Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Valdocco, Tôrinô 05/10/2020. ‘Nhà Don Bosco’ tại Valdocco là cái nôi của các công cuộc Salêdiêng, là khu vực mà Cha Thánh Gioan Bosco đã thành lập nguyện xá đầu tiên để từ đó đoàn sủng Salêdiêng dần dần lan toả đến khắp mọi nơi. Nơi đây vẫn còn dấu ấn về nhà kho của ông Pinardi mà Don Bosco đã mua lại để làm nơi ăn ở cho các con cái của Ngài năm xưa.
Trong Tổng Tu nghị 27 (2014) Tu hội đã cân nhắc việc mở cuộc triển lãm cho mọi người đến tham quan khu vực này. Sau hơn 3 năm chuẩn bị, trong tuần vừa qua, Tu hội đã chính thức mở cửa khu triển lãm cho công chúng đến tham quan để giúp mọi người hiểu rõ hơn về thời kỳ đầu tiên của công cuộc Salêdiêng tại đây.
Khu vực triển lãm rộng khoảng 4.000 mét vuông với 27 phòng trưng bày. Mục đích của cuộc triển lãm, nhằm giới thiệu cho mọi người những sáng kiến mang tính mạo hiểm về phương pháp giáo dục do chính Don Bosco khởi xướng.
Cuộc triển lãm và hội thảo kéo dài trong 3 ngày. Trong ngày đầu tiên 02/10/2020, Cha Bề Trên cả tuyên bố khai mạc, sau đó có cuộc hội thảo. Thuyết trình viên là cha Giuseppe Costa, sau đó một vài vị khác cũng lên cắt nghĩa về dự án ‘Casa Don Bosco’. Bước sang ngày hôm sau là cao điểm của buổi triển lãm. Mọi người quy tụ trong hội trường tại Valdocco để cùng với Cha Bề Trên cả chính thức khai mạc cuộc trưng bày ‘Nhà Don Bosco’. Trong ngày hôm nay có sự hiện diện của ông thị trưởng Thành phố Tôrinô, Đức Tổng Giám mục giáo phận Tôrinô và khá nhiều quan khách, đạo cũng như đời. Ba ngày triển lãm được kết thúc với Thánh lễ tạ ơn trọng thể vào ngày 04/10/2020 tại Đền Thánh Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, đền thờ do chính Don Bosco xây dựng. Cha Bề Trên cả chủ sự Thánh lễ. Cùng đồng tế với ngài có khá đông các anh em Salêdiêng, đặc biệt có sự hiện diện của cha cựu Bề Trên cả Pascual Chavez, các bề trên trong ban Tổng Cố vấn, Mẹ Bề trên Tổng quyền FMA và các nhóm trong Gia đìng Salêdiêng.
Có lẽ mỗi người chúng ta cũng nên đến Valdocco một lần, không phải chỉ để tham quan ‘Casa Don Bosco’, nhưng còn để tìm hiểu sâu hơn những yếu tố lịch sử liên quan đến đoàn sủng Salêdiêng mà chúng ta đang thừa hưởng.
Văn Hào, SDB lược dịch