THƯƠNG CHO TUỔI HỌC TRÒ “ONLINE”

Chắc chắn thế giới kỹ thuật số sẽ luôn mang lại cả những điều ích lợi lẫn những nguy cơ, thách đố cho tuổi học trò; và thậm chí thật khó khăn hơn nữa cho những học sinh đang tuổi cắp sách đến trường lại phải dán mắt suốt ngày vào những màn hình máy tính thay vì trước đây là sự gặp gỡ, trò chuyện, học tập trong một lớp học đầy ắp tiếng cười, cả những tiếng ồn ào, những nét tinh nghịch của những chàng trai, cô gái được mệnh danh là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.

Cậu bé kháu khỉnh vừa mới tròn 7 tuổi đang ngồi trước màn hình máy tính, những ngón tay thoăn thoắt đang hứng thú với trận game cực kỳ gây cấn thì bỗng dưng được nhắc nhở bởi những lời quen thuộc của mẹ cậu vì đã đến giờ học online. Vẻ mặt của cậu cũng khó chịu, tức tối nhưng cũng đành phải ngậm ngùi vâng lời mẹ để nhấp vào đường link học trực tuyến nhưng trận game “bốc khói” vừa rồi vẫn không thể nào thoát ra được tâm trí của cậu.

Cô bé lớp 5 hiền lành, dễ thương hỏi vu vơ cô giáo của mình khi vừa kết thúc giờ học trực tuyến: “Cô ơi, học online xong rồi chút nữa giờ ra chơi cũng online luôn hả cô, tập thể dục online là làm gì vậy cô?”

Một cô giáo trẻ tuổi đang ân cần hướng dẫn cho các em lớp 1 viết những chữ cái và con số; bỗng dưng một em hơi tinh nghịch thốt lên giữa phòng học trực tuyến: “Cô ơi, em gõ được chữ A, B, C… còn đẹp hơn cô viết nữa”. Cô giáo nghe xong cũng cảm thấy hơi tự ái mà cũng chẳng biết làm gì, chẳng nhẽ phải đôi co nhiều lời với học sinh lớp 1. Rồi một chú bé khác có vẻ chăm học hơn, lên tiếng: “Cô ơi, không ai cầm tay cho con để chỉ con viết cả”. Cô giáo cũng đành bó tay bởi vì cho dù có muốn giúp trẻ đi nữa thì cũng không thể nào “cầm tay online” để giúp cho học trò của mình được.

Những câu chuyện oái oăm, dở khóc dở cười mùa Covid cũng làm cho chúng ta thấy có gì đó khác thường sẽ xảy ra cho học sinh trong những ngày phải học online như thế này.

Có lẽ trước thời gian Covid, chưa bao giờ tuổi học trò lại phải đến trường online như thế này.

Chắc chắn chúng ta không thể nào phủ nhận được những đóng góp vĩ đại của thế giới kỹ thuật số và đặc biệt việc dạy học online vẫn là một phương án tuyệt vời trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh. Nhưng dù có hiện đại, tiện ích thế nào đi nữa thì thật sự vẫn còn đó những hạn chế, thiếu xót mà học sinh đang gặp phải.

Giáo dục con người đâu đơn giản chỉ là cho kiến thức. Tuổi học trò của các em cần nhiều điều khác nữa. Lời bài hát “Ngày đầu tiên đi học” của nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện đã làm cho chúng ta gợi nhớ về một thời học sinh ngây ngô, hồn nhiên như thế nào. Có phải lúc đó chúng ta chỉ cần học để biết đọc, biết viết những chữ cái, con số hay bài toán nào đó không? Nhiều người cũng vẫn còn nhớ được ngày đầu tiên đi học đó với những giọt nước mắt sợ sệt, bỡ ngỡ và lúc ấy những cô cậu học trò nhí ngày xưa ấy vẫn tha thiết một lời vỗ về, dỗ dành để mang lại điều gì đó gần gũi, thân thương, an toàn hay một điều gì đó mà được gọi là “chao ôi, sao thiết tha”. 

Thương thay cho những cô cậu học trò không được những cảm xúc tương tự như thế, không được cảm nhận sự rụt rè, sợ sệt khi được tiếp xúc với những người bạn mới quen, thương thay cho những cô cậu học trò không được những lời hướng dẫn, an ủi, vỗ về của cô giáo để chăm sóc, yêu thương mình để rồi được đọng lại trong tim một cảm xúc “cô giáo như mẹ hiền”.

