Trong đời sống xã hội, người ta vẫn hành xử theo nguyên tắc ‘Ai làm nhiều sẽ được thưởng công nhiều, ai làm ít sẽ được thưởng công ít’. Đó là quy chuẩn thông thường về sự công bằng trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, các bài đọc lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về một quy chuẩn cao hơn, đó là sự công bằng và tấm lòng đại lượng của Thiên Chúa, khác xa sự đo đếm theo kiểu thế gian. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và rất quảng đại. Sự quảng đại của Ngài vượt trên tất cả những giới hạn và thước đo của lòng người. Sứ điệp lời Chúa khơi dậy nơi chúng ta một chiều kích khác của Đức ái. Đức ái Kitô giáo mời gọi chúng ta phải gạt bỏ mọi ghen tương hay tị nạnh, để học hỏi nơi Thiên Chúa sự khoan hậu và lòng quảng đại vô bờ bến.
Tình yêu Thiên Chúa luôn tuyệt đối và vô giới hạn
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia trình bày giáo huấn về lòng nhân từ của Thiên Chúa với khẩu lệnh ‘Hãy trở về cùng Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa xót thương và luôn rộng lòng tha thứ. Tư tưởng của Thiên Chúa không giống như tư tưởng của con người. Đường lối của Thiên Chúa khác xa với những suy tính nơi đầu óc chúng ta’ (Is 53, 6-4). Nguyên tắc này được minh giải rõ nét hơn qua dụ ngôn những người thợ làm vườn nho mà Chúa nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong xã hội Do thái ngày xưa, tiền công nhật bình thường là 1 đồng, và ông chủ đã hào phóng trả như thế, đồng đều cho tất cả những người thợ, dù họ đến từ sáng sớm, hoặc đến vào ban trưa, thậm chí có người mới chỉ bắt đầu đến làm việc khi trời đã xế chiều. Rõ ràng ông chủ trong câu chuyện là hình ảnh ám thị về Thiên Chúa. Ngài minh xử rất công bằng, thực hiện đúng như lời đã hứa, đồng thời Thiên Chúa cũng rất mực đại lượng. Lòng quảng đại của Ngài vượt xa những giới hạn theo cách suy tính nơi đầu óc con người chúng ta.
Qủa thật, tất cả chúng ta đều được sinh ra trong tội lỗi. Nếu đặt mình trước mặt Chúa để thẩm định về giá trị nơi mình, chúng ta thật không xứng đáng với bất cứ công trạng gì, nhất là khi cân, đo, đong, đếm với những tội lỗi mà chúng ta đã phạm. Tác giả thánh vịnh 143 đã viết : “Lạy Chúa, con người là chi mà Chúa cần biết đến. Phàm nhân là gì mà Chúa phải lưu tâm”. Monier, một nhà tu đức cũng nhận định : “Thiên Chúa yêu thương con người, không phải vì con người xứng đáng với tình yêu ấy. Nhưng, con người xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương, chỉ vì Thiên Chúa muốn yêu thương con người”. Chúng ta hoàn toàn bất xứng, nhưng Thiên Chúa luôn quảng đại giang rộng đôi tay ôm đón chúng ta vào lòng, người giầu sang cũng như kẻ nghèo hèn, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Tình yêu Thiên Chúa luôn tuyệt đối, luôn là ‘một đồng’ giống nhau cho tất cả những người thợ làm vườn nho, cho dù họ đến từ sáng sớm hay chỉ đến muộn màng. Đúng hơn, đó là một tình ‘cho không biếu không’ phát xuất từ lòng quảng đại nhưng không của Thiên Chúa, chứ không phải do công trạng nơi con người chúng ta. Đối với Chúa, một đứa con đi hoang vẫn có chỗ ngồi trang trọng nơi bàn tiệc gia đình. Một cô gái điếm với quá khứ chẳng mấy sáng sủa, vẫn có thể ngồi tâm sự bên cạnh Chúa và hôn lên đôi chân thánh thiện của Ngài. Thậm chí, một tên trộm khét tiếng với một cuộc đời đan kín tội ác vẫn có thể là một vị đại thánh, nhờ tin tưởng nơi lòng thương xót Chúa vào những giây phút sám hối muộn màng. Hình ảnh ‘ông thánh ăn trộm’ cũng tương hợp với hình ảnh của những người thợ giờ thứ 11 mà Chúa nói đến hôm nay. Trong khi người khác đã vất vả suốt từ sáng sớm đến lúc chiều tối, anh thợ này đến làm việc chỉ mới có vài ba tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, ông chủ đã đối xử thật tốt, thật công bằng và rộng lượng với tất cả những người thợ đến làm vườn nho cho ông ta.
