
Có lẽ bạn đã từng nghe về tư tương “Cuộc đời là ơn gọi”. Lý do để nói “Cuộc đời là ơn gọi” đặt nền trên việc Thiên Chúa gọi đã tôi ra khỏi hư vô và cho tôi khả năng trả lời để hiện hữu. Đối thoại nằm tận trong nhân tính của con người, vì vậy, con người là một ngôi vị có khả năng đối thoại.
Không chỉ có lý trí, tâm hồn hay lương tâm làm cho con người mang hình ảnh Thiên Chúa, mà còn cả khả năng đối thoại mới làm nên sự tròn đầy và cao thượng nơi con người.
Qua ĐỐI THOẠI, con người thực sự là hình ảnh của một Thiên Chúa có tên gọi là Ngôi vị đối thoại. Không ai có thể lấy mất khả năng này của tôi, trừ phi chính tôi không muốn dùng nó. Đúng là đối thoại “nhập” vào toàn vẹn con người đến độ ngay cả im lặng trước một câu hỏi thì đã hàm chứa câu trả lời rồi! Rõ ràng, trong đối thoại, tôi hiện hữu.
Đối thoại “cắm sâu” vào con người. Thế nên mọi người rúng động trước biến cố ngày 14 tháng Hai vừa qua. Nicolas Cruz dùng súng bắn loạn xạ vào học sinh tại trường Marjory Stoneman Douglas High School, thuộc Parkland (Florida). Thật buồn, hận thù xảy ra đúng nơi chốn đối thoại triển nở và với một người đang học đối thoại. Đang khi đó, bên trời Việt, “ngày 2/3, mạng xã hội xuất hiện video hơn một phút quay cảnh nữ sinh bị đánh bên bờ hồ Bình Sơn, thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Trong video, hai cô gái liên tục giằng co, giật tóc, xé quần áo và lăng mạ, không để ý tới lời xin lỗi của nạn nhân. Xung quanh một số người khác chứng kiến song không ai can ngăn.” (www.vnexpress.net). Buồn ghê! Một xã hội từng nổi tiếng là “lá lành dùm lá rách” lại biến thành dửng dưng, vô cảm và mặc kệ trước bạo lực được hiểu là ngáng chặn đối thoại. Quá rõ, cãi nhau, bạo lực, chiến tranh… rốt cục chẳng được gì cả. Cái mà người thắng có được lại là sự trống vắng khôn nguôi, một sự trống vắng kéo dài cho đến chết. Còn nơi lòng người thua lại mãi mãi âm mang một vết thương lòng, sự tổn thương nặng nề!!!
Xem ra con người chỉ lớn lên nhờ đối thoại mà thôi. Áp đặt và độc tài luôn bóp nghẹt nhân vị. Con người được tạo dựng cho tự do mà bất cứ sự áp bức nào đều phi nhân và vô luân. Theo ánh sáng này, mọi người đều nhận thấy sai lầm của chủ trương: “Con người bị kết án là tự do” (Sartre). Những điều trên, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết rất mạnh về điều này: “Đừng sợ đối thoại… Đối thoại liên quan đến việc đồng ý về những đề xướng để cùng tiến lên phía trước. Trong đối thoại, mọi người đều thắng, không có kẻ thua. Trái lại, trong cãi cọ thì có kẻ thắng, người thua, hoặc cả hai đều thua.” Tại sao thế? Vì đối thoại mới có “khả năng lắng nghe, xây cầu nối kết, đặt mình vào chỗ của người kia” trong hiền dịu và cảm thông. “Đối thoại mới nhổ rễ kiêu căng và gàn bướng. Nó giảm thiểu sự gây hấn” (Đức Phan-xi-cô, Address to participants of Scholas Occurrentes, May 30, 2016).
Nếu con người sống bằng cách đối thoại, thì điều xã hội ngày nay cần là kiến tạo một “văn hoá đối thoại bằng mọi phương thế có thể được và như vậy xây dựng lại cơ cấu xã hội. Văn hoá đối thoại kéo theo một sự học tập thực sự và một kỷ luật làm ta có thể nhìn người khác như những đối tác đối thoại, để kính trọng người ngoại quốc, di dân và những người từ các văn hoá khác như xứng đáng được lắng nghe.
“Đối thoại là hình thức gặp gỡ và kiến tạo sự đồng thuận tiến tới cùng đích là một xã hội công bằng, cảm thông và cho mọi người. Hoà bình sẽ dài lâu trong mức độ chúng ta trang bị cho con cái khí giới của đối thoại. (Address upon receiving the Charlemagne Prize, May 6, 2016). Bằng cách này, chúng ta xây dựng một thế giới “yêu thương chiến thắng hận thù, hy vọng trên thất vọng, sự sống trên sự chết.” (Phao-lô VI).
(Bài viết: Văn Am, SDB)