Nhớ về Cha Gioakim Đinh Văn Phương, SDB
Được Chúa gọi về ngày 8 tháng 9 năm 2019
Năm 1969, lớp Đệ Tam Đệ-Tử Viện Don Bosco Thủ Đức chúng tôi đón nhận một Tu-sinh mới. Anh đến từ vùng cao-nguyên đất lạnh: Lạc Lâm, Đà Lạt. Chúng tôi là những kẻ vất-vả bò từ lớp Đệ Thất năm 1965 từ con số 300 tuyển-sinh ăn ở trong một tuần chỉ được chọn 98 đứa, chia làm hai lớp A, B. Sau hai năm rơi rụng dồn lại chỉ còn một lớp Đệ Ngũ. Bò tới năm Đệ Tam chỉ còn hăm mấy. Bỗng dưng xuất-hiện một anh to lớn lù lù bước vào lớp!
Quả thật, anh ta không những cao hơn người cao trong chúng tôi một chút mà còn to hơn người to nhất trong lớp. Anh mau-mắn được chúng tôi tặng cho cái biệt-danh Phương Goliát. To như thế nhưng anh có dáng người và vẻ mặt chất-phác với đôi mắt to hiền-lành. Có lẽ nhờ vậy mà anh tránh được sự khó chịu và thắc-mắc vì sao anh tìm được con đường tắt ngon-lành hơn chúng tôi như vậy. Tuy nhiên cũng phải công-bằng mà nói, những năm trước chúng tôi đều có những người được ưu-đãi như thế. Thôi, cứ cho là Chúa gọi thì Chúa dẫn họ tới bằng con đường tắt là được rồi!
Đúng vậy, thời-gian đã chứng-minh. Anh vô sau, là “người làm vườn đến muộn” nhưng chăm-chỉ. Chúng tôi thi tới đâu anh thi tới đó. Đậu xong hai tú-tài, anh còn được chọn trong số 12 để vô Tập Viện Trạm Hành trong khi những anh em còn lại, dù là “người làm vườn từ sáng sớm” cũng rớt đài.
Lạc Lâm là một xứ đạo sầm-uất bên quốc-lộ nối Ngã Ba Phim Nôm và Đơn Dương. Ngã kia đi lên đèo và Thị Xã Đà Lạt trước khi đi vòng-vèo qua Trạm Hành, Đập Đa Nhim và Quận Đơn Dương. Lạc Lâm nằm dọc chân núi và con sông Đa Nhim ở phía bên kia chảy về nam. Tôi có bà con ở Lạc Lâm. Từ nhỏ được vài lần được mẹ dẫn đi thăm từ Bến Cát, Bình Dương vùng đất nóng miền nam về miền cao-nguyên đất lạnh để không quên họ-hàng. Đấy là mục-đích của bố mẹ tôi, còn tôi được đi xa là sung-sướng rồi. Khi chiếc xe đò chở mẹ con chúng tôi đi hơn 300 cây số, có không biết bao nhiêu phong-cảnh bên đường tạo cảm-xúc tràn ngập lòng tôi. Con đường như dải lụa đen trải dài đến vô tận. Cỏ cây bên đường chạy ngược, cành lá phe-phẩy như vẫy tay chào. Những đốm trắng lấp-ló đều-đặn ở cuối những hàng cây cao-su bên đường như chơi đuổi bắt. Kia là đồi chuối mênh-mông, đây là vườn đu-đủ quả đeo nặng trĩu. Qua những cánh-đồng lúa xanh non bên dòng sông bạc uốn khúc có cánh cò trắng bay lượn là những khối đá chồng lên nhau. Ai đã mang những tảng đá khổng-lồ này từ đâu về đặt chúng chênh-vênh giữa trời mà lại bền-vững từ trăm năm hay ngàn năm đến giờ!
