GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ CỦA HOA THIÊNG 2021

Dẫn nhập

    Như hằng năm, trong những tuần này, cha gởi đến tất cả các tỉnh dòng của Dòng Sa-lê-diêng và mọi nhóm trong Gia đình Sa-lê-diêng chủ đề mà cha đã chọn cho Hoa Thiêng của năm mới. Sở dĩ cha gởi hoa thiêng sớm trong khi còn 5 tháng nữa mới kết thúc năm Dương lịch, bởi chương trình của Mục vụ giáo dục năm mới đòi hỏi phải có trước thông tin này trước khi năm cũ hết. Cha đã rất vui và sẵn sàng để làm điều này.

Cũng nên hiểu rằng đây chỉ là những đường hướng mà cha đưa ra chứ chưa là toàn bộ bản bình luận Hoa thiêng. Những đường hướng này làm nên sợi chỉ thêu dệt cho nội dung và mang tính chính yếu để phát triển những suy tư và một vài đường hướng mục vụ mà thôi. 

1. MỘT THỰC TẠI THẾ GIỚI CHẤT VẤN CHÚNG TA VÀ CHÚNG TA KHÔNG THỂ NÀO LÀM NGƠ 

    Việc suy tư đến một sứ điệp có khả năng hợp nhất chúng ta trong tư cách Gia đình Sa-lê-diêng trong năm 2021 này không thể không kể đến điều này là trong nhiều tháng qua, mọi quốc gia trên thế giới dù ở mức độ lớn hay nhỏ nếu không bị tê liệt (dẫu nhiều quốc gia như thế) thì chắc chắn cũng bị đóng băng. Người ta không thể đi đây đi kia, cũng không thể tổ chức một số sự kiện mang tầm mức quốc gia và thế giới. “Ngôi làng toàn cầu” một lần nữa trở lại một chút với thuở nào, việc thống nhất của nhiều “ngôi làng” bị nhìn với sự nghi ngờ. Những bức tường bị sụp đổ, nhưng để “tự bảo vệ” các biên giới được củng cố mạnh nhất có thể.

Đứng trước thực tại này, hàng ngàn thông điệp khẳng định rằng tình trạng này rồi sẽ được khắc phục, rằng chúng ta phải có sự tin tưởng vào chính mình, rằng chúng ta mạnh mẽ, rằng sự tự hào của từng quốc gia đã vượt trên những tình huống tồi tệ v.v… Số đông trong những thông điệp, vốn cũng là một não trạng, một cách thức giải thích thực tế, chúng đặt nhiều mong chờ vào “Promete”[1] được mô tả trong thần thoại Hy lạp, đó là một vị thần có khả năng tái tạo chính mình, có khả năng tự xây dựng lại được mình, khả năng rút ra sức mạnh từ chính sự yếu đuối để vượt qua những nghịch cảnh. Một não trạng hết sức ngoại đạo. Rất nhiều các thông điệp này trong số này không hề liên quan gì đến ý nghĩa của sự sống, của mỗi đời sống, và càng ít với Thiên Chúa và với hành trình mà chúng ta sống trong lịch sử hôm nay.

Nhưng đây không là tầm nhìn của chúng ta, cũng chẳng là thông điệp mà chúng ta muốn chuyển tải đến muôn vàn nơi chốn mà chúng ta hiện diện trong tư cách Gia đình Sa-lê-diêng.

Dưới đây là thông điệp mà chúng ta nhấn mạnh và tái khẳng định rằng đối mặt với thực tế phũ phàng và đau thương này, cùng với những hậu quả nặng nề của nó, chúng ta tiếp tục diễn tả một niềm hy vọng không lay chuyển: Bởi Thiên Chúa tiếp tục “đổi mới mọi sự” trong Thánh Thần của Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxico đã mời gọi thế giới hãy để mình bị lây nhiễm với “những kháng thể cần thiết của công lý, của bác ái và của tình liên đới”[1] để tái thiết thế giới sau những ngày đại dịch.

