Nguyễn Văn Thông
Trong bẩy năm ở Don Bosco Thủ Đức, chúng tôi chỉ được nhìn thấy Sư Huynh Mai De Marchi ít lần vào những dịp lễ lớn khi hai nhà Don Bosco Gò Vấp và Thủ Đức gặp nhau như ngày Lễ Don Bosco, Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, lễ Savio… Nhớ lần đầu tiên được đến nhà Gò Vấp, tôi đã ở trong ban kèn, được hoà chung vài bản nhạc với ban kèn Gò Vấp. Quả-thực chúng tôi chỉ là “đàn em”, không những vì ban kèn Gò Vấp lớn hơn, nhiều nhạc-khí hơn mà nhất là vì Thầy Lộc là nhạc trưởng có tài. Đang lúc tập-dợt thì Thầy Mai trong bộ sơ-mi trắng quần đen, vừa oai-vệ vừa tươi cười mang máy ảnh tới chụp chúng tôi sinh-hoạt. Dáng Thầy không cao như phần đông các vị người Âu khác nhưng đẹp người, và rất nhanh-nhẹn, bước đi thoăn-thoắt. Tôi hỏi anh bạn ngồi bên và được trả lời: “Thầy là Thầy Mai, là Tomorrow!” Tôi nhớ mãi cái tên rất hay ấy cho tới không biết bao nhiêu năm sau mới vỡ lẽ tên tiếng Ý của Thầy là De Marchi!
Don Bosco Gò Vấp là trường trung-học kỹ-thuật nổi tiếng vùng Sàigon, Gia Định – dĩ nhiên là cả miền Nam. Nổi tiếng về nhiều phương-diện: học và thi, các xưởng thợ lớn có nhiều máy-móc, và các sư-huynh học tại Đại Học Kỹ Thuật Phú Thọ đều chiếm điểm cao, rất giỏi. Mỗi lần nghe thành-quả của các thầy, chúng tôi ở Thủ Đức đều xúyt-xoa. Sao các thầy giỏi toán thế!
Ban kèn nhà Thủ Đức của chúng tôi dù là “đàn em” mà cũng đã nổi tiếng khắp vùng khi theo Cha Mario đi làm lễ ở các trại cải-huấn, các trại lính vào các dịp lễ Giáng Sinh; đi đám ma – đôi khi đám cưới – và các lễ khánh thành từ Gia Kiệm, Hố Nai, Tam Hiệp, Chí Hoà, Xóm Mới… Thế cho nên ban kèn đàn anh Don Bosco Gò Vấp còn nổi tiếng đến thế nào.
Trường Gò Vấp còn nổi tiếng về bóng rổ nữa. Những năm đầu 1970, nhà Thủ Đức chúng tôi thuê một huấn-luyện viên bóng rổ, và đội tuyển của chúng tôi chơi đã có hạng. Một lần chúng tôi đấu với một trường Tầu Chợ Lớn. Họ chơi rất hay nhưng cũng rất bẩn. Khi kèm sát chúng tôi, bọn chúng nắm vào bên quần khiến chúng tôi không thể nhẩy lên cướp banh được, sợ tụt quần. Thiệt là con cháu Tào Tháo! Thế nhưng đội tuyển nhà Gò Vấp “của chúng tôi” đã từng thắng các trường Tầu Chợ Lớn. Có lần chứng-kiến cuộc chơi có Cha Lực và Hai “Néo”, tôi lại có cảm-tưởng đội tuyển Thủ Đức của chúng tôi là đàn em!
Ấy thế mà nhà Thủ Đức cũng có một thứ để hãnh-diện: bóng đá. Môn này thì anh em Gò Vấp chịu lép vế dù các anh có giỏi toán, kỹ-thuật, giỏi thổi kèn, và giỏi bóng rỗ cỡ nào thì cũng chào thua các cầu thủ Vinh, Kích, Long Ốc, Hướng… của chúng tôi. Thế cho nên cộng lại, nhiều người nghe danh Don Bosco là đều nghiêng mình bái phục. Nhớ lại khi lên Triết Học Đà Lạt, mấy thầy bạn Minh Hoà bảo: “Sao tu Don Bosco sướng thế, chỉ nghe các cậu thổi kèn, chơi banh và làm văn-nghệ không là thế nào?”
Ngoài những sinh-hoạt kể trên, và ngoài những phòng ốc, xưởng thợ mênh-mông xếp hàng các loại máy điện, máy tiện… và xưởng mộc, tôi không biết nhiều về sinh-hoạt của nhà Don Bosco Gò Vấp. Cho đến khi vào Tập Viện và những năm triết học, nhờ Sư Huynh Văn và Đại, tôi cảm-nhận được thêm nhiều điều hay-ho. Tôi thích ở đội bóng rổ có Đại điều-động. Thích Văn ở sự hiền-lành nhẹ-nhàng. Tôi theo Đại làm mộc đóng tủ hoặc sửa-chữa bàn ghế, và học được bao nhiêu món nghề bào, cưa, đục, và cả cách đóng đinh sao cho khỏi nứt gỗ… Sau này nhóm tôi dựng nhà ở Đức Huy, mấy ông thợ ngạc-nhiên khi thấy tôi biết tra lưỡi bào và bào láng những cây cột cái, đòn tay…
Trong một cuộc tĩnh-tâm về tinh-thần dòng, một câu được trích như sau: Nếu người ta hiểu được tinh-thần Salesian thì nhà dòng không có đủ chỗ cho người ta xin vào tu. Nếu các tu-sĩ hiểu được tinh-thần của các sư-huynh Salesian thì họ sẽ xin tu làm sư-huynh hết… trơn! Câu ấy gíup trả lời phần nào câu hỏi âm-thầm trong lòng tôi: Tại sao tu làm thầy? Đàng nào cũng mất công đi tu, tại sao không tu làm cha? Làm cha được làm lễ, được giảng dạy, oai hơn làm thầy nhiều. Các sư-huynh của chúng tôi giỏi-giang, nhiều tài-năng hơn chúng tôi về nhiều phương-diện, vậy mà các ngài lúc nào cũng chỉ là những vai phụ.
Thiệp báo tang của Thầy Mai De Marchi ghi hàng đầu câu Tin Mừng của Thánh Luca:
“Khi được mời, thì con hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người mời đến nói: ‘Xin mời bạn lên trên’. Thế là con sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.” (Lc 14,10)
Câu Tin Mừng ấy đứng bên bức chân-dung đã già của Thầy Mai. Tấm hình không mang dáng oai phong, nhanh-nhẹn của Thầy nhiều năm trước, nhưng vẫn toát ra niềm vui của đời tận-hiến – sự tận-hiến chọn chỗ chót hết trong bàn tiệc.
Tạ ơn Chúa ban cho chúng con những gương sáng nhân-chứng Đức Tin và Đức Ái trong cánh đồng truyền-giáo. Tạ ơn Chúa ban cho Salesian Việt Nam Thầy Mai De Marchi với trái tim lớn trọn đời dành cho Quê Hương Việt Nam chúng con. Thầy đã chọn chỗ chót hết, và giờ đây được Chúa mời lên bàn tiệc Thiên Quốc đồng bàn với Don Bosco và các thánh. ***
September 16, 2020
Visited 27 times, 1 visit(s) today