NƠI HẠNH PHÚC ẨN MÌNH

          Chủ đề của tập 60 (Nơi Hạnh Phúc Ẩn Mình) biết đâu lại chẳng khiến bạn nghĩ đến một tên của một bộ phim khác đã một thời vang bóng: NHỮNG CON CHIM ẨN MÌNH…. CHỜ CHẾT! Xem ra lãng mạn ghê, bạn nhỉ!!!

           Phải chăng, ta sẽ nói tới hạnh phúc đang ẩn mình … chờ chết!!! Không. Ngàn lần không. Nếu hạnh phúc mà chết thì con người sẽ thắp bao nhiêu ngọn đèn để sáng, sẽ đốt bao nhiêu pháo bông để hấp dẫn, sẽ tạo ra bao nhiêu khoái lạc và vui thú để nếm được một giọt mật hạnh phúc, sẽ làm ra bao nhiêu trận cười để lấp đầy trống vắng? Hạnh phúc không đến từ số lượng tăng dần như thể con nghiện mỗi lần phải được tăng “đô”.

          Thật sự, hạnh phúc không “lộ liễu”,ù không lên tiếng bảo “tôi ở đây, tôi ở kia”. Hạnh phúc không đứng ở trên đỉnh Everest để rồi mọi người chỉ cần đổ xô đến nơi chốn ấy và vui hưởng nó. Không phải thế. Hạnh phúc luôn ẩn mình để ta phải đi tìm. Nó chỉ ban tặng cho những ai tìm kiếm nó không ngơi nghỉ. Nếu thế, việc này cũng khiến ta phải tự hỏi xem hạnh phúc ẩn mình ở nơi nào?

          Bạn hẳn còn nhớ câu chuyện của Ađam và Eva chứ nhỉ? Khi Thiên Chúa đưa Eva tới với Ađam, lúc Ađam hoàn toàn trong tình bạn mật thiết với Thiên Chúa, ông đã thốt lên đây là xương thịt bởi xương thịt tôi. Thế nhưng khi Ađam phạm tội, ông trở thành ích kỷ, vì tội là như thế. Ông liền chối bỏ người bạn đường ấy, chối bỏ người đang chung sống với ông khi phát biểu: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3,12).

          Quả thực, có một chân lý lớn lao nơi đây. Khi con người tìm đến với ích kỷ, khi tội ngự trị, khi họ thù nghịch với Thiên Chúa, họ chẳng thể nhìn ra vẻ đẹp của tình yêu, của hiệp thông, của liên đới. Ađam trải nghiệm rõ hạnh phúc không ẩn mình trong cái ích kỷ của bản ngã. Ai ích kỷ và chỉ qui về thiện ích của mình mà thôi sẽ không thể nhận ra rằng hạnh phúc đang ẩn mình trong chính sự chung sống, trong cố gắng và nỗ lực, trong quan tâm hỗ tương. Trong cô độc, hạnh phúc đã chết rồi. Chỉ ở trong cộng đoàn của những nhân vị, hạnh phúc đang ẩn mình để vươn dậy mạnh mẽ. Ai chỉ tìm chính mình cuối cùng sẽ chỉ tìm thấy sự chết, u buồn triền miên và thất vọng. Chính điều này, Đức Giêsu đã chỉ lối cho chúng ta cách dứt khoát: “Không ai có tình yêu cao cả hơn người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” hay “Con người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến mình làm giá chuộc muôn người”. Đúng thế, “Đức Giêsu Kitô đã chết vì chúng ta ngay lúc chúng ta còn là tội nhân”. Rõ ràng Đức Giêsu chỉ cho chúng ta nơi hạnh phúc ẩn mình phải tìm trong tha thứ, trong tin tưởng, trong hiệp thông, trong chia sẻ và ngay cả trong việc hy sinh chính mình nữa. Muốn được hưởng hạnh phúc, hãy ra khỏi chính mình.

          Chính vì thế, hạnh phúc không phải chỉ dành cho những kẻ ở trong đời hôn nhân, hay trong đời thánh hiến, hay trong đời linh mục. Nó dành cho mọi người và từng người, miễn là họ ra khỏi chính mình. Hạnh phúc ẩn mình trong hết mọi trạng huống nhân sinh với điều kiện là “chấp nhận chết đi cho chính mình”. Như vậy, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã có thể hướng dẫn chúng ta: “Nó [hạnh phúc] có nghĩa là chăm sóc lẫn cho nhau trong gia đình chúng ta: Vợ chồng bảo vệ nhau, và rồi, trong vai trò là cha mẹ, hãy chăm lo cho con cái; rồi đến lượt chính con cái, lại bảo vệ cha mẹ mình”. Một lần khác, khi giải thích phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chú ý đến 12 giỏ của các vụn bánh còn lại khi nói: “Tại sao lại 12 giỏ nhỉ? Nó có nghĩa gì không. Số 12 là con số chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en; một cách biểu tượng, nó biểu thị toàn dân tộc đó. Và điều này cho ta biết rằng khi lương thực được chia sẻ đồng đều, sẽ không ai phải thiếu thốn những gì thiết yếu, mỗi cộng đoàn có thể đáp ứng những nhu cầu của những kẻ nghèo nhất. Sinh thái học nhân bản và sinh thái học môi trường đi liền với nhau”! Thật đẹp. Nếu không có sinh thái học nhân bản thì làm thế nào cổ xúy sinh thái học môi trường. Chỗ khác, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lại nói: ” ‘Nhà’ biểu thị những kho tàng quí báu nhất của nhân loại, kho tàng của gặp gỡ, của tương giao giữa con người,  tuổi tác văn hóa và lịch sử khác nhau, nhưng cùng nhau sống và cùng giúp nhau tăng trưởng. Vì lẽ này “nhà” là một nơi chốn cốt yếu trong đời sống, ở đó sự sống tăng trưởng và có thể được hoàn thành, bởi vì nó là một nơi mà mọi người học để tiếp nhận tình yêu và trao ban tình yêu”. Hay, “Gia đình là một cộng đoàn tình yêu ở đó từng người chúng ta học tương giao với người khác và với thế giới quanh ta”.

          Đúng là như thế đó bạn. Hãy giết chết ích kỷ nơi mình và bạn sẽ bắt gặp hạnh phúc đầy ngập tâm hồn, tràn ra ngoài miệng, lời nói và cử chỉ, đến toàn thể con người bạn và mọi người chung quanh nhận rõ bạn là con người hạnh phúc. Và hạnh phúc bạn diễn tả có sức thu hút mọi người chung quanh để bước theo cùng con đường ấy. Bạn hấp dẫn không phải do nói năng hay ngoại hình, nhưng bằng gương sáng và chứng từ.

          Điều này được in đậm trong đời sống từng người như là những hình ảnh Thiên Chúa. “Không ai được cứu độ một mình, như một cá nhân cô độc, nhưng Thiên Chúa lôi kéo chúng ta nhìn vào mạng lưới tương giao phức tạp xảy ra trong cộng đoàn nhân loại. Thiên Chúa đi vào trong năng động tính này, sự thông phần vào mạng lưới tương giao của con người”.

Tác giả: Văn Am, SDB

Visited 3 times, 1 visit(s) today