Thật không thể phủ nhận rằng có biết bao nỗi đau đang được trải nghiệm trên thế giới trong thời khắc này. Không thể phủ nhận rằng có hàng triệu người nghèo đã bị nhiễm bệnh và mất đi mạng sống. Nếu chúng ta được mời gọi hãy giữ khoảng cách an toàn, chúng ta làm thế nào để có thể hình dung ra những người đang sống chất đống tại các khu ổ chuột, các xó xỉnh, gần bãi rác lại có thể tôn trọng luật giãn cách xã hội? Việc mất đi công ăn việc làm đang ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình; việc tang chế không thể tiến hành khiến hàng triệu trái tim phải đau đớn khi chia lìa; sự nghèo khó sắp giáng xuống (đôi khi là đói ăn) làm ảnh hưởng, mất định hướng, làm tê liệt và đe doạ chôn vùi mọi niềm hy vọng. 

2. DON BOSCO KHÔNG XA LẠ VỚI NHỮNG TÌNH HUỐNG NÀY, BỞI CHÍNH NGÀI ĐÃ SỐNG TRONG NGHÈO ĐÓI

    Chúng ta làm một đối chiếu với Don Bosco, người Cha của chúng ta, bởi dọc dài cuộc sống, chính ngài đã phải đối mặt với sự khắc nghiệt của nhiều tình huống, bi kịch và nỗi đau. Ngài là bậc thầy trong việc chỉ cho chúng ta làm thế nào để bước đi trong niềm tin và hy vọng, ngài không chỉ soi sáng nhưng còn trao cho chúng ta sức mạnh cần thiết để thay đổi những điều kiện bất lợi hoặc những chống đối, hoặc ít nhất là hạn chế chúng tới mức có thể nhất. Cha của chúng ta nổi bật bởi sự táo bạo phi thường và bởi tầm nhìn thực tế đặc biệt và sâu sắc của mình. Ngài đã biết làm thế nào để nhìn vượt xa hơn vấn đề. Tình hình dịch tả đã là một tình huống – trên mức độ địa phương – cũng giống như những gì mà chúng ta đang sống hàng giờ ở mỗi quốc gia. Và như nhà giáo dục và vị mục tử, Don Bosco đã đồng hành với tình huống này cùng các thanh thiếu niên của mình. Trong khi có những người chỉ lo lắng bận tâm về chính mình và những nhu cầu riêng mình, thì cũng như những người khác, Don Bosco và các thiếu niên đã “cật lực làm việc” để chung tay giúp vượt qua thảm kịch. Chúng ta có thể khẳng định rằng tầm nhìn sâu xa về đức tin và niềm hy vọng được tỏ lộ trong suốt cuộc đời của ngài: Khi Gioan Bosco rời bỏ mẹ của mình và ngôi nhà thân yêu để sống như một “bồi bàn” trong quán cà phê “Pianta” trong thời gian theo học tại Chieri, trong khi đối diện với sự đơn độc và khó khăn; trong khi rơi lệ và đau khổ vì không biết có nơi chốn nào để chứa đựng các trẻ trong các buổi sinh hoạt Nguyện xá, cho tới khi Don Bosco gặp được Giuse Pinardi… Tất cả những điều này đã chứng thực việc Don Bosco đã sống thế nào nhờ vào sự thúc đẩy của niềm Hy vọng. 

3. MỘT PHONG TRÀO CỦA THÁNH THẦN CÓ KHẢ NĂNG “LÀM MỌI SỰ MỚI” (Kh 21,5)

    Niềm tin Ki-tô giáo tiếp tục cho thấy Thiên Chúa, ngang qua Thần khí của Ngài, đã đồng hành với lịch sử nhân loại, ngay cả trong những điều kiện bất lợi và khắc nghiệt nhất. Đó là một Thiên Chúa không đau khổ nhưng có lòng xót thương, như cách diễn tả mỹ miều của Thánh Bernado thành Chiaravalle: «Impassibilis est Deus, sed non incompassibilis» (Thiên Chúa không cảm xúc, nhưng Ngài không thiếu lòng trắc ẩn) [2]. Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, Người luôn hợp nhất với họ, nhất là khi đau khổ trở thành cùng cực: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43,19) [3].

