LỐI SỐNG CỦA DON BOSCO

    Khi nói về Don Bosco, rất khó lòng mà bỏ qua các giấc mơ của Ngài. Don Bosco đã mơ rất nhiều lần và một trong những giấc mơ rất quan trọng liên quan mật thiết đến cả cuộc đời thánh nhân đó chính là giấc mơ 9 tuổi. Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết rằng trong giấc mơ này, Chúa đã đặt Don Bosco lên đứng đầu một đám trẻ để hướng dẫn chúng thành những con người tốt. Không chỉ dừng lại tại đó, Chúa còn ban cho Don Bosco một Bà giáo, hướng dẫn cho thánh nhân biết thực hiện sứ mệnh bằng cách sống khiêm nhường, mạnh mẽ và can trường.

        Một lối sống khiêm nhường

Khiêm nhường là một nhân đức rất quan trọng, là điều kiện thiết yếu làm nên sự thánh thiện của một thánh nhân. Chúng ta có thể nhận ra sự khiêm nhường của Don Bosco khi Ngài còn rất nhỏ và nó tồn tại trong con người Ngài cho đến hết cuộc đời.

        Ngay khi còn là một cậu bé, Gioan Bosco đã được mẹ dạy cho cầu nguyện, đó là bước đi đầu đời trong việc tăng trưởng đời sống thiêng liêng. Khi lớn lên, cậu ý thức được rằng mình chỉ là một thụ tạo của Chúa, nếu không có Chúa giúp đỡ thì với sức lực yếu hèn của con người sẽ chẳng làm được gì. Do đó Gioan đã cầu nguyện không ngừng và với sự khiêm nhường cầu nguyện đó, Chúa đã ban cho Ngài rất nhiều điều. Nhìn vào Tu Hội Salêdiêng hiện nay là chúng ta biết rõ Chúa yêu thương Don Bosco đến dường nào. Chắc hẳn đây là một phần hoa quả của sự khiêm nhường cầu nguyện mà ra.

        Chúng ta cùng nhau xoay lại bánh xe lịch sử để thấy rõ nét hơn sự khiêm nhường của thánh Gioan Bosco. Khi Gioan còn nhỏ, cậu có một hoài bão lớn là được đi học và trở thành linh mục. Cậu luôn tìm mọi cách để biến ước mơ dường như hão huyền đó thành hiện thực. Sở dĩ gọi đó là mơ ước hão huyền bởi vì lúc bấy giờ để trở thành một linh mục cần phải có rất nhiều tiền, mà gia đình cậu thì quá ư nghèo khó. Tuy nhiên, ngọn lửa đã âm ỉ trong tâm can thì rồi cũng sẽ bùng ra bên ngoài. Gioan đã làm một việc mà lúc đó cậu chẳng muốn làm và cả sau này cũng vậy, đó là hạ mình xuống xin sự giúp đỡ của người khác. Với sự khiêm nhường hạ mình xuống đó, cậu có được một phần đồ ăn và tiền bạc giúp cậu thực hiện ước mơ của mình.

Ngang qua cuộc đời của Don Bosco, từ sau khi làm linh mục cho đến cuối  đời, chúng ta nhận thấy rằng Ngài cũng làm không ít phép lạ để chữa lành những người ốm đau cần đến Ngài giúp đỡ. Ấy vậy mà Don Bosco có bao giờ tự nhận là mình làm đâu. Khi có ai hỏi Ngài về các phép lạ, Ngài chỉ mỉm cười và trả lời rằng mọi sự đều do Đức Mẹ làm, Mẹ cứu chữa con cái của Mẹ. Don Bosco tự hạ mình xuống để tôn vinh sự can thiệp từ mẫu của Mẹ Thiên Chúa, thử hỏi rằng đó có phải là một hành động mang đầy tính khiêm nhường hay không?

        Quả thực khiêm nhường là một đức tính rất quan trọng trong cuộc sống, Don Bosco đã sống khiêm nhường suốt mọi ngày trong cuộc đời Ngài. Thật chí lý khi nói rằng: môn đệ của Don Bosco cũng phải là những người theo chân thánh nhân, hãy bắt chước thánh nhân, sống khiêm nhường.

