Bạn có muốn trở thành một nhà truyền giáo hay không ?
Sài gòn, Việt nam 01/10/2019.
Các bạn hữu và các thành viên trong Gia đình Salêdiêng thân mến,
Bắt đầu bước vào ‘Tháng Truyền giáo Ngoại thường’, tháng 10 năm 2019, cha xin gửi đến tất cả anh chị em lời chào thăm thân tình. Đây là cơ hội rất tốt giúp chúng ta tăng trưởng cảm thức truyền giáo trong toàn thể Giáo hội, như Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn hằng mơ ước trong suốt 6 năm qua.
Vài ngày trước (ngày 12 tháng 09), Tu hội đời Chí nguyện Don Bosco – nam (CDB – Con Don Bosco) đã cử hành ngân khánh thành lập (1994 -2019). Cho dầu con số các thành viên của Tu hội CDB trên toàn thế giới rất khiêm tốn, chỉ có 85 tu sỹ bao gồm cả nhóm 4 người ở Manila, nhưng chúng ta có thể học hỏi từ nơi họ niềm xác tín về ơn gọi của mình như đã được ghi lại trong Tu luật : “Trọn vẹn cuộc sống của chúng tôi là truyền giáo” (Tu luật CDB khoản số 5).
Cách đây 1 tuần, cha có dịp được chia sẻ 1 bài nói chuyện với các nhóm trong Gia đình Salêdiêng tại Hàn quốc về linh đạo và sứ mệnh truyền giáo Salêdiêng. Rảo qua các thành phần thuộc Gia đình Salêdiêng trong miền EAO, có khá nhiều mẫu gương truyền giáo sáng chói mà chúng ta có thể học hỏi hoặc giúp khơi dậy ngọn lửa truyền giáo nơi chúng ta.
Ví dụ :
+ Sư huynh Andrew Phương, một hội viên SDB Việt nam đang làm việc truyền giáo tại Mongolia;
+ Cô Têrêsa Tsujimura, một cựu học viên FMA và cũng là Cộng tác viên Salêdiêng Nhật bản đang làm việc truyền giáo tại Đông Timor;
+ Chị Olga Krizova, người gốc Slovakia thuộc tu hội đời VDB (Chí nguyện Don Bosco), ước mơ luôn sống như là một nhà tạm di động để đem Chúa đến cho mọi người;
+ Đầy tớ Chúa Nino Baglieri, 38 tuổi người Ý, thuộc tu hội đời CDB – tuy nằm liệt trên giường bệnh nhưng luôn sống tinh thần truyền giáo bằng cách đem niềm vui đến cho mọi người;
+ Các nữ tu dòng Bác ái Chúa Giêsu tại Hàn quốc, tự nguyện lập những tu xá rất khiêm tốn trong những thùng container, để sống hoà đồng giữa dân nghèo ở Kimbe – Papua New Guinea hầu chia sẻ cuộc sống và rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa cho họ;
+ Ông Sanya người Thái lan, là cựu học viên Don Bosco, đã tự nguyện đến làm việc truyền giáo tại Lào và là người xây dựng cơ sở truyền giáo đầu tiên tại đây;
+ Và còn rất nhiều bạn trẻ khác đã tự nguyện dấn thân lên đường truyền giáo theo Kế hoạch Cagliero…
Tất cả các vị nêu trên đều là những thành phần trong Gia đình Salêdiêng. Họ không phải là những siêu nhân, nhưng chỉ là những con người bình thường giống như mọi người. Tuy nhiên, họ đang thể hiện một cuộc sống truyền giáo rất đơn sơ, dung dị và vui tươi theo phong thái Salêdiêng.
Trong tháng Mười năm nay, cha mời gọi tất cả anh chị em hãy thực thi những nghĩa cử nhỏ bé mang tính truyền giáo mỗi ngày. Chúng ta tin chắc rằng, đức tin của chúng ta chỉ được kiên vững khi chúng ta biết chia sẻ niềm tin đó với những cận nhân chung quanh.
Trong tháng này, mỗi ngày chúng ta hãy dành chút thời giờ để đọc những bài gợi ý trong tập sách nhỏ về sinh đông truyền giáo do ban truyền giáo trung ương biên soạn. Các anh em trong ban truyền giáo của tỉnh dòng Việt nam (VIE) và Hàn quốc (KOR) đã có công chuyển ngữ tập sách này, đồng thời anh em cũng đưa ra những sáng kiến cụ thể để thực hành, phù hợp với nền văn hoá tại mỗi tỉnh dòng.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị truyền giáo. Chớ gì gương sáng nơi các vị sẽ giúp khơi dậy ngọn lửa truyền giáo nơi chúng ta.
Cha Vaclav Klement, SDB
Bề Trên miền EAO (Đông Á – Thái bình Dương)