Thời gian này và những tình huống này chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho việc:

  • Nhận thức được sự đau khổ của rất nhiều người.
  • Chú ý hơn đến vô số những dịch bệnh dai dẳng và âm thầm như cơn đói mà nhiều người đang phải chịu, như thái độ đồng loã trong các cuộc chiến tranh, những lối sống làm giàu cho một số người và làm nghèo hoá hàng triệu người.
  • Tự vấn bản mình xem ai trong chúng ta sở hữu nhiều, lại có thể sống với một lối sống  giản dị và khắc khổ hơn.
  • Sự xem xét cách nghiêm túc rằng thế giới của chúng ta, toàn thể Tạo thành đang đau đớn, mắc bệnh mà người ta vẫn tiếp tục phủ nhận sự thật hiển nhiên ấy.
  • Nhận ra tầm quan trọng biết bao của việc “hợp nhất toàn thể gia đình nhân loại trong việc tìm kiếm một sự phát triển toàn diện và bền vững”[4]

4. LỐI ĐỌC CỦA NGƯỜI SA-LÊ-DIÊNG TRONG THỜI HIỆN TẠI 

    Có rất nhiều những bài học đã được thực hiện trong thời điểm lịch sử này, một thời điểm mà như người ta nói “nó xảy ra mỗi hàng trăm năm, với những khủng hoảng lớn lao đánh vào nhân loại vì lý do này hay lý do khác. Ngay cả những cuộc chiến tranh đẫm máu mang tính “toàn cầu” cũng không như tình huống mà chúng ta đang sống. Trong từng trường hợp, đâu là lời đáp trả chúng ta có thể đưa ra? Đâu là sự góp phần mà chúng ta có thể cống hiến trong tư cách Gia đình Sa-lê-diêng? Đâu là những giá trị Tin mừng được đọc từ viễn ảnh Sa-lê-diêng mà chúng ta có thể đề xuất? Như những nhà giáo dục, chúng ta có thể làm thế nào để có thể cung ứng một “nền giáo dục về niềm hy vọng” như sự thay thế?

Tiến trình thay thế cho nền văn hoá thống trị. Sự thay đổi về giá trị và tầm nhìn:

  • Từ sự khép kín đến cởi mở (dalla chiusura alla apertura)
  • Từ cá nhân chủ nghĩa đến sự liên đới (dall’individualismo alla solidarietà)
  • Từ đơn độc đến cuộc gặp gỡ đích thực (dall’isolamento all’autentico incontro)
  • Từ chia rẽ đến hiệp nhất và hiệp thông (dalla divisione all’unità e alla comunione)
  • Từ chủ nghĩa bi quan đến hy vọng (dal pessimismo alla speranza)
  • Từ trống rỗng và thiếu vắng ý nghĩa đến siêu việt (dal vuoto e dalla mancanza di senso alla trascendenza).

Thiên Chúa nói với chúng ta qua rất nhiều người mà họ biết sống với niềm hy vọng:

  • Trong những tình huống-giới hạn, Thiên Chúa nói với chúng ta qua con tim của những người mà họ nhìn thấy và đáp trả trong cách thức độc đáo và khác biệt.
  • Sự thánh thiện Sa-lê-diêng của Gia đình chúng ta có nhiều những mẫu thức sống được thôi thúc bởi niềm hy vọng (Á thánh Stefano Sandor e Maddalena Morano…).
  • Chúng ta không tự cứu nổi mình. Không ai tự cứu mình được.