Chiếc xe phun khói bò lên đèo như người ta leo dốc đường rừng. Một bên là vách núi nước chảy róc-rách, bên kia là vực thẳm. Người trong xe co-ro giữa không-khí lạnh ẩm hơi nước. Có người quay đi không dám nhìn xuống vực. Đường cheo-leo dẫn chúng tôi đến vùng cao-nguyên nhờ chiếc xe ngoan-ngoãn và cần-cù. Ở đây như một thế-giới mới. Không-khí trong và da trời xanh hơn. Rừng thông là đây, lá thân kim từng chùm xoè ra như chùm ánh-sáng. Có những cây thông già cong-queo như vẽ trong tranh tàu. Ở đây buổi chiều có từng đám mây trắng bay là là trên mặt đất tưởng chỉ có trong chuyện thần-tiên.
Con người ở đây cũng hiền và đẹp hơn. Người ta đeo gùi nhiều hơn gánh. Con gái có làn da trắng, má hồng và e-lệ. Con nít dù lem-luốc vẫn có đôi má phính hồng, đôi khi có lớp mốc trắng. Nhờ có bà con ở đây, tôi cảm thấy gần-gũi, nhất là khi theo các cậu, dì đi nhà thờ buổi sáng sớm. Khi đứng ngắm nhìn đàng thánh-giá dựng trên núi, tôi tưởng-tượng ra đường Núi Sọ năm xưa Chúa vác thánh-giá và chịu đóng đinh. Nhà của Phương nằm gần chân núi.
Phương là con người từ vùng đất hiền-hoà ấy. To con, xốc-vác nhưng hiền-lành. Trên sân bóng đá và bóng rổ, anh là chiếc cột trụ di-dộng. Ở sân bóng chuyền, những cú đập banh của anh như sét đánh. Trong năm tập-viện, thỉnh-thoảng chúng tôi được chia công-tác theo Sư Huynh Doãn đi chở củi từ những ngọn đồi Trạm Hành về. Thầy chở chúng tôi bằng chiếc xe jeep trên những đường mòn quanh các ngọn đồi. Thầy dùng cưa máy cắt thành từng khúc những thân cây cỡ người ôm do dân chúng quanh vùng phá rẫy trồng-trọt. Chúng tôi đi khuân những khúc gỗ ấy từ chân hay lưng đồi lên chỗ đường xe. Thật là một công việc mệt bở hơi tai, và không phải ai trong chúng tôi cũng đủ sức. Tuy nhiên Phương luôn đứng đầu sổ trong công-tác nặng-nhọc này. Không-khi rừng Đà Lạt thường mát lạnh mà chúng tôi đổ mồ-hôi hột. Leo lên được tới đỉnh đồi, ném được khúc gỗ xuống khỏi vai là thấy trút được khỏi người gánh nặng ngàn cân. Nằm vật xuống đồi trong giây lát, nhắm mắt nghe cảm-giác gió thổi từng giọt mồ-hôi bay đi là như chìm vào cõi thiên-thai trong … vài phút!
Ở năm tập-viện, tôi không nhớ có cùng trong nhóm bạn thiêng với Phương không, chỉ biết rằng, trong khi tôi phải phấn-đấu vất-vả trong đàng thiêng-liêng thì anh tiến bước nhẹ-nhàng. Cha Tập Sư Mathew King bề ngoài có vẻ để ý tôi nhưng bên trong, ngài rèn tôi như búa nện trên đe. Trong khi ấy nhiều anh em khác có vẻ không có vấn-đề gì lớn. Tôi nghĩ, họ là những hạt giống tốt gặp đất màu-mỡ.
Trong những năm triết-học, lớp chúng tôi nâng-đỡ nhau trên nhiều phương-diện, học-hành và tu-đức. Sau biến-cố 1975, các bề-trên truyền-giáo bị trục-xuất, các lớp thần-học chia nhau về các xứ Liên Khương, Thanh Bình, Tân Cang, và Phú Sơn thì đến lượt lớp triết 3 chúng tôi về Dốc Mơ thành-lập xứ Đức Huy.
Lớp chúng tôi có 8 anh em thành-lập cộng-thể với Sư Huynh Hoan và Cha Hiên làm Giám Đốc. Chúng tôi bắt-đầu mọi sự gần như từ con số không. Nhờ ơn Chúa, nhờ sự gíup-đỡ chỉ-dẫn của giáo-dân, và sự cố-gắng, chúng tôi học trồng ngô, sắn, và cấy lúa nước để sinh sống. Công-việc vừa vất-vả lại không quen nên khó-khăn trăm bề. Trong chúng tôi chỉ có vài anh em biết chút ít về nghề nông để có thể cáng-đáng hay dẫn đầu anh em trong công-việc. Bà Năm Trầu và các con lăn-lộn với chúng tôi từ sáng đến chiều – trừ bữa cơm – cả năm trời, đã hướng-dẫn chúng tôi từ bước làm cỏ, bỏ hạt đến ngày gặt-hái. Nhìn chúng tôi lam-lũ, tất-bật bưng, vác, gánh, đội. bà tặng cho Phương danh-hiệu “con trâu nước” và tôi là “con trâu đất”.
Cuối năm đó tôi không đủ phiếu để được khấn lại. Từ-giã anh em nhưng trên bước đường phiêu-bạt, tôi thỉnh-thoảng ghé thăm. Bốn năm tiếp theo của tôi là thời-gian của một cuộc sống dài được rút gọn trong muôn hình muôn vẻ. Năm 80 tôi lập gia-đình. Năm 81, hai vợ chồng vượt biển tới Indonesia, và tạ ơn Chúa, cuối năm tới đất Mỹ.
Những năm đầu, nhiều lần tôi liên-lạc với gia-đình và anh em bằng thư. Những lá thư nhận được thường lâu hơn ba tháng và không lẫn vào đâu được: Giấy viết thư dày màu vàng rơm, đựng trong bao thư mỏng nhưng dán tem gần kín cả hai mặt. Vậy mà nó chứa tất cả khuôn mặt và tâm-tình từ quê-hương. Hơn chục năm sau, hết thời bao cấp, em tôi gởi cho một băng hình video gia-đình trong đó có một đoạn về Đức Huy, nhờ đó tôi thấy lại những khuôn mặt thân-thương của các bạn. Phương vẫn còn to nhất trong anh em nhưng nhìn không còn to mấy nữa. Anh tươi cười hỏi tôi:
– Cậu còn nhớ những bữa cơm trưa dưới mái tôn hành-lang này không? Cậu thường ao-ước giá có một ly bia đá thì tuyệt! Chắc bây giờ cậu không phải ước nữa phải không? Cậu ước gì bây giờ?
Tôi thầm trả lời anh: Tớ ước và cầu cho quê-hương mình được tự-do no ấm.
Cha Phương mến,
Trong một lần tập kịch chuẩn-bị lễ Thánh Don Bosco ở Tập Viện, tớ nhờ cậu đóng vai Don Bosco và Đức Hùng đóng vai Mẹ Magaritta. Tớ bảo cậu cầm quyển sách lễ nhưng cậu bảo không cần, “đâu phải linh-mục là lúc nào cũng phải cầm sách lễ”. Tớ không đồng ý vì “Trên sân-khấu khác ngoài đời, nó cần có những biểu-tượng đánh động. Tại sao nhìn cổ côn thì biết đó là linh-mục; nhìn chiếc mũ bốn góc trong phim hồi xưa thì biết là cha…”
Tớ không còn nhớ rõ nhưng chắc là cậu nhường tớ vì cậu hiền hơn tớ. Bây giờ nghĩ lại, tớ thấy cậu có lí. Cuộc đời linh-mục không nhất-thiết cần biểu-tượng mà cần việc làm nhân-chứng hơn. Chắc cuộc đời linh-mục của cậu phải là cuộc đời làm nhân-chứng cho tình-yêu Chúa Kitô giữa giới trẻ. Cầu-chúc cậu được Chúa ban phần thưởng lớn trên Thiên Đàng. Xin cầu cho các bạn của cậu còn ở dưới thế chờ ngày đoàn-tụ Nước Trời.
Thân-ái,
Nguyễn Văn Thông
September 9, 2019