
Câu chuyện 1
Điện thoại reo khi những bông tuyết li ti vẫn rơi lượn lờ dưới ánh đèn đường nhá nhem hắt vào cửa sổ. Những tiếng nấc nghẹn bên đầu dây điện thoại đến từ Việt Nam nghe đau đớn và buốt lạnh như chính bầu trời Lyon xám xịt lúc sập tối. Em vui với tấm bằng tốt nghiệp và công việc mới chưa đầy hai tháng, giờ đây bỗng thấy mình tuyệt vọng dưới đáy vực tối đen không một tia sáng. Ở tuổi 22, em chưa bao giờ hình dung nổi và cũng chưa ai dạy em phải làm gì khi bị một tên xếp họ “Sở” dùng bạo lực cướp đi đời con gái, còn tặng lại cho em một cái thai và căn bệnh hiểm nghèo.
Tôi bỗng chốc thấy mọi kiến thức và kinh nghiệm tư vấn cho giới trẻ của mình đều xa lạ và vô ích. Tôi im lặng như đang đóng băng lý trí bên một tâm hồn đau khổ. Bên kia đường dây chỉ có tiếng nấc. Thỉnh thoảng em cố nói gì đó, nhưng không trọn câu. Cảm giác có cái gì đó chặn ở cổ làm em nói không tròn tiếng, thở không thành hơi. Nửa tiếng… một tiếng… rồi một tiếng rưỡi trôi qua… em vẫn khóc, tôi vẫn im lặng, nghe nỗi đau của em đang thấm dần vào từng hơi thở của mình, đôi lúc kéo dài thành tiếng nặng nhọc, cuốn theo nỗi bất lực tìm lời an ủi, tan vào không trung u uẩn. Tuyết vẫn rơi…
“Con bình tĩnh lại rồi cha ạ” – em đã hết khóc. “Con cám ơn cha. Con nghĩ kỹ rồi, đây là đứa con của con. Bằng mọi giá con sẽ cho nó chào đời và yêu thương nó. Nhiều người trong gia đình sẽ chống đối việc này, hàng xóm sẽ nhìn con bằng cặp mắt khinh thị… nhưng cha ủng hộ con cha nhé!” Chúa ơi, – tôi chợt bàng hoàng – mình đã nói gì? Tôi muốn khuyên như thế lắm, nhưng làm sao tôi dám nói lời gì khi em đang quằn quại trong nỗi đau? Nhưng sao em đọc được ý tôi trong cái thing lặng hàng tiếng đồng hồ?
Thì ra, có những lời nói không thành tiếng, chỉ là sự thinh lặng với chiếc điện thoại bên tai, chỉ là tiếng thở dài đồng cảm nhưng bất lực, hay chỉ là một cái xiết tay nhè nhẹ… đủ để truyền đi cả ý nghĩa sống, vực dậy một tâm hồn. Quan trọng là sự thấu cảm được thông truyền trong cử chỉ. Sự thấu cảm chân thành tự nó tìm thấy cách biểu đạt của riêng mình, không cầu kỳ hình thức, không uỷ mị văn vẻ.
Câu chuyện 2
Anh đeo tạp dề, thả cái vá, chụp đôi đũa, bỏ chảo rau xuống, đặt nồi canh lên, xào xào… nấu nấu… không nghỉ tay. Hai đứa con gái quấn quýt, đuổi nhau quanh chân anh, cười nắc nẻ. Thỉnh thoảng đứa nhỏ ôm lấy chân bố, há miệng cà cà hàm rằng sữa vào đùi anh như muốn cắn. Anh hét toáng lên vì nhột. Vợ anh thay đồ cho đứa thứ ba chưa đầy một tuổi, rồi ầu ơ ru nó ngủ. Nhiều năm không gặp, vợ chồng anh cố làm những món ngon đãi tôi đến thăm, miệng tám chuyện ngày xưa, tay gọt, thái, xào trộn… thoăn thoắt. Hai đứa nhỏ thấy nhà có thêm người, vui cười líu ríu hơn mọi ngày. Một ngọn gió trưa hiếm hoi lay nhẹ mấy tán lá xoài bên hiên, cạ vào mái tôn sột soạt, lao chao ánh nắng trên thềm.
“Tớ rất hạnh phúc và hãnh diện về gia đình mình” – anh vừa nói vừa gắp thêm thức ăn bỏ vào chén tôi. “Cực mấy thì cực, thấy mấy con chó con này khoẻ mạnh là đủ hạnh phúc rồi” – anh đưa tay chỉ về hai đứa nhỏ đang làm đồ ăn đổ vung vãi quanh chỗ chúng ngồi.
“Thế còn mỗi lần vợ chồng cãi nhau thì anh có bí quyết gì để làm hoà?” – tôi bắt đầu tò mò.
“Vợ chồng mình có một thoả thuận” – anh chân thành, “nếu có buồn lòng nhau, không bao giờ kể cho người ngoài nghe, kể cả ba mẹ, mà phải bằng mọi giá nói chuyện với nhau cho đến khi hiểu ra mà xin lỗi nhau thì thôi. Tớ đặt ra quy định ấy, nên tớ phải làm trước. Nếu tớ buồn vợ, chắc chắn hôm đó sẽ không đi ra khỏi nhà. Vì lúc đó là lúc dễ buông xuôi cho những cám dỗ hư hỏng nhất. Ở nhà đó, chờ mình nguội, chờ vợ nguội rồi bắt đầu nói chuyện.”
Tôi chưa kịp hình dung ra cái quy tắc ngộ nghĩnh này sẽ vận hành thế nào thì anh lại tiếp: “Nhưng đó không phải là quy tắc vàng đâu. Quy tắc vàng của tớ đó là dù chuyện gì đi nữa, mình luôn phải là người mở miệng làm hoà trước, mình phải là người đầu tiên phá vỡ tảng băng im lặng giữa hai vợ chồng. Đừng bao giờ chờ người kia mở miệng trước, vì ai cũng chờ thì chờ đến bao giờ?” Anh trầm ngâm đưa mắt nhìn theo một chú chim sẻ vừa chao xuống nhặt mấy hạt cơm rơi gần hai đứa nhỏ, rồi vụt bay lên, đậu lại trên hàng rào lưa thưa vài ba sợi dây leo dại, láo liêng.
Thì ra, có những lời nói được nói ra với thông điệp tôi đang sẵn sàng lắng nghe, chứ không phải tôi muốn nói. Có những lời nói được thốt lên để đặt lại vị trí đáng tôn trọng của người nghe trong lòng mình, từ đó nối lại hai bờ yêu thương. Những lời nói ấy đòi hỏi hy sinh thật nhiều, cái mình đúng, cái mình buồn… không phải là cái có quyền nói ra trước, mà can đảm nói lên cái người kia đúng, diễn tả được cái người kia cảm…
Lời kết
Lời nói là sự chọn lựa giá trị của mối tương quan. Tôi chọn tình thương, tôi chọn tôn trọng, tôi chọn cứu vớt người nghe… hay tôi chọn phô trương chính mình, thị uy người khác? Trên cả việc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau,” cần lựa chọn trước hết cái giá trị tốt đẹp tôi muốn xây dựng trong mối tương quan với người nghe. Chọn được giá trị tương quan rồi, lời vừa lòng nhau ắt sẽ theo đó mà ra.
(Bài viết: Bart. Phan Trần Thái)