Khi quảng diễn dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn vạch mặt thói kiêu căng và giả hình của nhóm biệt phái. Thái độ tự mãn của họ cũng giống cái nhìn hẹp hòi nơi những người thợ đầu tiên, vì họ đã đến vườn nho từ sáng sớm. Rất có thể đây cũng là thói cao ngạo mà chúng ta vẫn thường hay mắc phải. Sự ghen ghét là con đẻ của tính kiêu căng, hay tự mãn về những thành tích đạo đức của mình. Những người biệt phái thời xưa thích vênh váo, khoe khoang những gì họ đã làm như việc ăn chay, bố thí, hay giữ luật một cách rất tỉ mẩn. Xét bề ngoài, tư cách đạo đức của họ đáng khen, nhưng họ thiếu một điều rất căn bản, đó là sự chân thật và lòng khiêm tốn. Biệt phái thời xưa không còn, nhưng có thể kiểu cách biệt phái như thế vẫn còn xảy ra nơi cuộc sống chúng ta ngày hôm nay. Người ta vẫn gọi đó là ‘cái tôi Kitô hữu’, khi chúng ta chỉ giữ đạo một cách hình thức, nhưng bên trong tâm hồn thì rỗng tuếch.
Sự ghen ghét là thuốc độc giết chết tâm hồn
Cha Thomas Merton đã viết : “Hỏa ngục là nơi chất đầy sự ghen ghét”. Ghen tương hay tị nạnh chính là thuốc độc bóp chết trái tim chúng ta. Sự ghen tương được nói đến trong dụ ngôn hôm nay, thể hiện nơi những người thợ đầu tiên. Họ ghen tỵ vì lòng quảng đại của ông chủ. Những người Pharisêu ngày xưa đã mắc phải căn bệnh chết người này. Chúa Giêsu nói với họ : “Những phường đĩ điếm và trộm cướp sẽ vào nước Thiên đàng trước các ông”. Ngài còn công bố cho mọi người biết : “Những người từ đông sang tây sẽ được đến dự tiệc trong nước trời, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài”. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ có thái độ hẹp hòi như những người thợ đầu tiên đã vất vả làm việc từ ban sáng. Tâm địa hẹp hòi và sự tị nạnh nơi họ là rào cản mà họ tự xây lên, che chắn lòng thương xót của Chúa. Sự ghen tương của họ cũng giống như sự ích kỷ của người anh cả trong dụ ngôn đứa con hoang đàng. Vì ghen tương, anh ta đã không nhận ra rằng : ‘Tất cả những gì của cha đều là của con’. Cũng vậy, sự ghen ghét sẽ làm che mờ con mắt đức tin khiến chúng ta không thể nhận ra biết bao ơn huệ mà Chúa đã ban cho ta một cách nhưng không.
Kết luận
Có một bà cụ miền quê nuôi một con gà trống. Bà ta tự hào vì mỗi sáng, khi con gà của bà cất tiếng gáy, mặt trời sẽ từ từ mọc lên soi sáng cho cả làng. Một bữa nọ, bà ta có chuyện xích mích với những người hàng xóm chung quanh. Bà bực tức bỏ làng đi xa và xách theo con gà của mình. Trước khi đi, bà ta còn cay cú nói với mọi người: “Tôi sẽ mang con gà của tôi đi, để từ nay khi không còn tiếng gáy của nó, mặt trời sẽ không mọc lên và dân làng sẽ bị chìm trong bóng tối”. Bà ta hỉ hả lên đường, nhưng đợi mãi từ ngày này sang ngày khác, không có người dân nào đến năn nỉ xin bà xách con gà trở về làng cũ. Cuối cùng bà ta chết, cùng với con gà mái yêu quý. Bà ta đâu biết rằng, con gà của bà dù có gáy hay không gáy thì mặt trời vẫn mọc lên và soi sáng cho mọi người. Đức Hồng Y Suenens đã nói : “Như mặt trời mọc lên làm nở những đóa hoa đã khép lại trong đêm tối, lòng khoan dung và độ lượng cũng làm khai mở những tâm hồn đang co quắp trong cái vỏ ích kỷ của tâm hồn, do sự ghen tương và tỵ nạnh”. Chúng ta hãy tập sống quảng đại và bao dung đối với mọi người để Thiên Chúa cũng luôn quảng đại đối với chúng ta.
Văn Hào SDB