Ý nghĩa mà cha muốn diễn tả chính là nội dung của Đức thánh Cha Phanxico được trích dẫn sau đây: “Nếu có một điều mà chúng ta có thể học được trong trọn thời gian này là chẳng ai có thể tự cứu mình. Các biên giới sụp đổ, các bức tường bị đánh sập và mọi diễn ngôn bị tan biến trước một hiện tại dường như không thể nhận thức được, vốn biểu lộ hết sức yếu ớt mà ví nó, chúng ta đã thực hiện… Đó là hơi thở của Thánh Thần đã mở ra những chân trời, đánh thức sự sáng tạo và làm mới chúng ta trong tình huynh đệ để làm cho chúng ta hiện diện (hay để làm chúng ta thốt lên: “Này tôi đây”) trước nhiệm vụ to lớn và không thể trì hoãn do dự đang chờ đợi chúng ta. Thật khẩn trương việc phân định và cảm nhận nhịp đập của hơi thở Thần linh để đưa ra sự thúc đẩy, cùng với người khác, đến nguồn động lực có thể làm chứng tá và hướng đến đời sống mới mà Thiên Chúa muốn tạo ra trong thời điểm cụ thể này trong lịch sử” [5].

Như Gia đình Sa-lê-diêng chúng ta đã tìm cách để đưa ra sự đáp trả trong thời điểm khẩn cấp như dấu chỉ của đức ái và niềm hy vọng, và ngày hôm nay chúng ta phải là một sự thay thế:

  • Đồng hành với người trẻ dọc dài hành trình của hiện hữu bằng việc mở họ hướng tới những chân trời khác, hướng đến những viễn ảnh mới mẻ.
  • Học để sống “trong giới hạn” bên trong một xã hội “vô hạn”. Nghĩa là, giúp người trẻ và người lớn khám phá ra “sự bình thường của cuộc sống” trong sự đơn sơ, đích thực, giản dị và trong chiều sâu.
  • Để mình bị thách thức bởi vô số những tiếng nói hy vọng của người trẻ trong thời kỳ khó khăn: Phong trào sinh thái, sự liên đới với người nghèo túng.

5. Những địa điểm để HỌC HIỂU & THỰC HÀNH NIỀM HY VỌNG

  • Đức tin và niềm hy vọng cùng sánh bước. Chúng ta đề xuất đức tin như một hành trình chân thực bởi “một thế giới vắng bóng Thiên Chúa là một thế giới không có niềm hy vọng” (x. Eph 2,12).
  • Cầu nguyện như trường của hy vọng và cuộc gặp gỡ cá vị với Tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô cứu độ chúng ta.
  • Cuối cùng thì từ thời điểm nhân loại bắt đầu hành động, lao nhọc trong đời sống hàng ngày để hướng về, để thực hiện sự biến đổi một tình trạng, đã luôn được nâng đỡ bởi một niềm hy vọng trong căn cội. “Mỗi hành vi nghiêm túc và lương thiện của con người đã luôn là một niềm hy vọng trong hành động” [6].
  • Nỗi đau và nỗi khổ hiện diện trong cuộc sống mỗi con người như cánh cửa cần thiết để mở ra cho niềm hy vọng.

Trong nhiều nền văn hoá, người ta tìm đủ mọi cách để che giấu hoặc làm cho đau khổ và sự chết phải im tiếng. Tuy nhiên, điều cho phép nhân loại chữa lành không là tránh né hay che giấu nỗi đau và nỗi khổ này, nhưng là được trưởng thành trong đau khổ và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ngay cả khi điều này không xảy ra ngay lập tức và cũng không dễ để nhìn thấy. Thực vậy, “sự vĩ đại của loài người được quyết định cách đích thực bởi mối tương quan của họ với sự đau khổ và với những người đang khổ đau” [7].

  • Những người nghèo và bị loại trừ, vốn ở trọng tâm sự chú ý của Thiên Chúa, cũng phải là những đối tượng phục vụ ưu tiên của chúng ta trong tư cách Gia đình Sa-lê-diêng.
  • Trong những khủng hoảng lớn nhất, biết bao điều bị biến mất, “sự an toàn” mà chúng ta từng nghĩ mình đã sở đắc, những ý nghĩa cuộc sống mà trong thực tế chúng đã chẳng là thế. Tuy nhiên, những giá trị lớn và chân lý của Tin mừng vẫn luôn tồn tại, trong khi những nền triết học và những ý tưởng cơ hội hay tạm thời bị suy kém hơn. Những giá trị của Tin mừng không tan biến, không trở thành “dòng chất lỏng”, không mất đi. Chính điều này mà trong tư cách Gia đình Sa-lê-diêng của Don Bosco, chúng ta không thể từ chối để bày tỏ những gì chúng ta đã tin vào, chúng ta không thể đánh mất căn tính đoàn sủng của chúng ta trong những đáp trả mà chúng ta phải đưa tra trước bất cứ tình huống nào. 