        Một lối sống mạnh mẽ

Nếu nói về sức khỏe thì ai cũng phải cần tới nó bởi vì không có sức khỏe thì coi như không làm được gì. Nhìn vào thể lý của Gioan Bosco, có thể nói rằng cậu là một ân ban của Thiên Chúa vì sức khỏe cơ bắp của cậu tựa như một con người phi thường. Hơn thế nữa, sức khỏe đó, với sự chăm chỉ luyện tập hằng ngày, càng được củng cố và phát triển hơn.

        Gioan dùng sức khỏe của mình để phụ giúp gia đình. Là một thành viên trong gia đình, không thể nào chỉ ỉ i làm dưng, phụ thuộc vào mọi người xung quanh. Đối với Gioan, sống trong một gia đình nông dân, lại còn mồ côi cha từ nhỏ, thì trách nhiệm đổ trên đôi vai của cậu chắc hẳn sẽ lớn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Do đó, phụ giúp mẹ và anh trong việc đồng áng bằng những việc làm tay chân là điều hiển nhiên đối với cậu. Với sức mạnh của mình, cậu đã làm không biết mệt mỏi hầu giúp đỡ gia đình nhiều nhất có thể.

        Gioan dùng sức khỏe của mình để giúp đỡ tha nhân. Lúc 18 tuổi, cậu có thể dễ dàng nâng đến 160 kg trên vai. Với sức mạnh như vậy, cậu chẳng phải sợ sệt những đứa bạn ngỗ nghịch, hơn thế nữa, cậu còn dùng sức mạnh để bảo vệ những người yếu thế. Một ví dụ điển hình như lúc Luy Comollo bị một đám bạn lỗ mãng bắt nạt, Gioan đã không ngần ngại đứng ra vì lẽ phải, dùng tay không mà túm lấy một tên, quay như một cây gậy sống quất túi bụi vào đối thủ. Xét cho cùng thì đánh nhau là một hành động không hề tốt chút nào nhưng vì tình yêu mến bạn bè, Gioan đã phải sử dụng đến cơ bắp của mình như là phương pháp tối hậu vậy.

        Tuy nhiên càng về lâu về dài, Gioan càng ngấm được câu nói mà lúc 9 tuổi cậu đã được nghe trong giấc mơ: “Không phải nhờ những cú đấm cú đá mà con thu phục được bạn bè đâu, nhưng là nhờ vào đức ái”. Và qua đức ái, qua tình yêu, sự mạnh mẽ của Gioan được thể hiện rõ nét. Gioan Bosco làm việc không ngừng nghỉ, từ lúc mặt trời mọc đến khi màn đêm phủ kín không gian quanh Ngài. Một quyết định của thánh nhân là một ngày ngủ không quá 5 tiếng đồng hồ. Với một giấc ngủ ít như vậy, trái lại công việc không bao giờ hết từ ngày này qua ngày khác đủ cho chúng ta thấy Ngài mạnh mẽ đến mức nào.

        Don Bosco đã sống mạnh mẽ, dùng chính sức khỏe của mình để làm những việc tốt hầu mưu ích cho tha nhân. Môn đệ của Don Bosco cũng mang trong mình một lối sống mạnh mẽ như Ngài. Tôi còn nhớ vào lúc giao mùa năm ngoái, khi thời tiết thay đổi, rất nhiều anh em Tiền Tập chúng tôi bị ốm. Có một bề trên đã nhắc nhở chúng tôi rằng: “Cái buồn của Salêdiêng là không làm việc được. Nếu có thể làm việc, dù mệt vẫn vui hơn là nằm một chỗ. Cho nên cố gắng mà giữ sức khỏe, đừng để mình bị ốm”. Thêm vào đó, những lúc không thể làm việc tay chân thì lại cần một sự kiên vững về tinh thần, nhờ đó mà có thể thánh hoá những yếu đuối của thể xác. Quả vậy, sức khỏe rất quan trọng, do đó sự mạnh mẽ, cả về thể lý và tinh thần, đều cần phải được duy trì và phát triển.