Có phải chăng cậu bé tinh nghịch của câu chuyện dí dỏm trên đã làm cho người giáo dục phải bừng tỉnh và suy nghĩ câu trả lời cho các cô cậu học sinh nhí này. “Chữ A, B, C con gõ trên bàn phím còn đẹp hơn chữ của cô nữa.” Ah, thì đúng rồi, làm sao cô có thể vẽ đẹp cho bằng những mẫu chữ đã được lập trình sẵn trên máy tính được; cô đâu chỉ cho các con các chữ cái, con số nhưng mà còn lời động viên, sự ân cần, lòng chân thành, sự quan tâm và đặc biệt là tình thương của cô nữa. Đó phải là câu trả lời của những người giáo dục của thời đại “online” này. Nếu là kiến thức thì chắc chắn một giáo viên nào có giỏi đến mấy đi nữa thì không thể nào sánh ví được bộ nhớ kỹ thuật số của “anh Google”. Thế nhưng, giáo dục đâu chỉ là kiến thức, và con người đâu chỉ sống trên lý trí mà thôi.

Cho dù một đứa trẻ có giỏi cách mấy mà không hình thành nên được một tình cảm yêu thương bố mẹ, thầy cô, anh chị em, bạn bè thì liệu rằng giáo dục khi đó có còn giá trị, ý nghĩa gì nữa không? Giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức nhưng còn là xây nên một cầu nối với nhau giữa con cái và cha mẹ, giữa học trò và thầy cô, giữa anh chị em, bạn bè với nhau… Thật đáng thương cho những đứa trẻ sẽ có nguy cơ trở nên cô đơn, lạnh lẽo nếu ngày đêm chỉ làm bạn với chiếc máy tính, điện thoại mà thôi. Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nêu quan điểm trong thông huấn Chirstus Vivit như sau: “Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến mọi người bị lệ thuộc, cô lập và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế cụ thể, và như thế  chúng cản trở sự phát triển của các mối quan hệ đích thực giữa người với người”.

Giáo dục đâu phải chỉ dựa vào “online” mà thôi. “Cô ơi, học online xong rồi chút nữa giờ ra chơi cũng online luôn hả cô, tập thể dục online là làm gì vậy cô?” Nhiều người lớn phải bật cười vì câu hỏi này, thế nhưng nếu suy nghĩ kỹ càng hơn thì quả là một điều đang lo ngại cho những học trò trong thời gian dịch bệnh này. Làm sao để những cô cậu tinh nghịch, hiếu động có được những không gian thoải mái để chạy nhảy, nô đùa trong lúc này đây? Rồi thì giờ ra chơi thực sự của các em cũng chỉ thay thế bằng những trận game, hay những video, bài hát online mà được đặt tên cho là “ra chơi online” mà thôi. Rồi “tập thể dục online” là làm cái gì? Cũng chỉ là nhìn, xem và ngồi mà thôi.

Thật là đáng thương, nếu những cô cậu học trò lại phải kéo dài thời gian học online chỉ biết ngồi, nghe và nhìn mà thôi. Con người đâu chỉ là có bộ não mà thôi. Thân xác của con người quả thật là một vẻ đẹp kỳ diệu mà Thượng Đế đã ban tặng. Người xưa vẫn dạy rằng: “Trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể cường tráng”. Nếu thiếu đi những bài tập thể dục, thiếu đi sự vận động tay chân, thiếu đi sức khoẻ nơi thân xác thì trí tuệ có được kiện cường không? Có lẽ những cô cậu học trò cần lắm những giờ giải trí của sân chơi, của việc chạy nhảy, la hét, của những trái bóng tròn, sợi dây thun hay những câu chuyện con nít “chỉ nói cho vui”. Thật thương cho những cô cậu học trò như thế.

Cuộc sống con người phải đối diện với những hoàn cảnh thực tế với những giọt máu, giọt mồ hôi chảy ra để có được thành quả cho mình và cũng như cho gia đình, cho xã hội. Có những công việc, những tình huống không thể nào giải quyết bằng “online” được. Cô giáo đâu thể nào “cầm tay online” để tập viết cho những cô cậu học trò được. Cần lắm một khuôn mặt bằng xương, bằng thịt, một sự hiện diện thật để truyền tải đến những cô cậu học trò một tình thương. Làm sao có thể cho rằng, đi du lịch chỉ là nhìn qua những hình ảnh online mà thôi? Làm sao có thể gọi là có trải nghiệm thật sự khi chỉ nghe và nhìn qua người khác làm thôi?

Thương lắm cho những cô cậu học trò phải nhận tình thương và sự quan tâm theo kiểu “online” như lúc này. Chắc chắn làm sao có thể gọi đó là một tình thương, một sự giáo dục đầy đủ được. Thương lắm cho những cô cậu học trò chỉ nghĩ rằng thế giới này chỉ ngang bằng với thế giới online mà thôi. Chắc chắn còn quá nhiều điều trong thế giới này cần phải khám phá, trải nghiệm mà giáo dục online chưa thể mang lại cho những bạn học trò một cách đầy đủ.

Theo một khảo sát gần đây từ Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực châu Á Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch. Báo cáo cũng cho thấy 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình.

57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp. Ngoài ra, các vấn đề kỹ thuật cũng là một nguyên nhân gây xao nhãng và giảm hứng thú học tập của các em (chiếm 60%).

(Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/10-dieu-phu-huynh-can-lam-de-tre-hao-huc-voi-viec-hoc-truc-tuyen-771674.html 03/09/2021)

Những dữ liệu trên đã cho chúng ta thấy được rằng, thật khó để đem lại cho các em học sinh sự giáo dục đúng đắn và hiệu quả nhất trong thời gian này. Những bấtt cập và khó khăn khi học sinh phải học online chắc chắn sẽ luôn luôn có. Có lẽ đây cũng chỉ là phương pháp tạm thời và ai  trong chúng ta cũng mong ước để các em học sinh có được một nền giáo dục lành mạnh và toàn diện.

Dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng ao ước để dịch bệnh sớm qua đi để cho mọi việc trở lại bình thường. Thế nhưng, có những điều con người chúng ta chỉ biết tín thác, hy vọng nơi Đấng Toàn Năng mà thôi và những gì còn lại là đối diện với hoàn cảnh của mình để làm những gì tốt nhất cho hiện tại. Từng giây phút sống hiện tại có giá trị, ý nghĩa độc nhất vô nhị đối với từng người trong chúng ta và cũng như đối với những cô cậu học trò bé nhỏ nữa. Thiết tưởng rằng, việc giáo dục trong hoàn cảnh như lúc này đây cũng là một việc trọng yếu đối với cha mẹ và thầy đối với con cái và học trò của mình.

Ước gì những người giáo dục nhận thấy được rằng sự đáng thương nơi những cô cậu học trò phải học online trong những ngày này. Việc giáo dục không phải chỉ giải quyết trên “online” mà thôi nhưng còn là một sự gặp gỡ, trao ban, quan tâm và trao tặng sự yêu thương. Như Don Bosco, ngài đã để lại cho chúng ta phương châm giáo dục toàn diện của lòng mến, lý trí và tôn giáo. Giáo dục chắc chắn không phải chỉ dừng lại ở kiến thức hay là giải quyết theo kiểu “online” mà thôi. Ước mong rằng, những bậc phụ huynh những bạn học sinh, sinh viên cũng sẽ tỉnh táo để không cho rằng giáo dục chỉ là cho kiến thức hay là được thực hiện trên “online” mà thôi. Nhận thức được vấn đề đó, mỗi người sẽ phải can đảm để tìm ra cho mình câu trả lời khi đối diện với hoàn cảnh khó khăn về mọi phương diện như lúc này. Câu nói gợi hứng từ Đức Hồng Ý Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận khi ngài bị cầm tù 13 năm trong sự chờ đợi ngày được tự do: “Tôi sẽ tận dụng các cơ hội có được mỗi ngày, tôi sẽ chu toàn các việc bình thường một cách phi thường” sẽ giúp cho chúng ta có được những ngày tháng trải nghiệm đầy cam go nhưng thú vị.

Thương lắm cho tuổi học trò “online” nhưng hy vọng rằng những người người giáo dục lẫn các bạn học sinh sớm được quay trở lại với mái trường, nơi ấy, họ lại được trải nếm những cảm xúc quý giá của những cuộc gặp gỡ “thật”.

Đaminh Trường Sơn SDB

Visited 4 times, 1 visit(s) today