6. MARIA thành Nazareth, Mẹ Thiên Chúa, Ngôi sao Hy vọng 

    Maria, là Mẹ, ngài biết rõ ý nghĩa của việc có niềm tin tưởng và hy vọng ngay cả khi không còn hy vọng, bằng việc tiếp tục phó thác nhân danh Thiên Chúa.  

Tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa đã đánh thức mọi niềm hy vọng cho nhân loại.

Mẹ đã trải nghiệm về sự bất lực và sự đơn độc từ cuộc hạ sinh Người Con; Mẹ đã gìn giữ trong lòng Mẹ lời loan báo đau khổ là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Mẹ (x. Lc 2.35); Mẹ đã sống sự đau khổ của việc nhìn thấy người con như “dấu chỉ của sự phản bội”, hiểu lầm, loại trừ.

Mẹ đã nhận thấy sự thù địch và chối từ đối với người Con của mình mãi đến khi đứng dưới chân thập giá trên đồi Golgotha, Mẹ đã hiểu rằng niềm Hy vọng không bị dập tắt. Chính điều này, như một người mẹ – Mẹ của niềm Hy vọng, Mẹ Maria đã ở lại với các môn đệ – “Thưa Bà, đây là con của bà” (Ga 19,26).

“Thánh Maria,

Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con,

xin dạy chúng con tin tưởng,

hy vọng và yêu mến cùng với Mẹ.

Xin tỏ cho chúng con con đường hướng về Nước Trời.

Lạy Mẹ là Ngôi sao Biển,

xin soi sáng và hướng dẫn chúng con

trong hành trình chúng con đang tiến bước. Amen.[8].

Amen.

Don Ángel Fernández Artime, S.D.B.
Rettor Maggiore

Roma, 2 agosto 2020
Memoria del B. Augusto Czartoryski

[1] Francesco, “Un plan para resucitar” a la Humanidad tras el coronarivus (PDF), in Vida Nueva Digital, 17 aprile 2020, pp. 7-11.

[2] Bernardo di Chiaravalle, Sermoni sul Cantico dei Cantici, XXVI, 5; PL 183, 906.

[3] Francesco, cit., p. 11.

[4] Ibid.

[5] Ibid.

[6] Ibi., p. 35.

[7] Ibi., p. 38.

[8] Ibi., p. 50.

[1]  Promete lấy ngọn lửa thiêng là báu vật riêng của thần linh mà đem xuống cho con người. Từ đó con người có đời sống văn minh, đạo đức, biết hợp quần tạo sức mạnh, hạnh phúc. Điều này làm cho Chúa tể các thần là Thần Dớt tức giận vì từ đây, với lửa, con người có thể trở thành bất tử. Thần Dớt bắt Promete giải đến một đỉnh núi cao chót vót và xiềng Promete vào đó. Ban ngày, Promete phải chịu phơi thân dưới ánh nắng như lửa đốt, còn ban đêm dưới tuyết sương buốt da. Lại nữa, ngày ngày Thần Dớt cho con đại bàng đến mổ bụng ăn buồng gan của Promete. Nhưng lạ thay, buồng gan của Promete cũng bất tử như chính ông: Titan Promete! Ban ngày con ác điểu ăn đi bao nhiêu thì ban đêm buồng gan của Promete mọc lại bấy nhiêu, nguyên vẹn, tươi mới, không hề mang dấu vết của sự tổn thương, xúc phạm nào.

 

*Đây là bản dịch tạm, bản hoàn chỉnh sẽ được BTT gởi đến sau.

 

Visited 3 times, 1 visit(s) today