        Một lối sống can trường

Sự can trường của Don Bosco được thể hiện rõ trong việc thành lập nguyện xá và Tu hội Salêdiêng.

Với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Don Bosco nhận ra sứ mệnh của mình là chăm lo cho các thanh thiếu niên nghèo. Bấy giờ Ngài đã là một linh mục, Ngài quyết định thành lập nguyện xá đầu tiên trong đời. Đó là một quyết định can trường vì dường như không có gì chắc chắn đối với Ngài: Kiếm đâu ra chỗ ở, kiếm đâu ra bánh ăn cho hàng trăm trẻ đang chờ đợi Ngài. Có nhiều hôm ông chủ tiệm bánh nhất quyết không bán bánh cho Ngài vì Ngài chưa trả nợ cũ. Dường như khoản nợ ấy không phải là một số tiền lớn, nhưng thực ra mọi cái đều trở nên lớn nếu như mình không có gì, và Don Bosco thì thật sự chẳng có gì trong tay. Nhiều người nói rằng Don Bosco là một người điên khi dẫn dắt và chăm lo cho một đám trẻ nam như vậy. Vâng, chính xác Don Bosco là một người điên, một người điên thực sự, một người điên vì sứ mệnh, một người điên vì giới trẻ, một người điên vì thi hành thánh ý Chúa. Chính sự điên rồ đầy can trường của Don Bosco mà làm cho nhiều trẻ em nghèo tìm được động lực sống.

        Nguyện xá ngày càng phát triển, đạo quân trẻ với số lượng ngày càng tăng trong khi vị thủ lĩnh thì ngày một già đi. “Ai sẽ là người chăm lo cho đám nhóc nếu như Don Bosco qua đời?” Với suy nghĩ đó, Ngài đã can đảm lập ra Tu hội Salêdiêng. Khởi đầu, Ngài gặp nhiều chống đối từ những người không yêu thích Ngài. Mặc dù vậy, Ngài vẫn can đảm giữ vững lập trường. Don Bosco tin tưởng rằng nếu Chúa muốn thì không gì là không thể. Năm 1869, Tu hội được Đức Thánh Cha công nhận. Bốn năm sau đó, Hiến luật mới được thông qua. Don Bosco đã hành động can trường bởi một tình yêu nồng nhiệt, thúc đẩy bởi một con tim được nung náu biết bao tháng ngày, và Chúa đã mỉm cười lại với Ngài.

        Quả thực, vàng bao giờ cũng cần được thử bằng lửa. Bon Bosco đã trải qua bao nhiêu thử thách, bao gánh nặng đè lên vai Ngài. Khi lãnh nhận thiên chức linh mục, mẹ Magherita đã nói với Ngài rằng: “Bắt đầu dâng thánh lễ là bắt đầu vác thánh giá”. Don Bosco đã vác thánh giá ấy suốt cả cuộc đời, dù có nặng đến mấy cũng không chùn bước. Thánh giá thì vẫn vậy còn con người thì yếu dần theo thời gian, cho nên sức nặng của thánh giá ngày một tăng lên. Ấy vậy mà Ngài vẫn vác một cách đều đặn, đầu ngước thẳng và luôn nhìn về phía trước, nhìn về chân lý. Don Bosco đã sống can trường là như vậy.

        Cả cuộc đời của thánh nhân là những chuỗi ngày hy sinh và phục vụ với lối sống khiêm nhường, mạnh mẽ và can trường. Nếu như ai đó muốn yêu mến Don Bosco, muốn giống như Ngài, muốn trở nên môn đệ của Ngài, muốn đi cùng một lối đường với Ngài thì cũng cần sống như Ngài đã sống: khiêm nhường, mạnh mẽ, can trường.

(By Jos. Trọng Cường)

Visited 6 times, 1 visit(s) today