(Yangon, Myanmar – 24.07.2019) – Vào cuối tháng Tám tới đây tại Myanmar, chúng tôi sẽ tổ chức khóa hội thảo dành cho những anh chị em đang thông dự vào sứ vụ dịch thuật các tài liệu Salêdiêng trong miền EAO của chúng ta. Chúng tôi cho phỏng vấn một số vị sẽ tham dự khóa hội thảo này. Sau đây là bài phỏng vấn cha Pascal Kyaw, SDB thuộc Á tỉnh Myanmar. Ngài sẽ tham dự khóa hội thảo cùng với 20 anh em SDB khác trong miền và 10 thành viên người đời trong Gia đình Salêdiêng.
1- Cha bắt đầu công việc dịch thuật các tài liệu Salêdiêng từ khi nào?
+ Khi còn là một thỉnh sinh, tôi đã bắt đầu thực tập công việc chuyển ngữ các tài liệu Salêdiêng từ tiếng Anh sang tiếng Miến Điện (Burmese). Bước vào tập viện, cha Tập sư của chúng tôi là cha Edward Sein Myint, SDB có nhờ tôi dịch một số khoản Hiến luật cũng từ tiếng Anh sang tiếng Myanmar. Sau khi khấn dòng lần thứ nhất, tôi cùng với một vài anh em hội viên trẻ được giao phó công việc dịch một cuốn sách nhỏ nói về tiểu sử của Don Bosco. Dần dần tôi tham gia vào công việc dịch thuật ngày càng nhiều hơn.
2- Khi đảm nhận sứ vụ này, ai đã nâng đỡ cha, hay có cách nào giúp cha thực hiện công việc trên một cách có hiệu quả?
+ Một số bề trên cũng như một số anh em bạn bè Salêdiêng giầu kinh nghiệm đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Khi gặp những từ ngữ Salêdiêng khó hiểu hay lạ lẫm, tôi thường tra cứu thêm trên mạng Internet Online.
3- Khi làm công việc dịch thuật, trở ngại lớn nhất đối với cha là gì? Làm cách nào cha có thể vượt thắng những khó khăn đó?
+ Khó khăn lớn nhất, là tôi thiếu cố gắng do lười biếng. Thứ đến là do vốn kiến thức của tôi còn rất hạn chế. Vả lại, tôi vẫn chưa có thể sắp xếp thời biểu hằng ngày để dành nhiều thời gian hơn cho công việc trên. Để khắc phục, tôi vẫn xin Chúa giúp tôi biết sống quảng đại để dấn thân cho sứ vụ này.
4- Khi làm công việc chuyển ngữ, cha hay sử dụng những phương tiện gì?
+ Tôi vẫn phải dùng tự điển và tra cứu trên google. Ngoài ra, tôi để sẵn 1 cuốn sổ nhỏ để ghi chép những từ ngữ Salêdiêng chuyên môn hầu có thể sử dụng khi cần đến.
5- Làm cách nào cha có thể nắm vững những thuật ngữ Salêdiêng?
+ Khi viết hoặc chuyển ngữ những tài liệu Salêdiêng, tôi phải rất cẩn trọng để tránh những sai sót. Có những hạn từ nào khó hiểu, tôi vẫn phải hỏi thêm nơi những vị bề trên lão thành nhiều kinh nghiệm. Tôi vẫn thường xuyên đọc thêm các sách Salêdiêng, nhất là các thư của Cha Bề Trên Cả để có thể nắm bắt các hạn từ Salêdiêng chuyên môn.
6- Cha có đề nghị gì đối với các anh em SDB mới bắt đầu tham gia vào công việc trên?
+ Thú thật, tôi cũng là một người mới bắt đầu công việc, nên chưa có kinh nghiệm gì để truyền đạt lại. Tôi còn phải học hỏi nhiều hơn nữa. Các anh em mới đi vào lãnh vực này cần có sự khích lệ và động viên nơi các bề trên của mình.
7- Cha có ý kiến gì để đào luyện các thông dịch viên Salêdiêng, từng cá nhân cũng như theo nhóm?
+ Ở trên cấp tỉnh dòng, nên lập những nhóm chuyên môn để có thể hình thành những sách Salêdiêng và quảng bá rộng rãi những đầu sách đó cho mọi người.
8- Cha có còn những kiến nghị gì khác trên cấp Á tỉnh và cả trên cấp miền nữa hay không ?
+ Nếu chúng ta có được những quy chế cụ thể để anh em làm việc đi vào bài bản và nề nếp hơn, thì hay biết mấy.
Ghi chú : Khóa hội thảo về dịch thuật Salêdiêng miền EAO lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Myanmar từ ngày 27 đến 29 tháng Tám năm nay. Khóa hội thảo sẽ có 20 anh em SDB tham dự cộng thêm 10 anh chị em khác trong Gia đình Salêdiêng. Tỉnh dòng Việt Nam và Gia đình Salêdiêng Viêt nam sẽ có 4 vị đi tham dự.
Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Văn Hào, SDB chuyển ngữ