ. Chúng phải để mình được ướt sũng khi tắm dưới vòi hoa sen của tình yêu mà Thiên Chúa vẫn tuôn xối xả trên chúng mỗi ngày, từ sáng tới chiều”.
Tác giả : Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch : Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB