“Để tuổi xuân còn mãi” – Lời nhắc nhớ tuy quen thuộc mà sống động

Tuổi trẻ – một độ tuổi thật đẹp với thật nhiều hoài bão và ước mơ, một độ tuổi chứa đựng bao nhiều điều thú vị trong mỗi con người. Tuổi trẻ là thời gian để mỗi người có thể sống hết mình với thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Thế nhưng tuổi trẻ rồi sẽ qua đi. Nỗi băn khoăn, lo lắng không biết làm thế nào để mình có thể “trẻ mãi không già” vẫn luôn là câu hỏi lớn mà mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn luôn luôn tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng.

Vậy là ngày 18/03/2019, lúc 7 giờ 15, một buổi tối thứ Hai đẹp trời, tôi quyết định “lập nhóm” cùng Cha Vinh Sơn Trần Bích, SDB – Giám đốc Cơ sở Đào tạo Giáo lý viên Tam Hải, Sơ Têrêxa Mai Thị Diễm Hương, FMA – Giám học và gần 200 bạn học viên và cựu học viên của Cơ sở Đào tạo Giáo lý viên Tam Hải, dưới sự dẫn dắt của Cha Barnaba Lê An Phong – Giảng viên, Tiến sĩ Luân lý, quyết tìm cho ra câu trả lời cho câu hỏi quen thuộc mà đầy hóc búa này.

Bản thân đã mon men bước qua cái tuổi 25, cái tuổi mà chính Cha Barnaba – Thuyết trình viên tối hôm đó gọi là cái tuổi “chạy như ngựa”. Ấy vậy mà khi nghe giai điệu của bài hát “Such a happy day” (tạm dịch: “Thật là một ngày tuyệt vời”) khởi động cho buổi chuyên đề, tôi không thể không nhún nhảy cho được. Mà với tôi, cái cảm giác được nhún nhảy cùng mọi người như thế làm tôi thấy mình trẻ hẳn ra được vài tuổi. Cha Vinh Sơn sau đó đã tuyên bố lý do và tiết lộ cho chúng tôi rằng: Đức Thánh Cha Phanxicô vừa ra một tông huấn mang tên “Niềm vui hân hoan” về việc nên thánh trong thế giới hôm nay, cùng một câu khẳng định thật mạnh mẽ: “Chính sự thánh thiện sẽ mang đến cho con người niềm vui, mà con người tràn ngập niềm vui trong tâm hồn, chắc chắn sẽ có một cuộc sống tươi trẻ”. Đây chính là điều mà chúng tôi luôn luôn phải khắc ghi trước khi bắt đầu cuộc hành trình tối hôm nay.

Khởi đầu với một câu chuyện vui về Adam, tôi dần dần nhận ra một điều hoàn toàn khác biệt ở chuyến hành trình này. Nếu lần trước, những cuộc hành trình là để tìm kiếm những điều mới mẻ, những gì chúng tôi chưa được nghe và chạm tới bao giờ, thì hôm nay, những gì chúng tôi được nghe từ Cha Barnaba, nói thẳng ra, toàn là những điều mà chúng tôi đã được nghe, được đọc rất nhiều lần trên mạng, trên báo đài hay thậm chí là những câu chuyện từ cuộc sống thường nhật. Chúng tôi nghe lại về sự lão hóa của con người, về những lời khuyên làm thế nào để chúng tôi “trông” luôn trẻ: nào là dùng kem chống nắng, bớt thức khuya, ăn nhiều rau củ, v.v… Nhưng rồi chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi Cha Barnaba nói với chúng tôi rằng, chúng tôi phải chấp nhận lớn lên, phải chấp nhận trưởng thành và phải chấp nhận để tuổi thanh xuân của mình qua đi. Thậm chí, chấp nhận già đi còn tốt hơn việc chúng tôi “chết trước kì hạn” (sống không có mục đích) hay lâm vào cảnh “hấp hối triền miên” (sống mà chỉ hướng tới những điều tầm thường).

“Sống 20 năm tuổi trẻ, 20 năm là một con người, thì hãy sống cho thật sự là một con người”. Lời nhắc nhở ấy đi kèm với những minh chứng quen thuộc mà sống động, những con số thống kê làm chúng tôi, trong vai trò của những nhà giáo dục đức tin, không khỏi lo lắng. Mà lý do chính chỉ vì có quá nhiều người, họ coi tuổi trẻ là tuổi của bốc đồng, tự do, thích chứng tỏ bản thân, thích làm mọi việc theo ý họ. Điều đáng nói là, những con người ấy, và kể cả chúng tôi đều biết và đều hiểu điều đó. Thế nhưng chúng tôi có lẽ may mắn hơn họ, vì chúng tôi vẫn còn đó những cơ hội để được ai đó nhắc nhở, rằng phải dè chừng và quyết đoán hơn nếu muốn có được một tuổi trẻ tròn đầy và tốt đẹp như chúng tôi đã và đang có. Để rồi khi trưởng thành, chúng tôi không tiếc nuối vì tuổi trẻ đã qua, nhưng lấy đó làm điểm tựa để tiếp tục tiến lên, đạt tới cùng đích và lý tưởng của cuộc đời mình, không gì khác chính là Đức Kitô Giêsu, là thiên đàng và cuộc sống vĩnh cửu đời sau.

Sau khi dừng chân đôi chút với những chiếc bánh ngọt, những ly nước trà tắc – xí muội. Chúng tôi tiếp tục bước đi với những chia sẻ gần gũi về rất nhiều vấn đề và về những thắc mắc đôi khi rất bạo dạn nhưng không kém phần hóc búa từ chính chúng tôi: “Làm sao để yêu người giữa một xã hội dối gian?”, hay “Làm sao để cứu một người đã mất đi tuổi trẻ?”. Qua đây chúng tôi một phần hiểu hơn về những vấn đề Cha Barnaba nói, một phần hiểu hơn về chính mình và hiểu hơn về nhiệm vụ, về ơn gọi Giáo lý viên mà chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Cha Barnaba vẫn luôn luôn nhấn mạnh với chúng tôi rằng, chúng tôi phải nhận ra mục đích sống của mình vì điều này ảnh hưởng cả đời mỗi người. Mỗi ngày chúng tôi sống, mỗi người chúng tôi gặp, mỗi sự kiện xảy ra trên thế giới, đều có ý nghĩa riêng của nó. Và chúng tôi sẽ phải là người đọc ra điều này, dưới con mắt đức tin, để từ đó hiểu rằng chúng tôi phải có thái độ nào, và phải hành động như thế nào để chúng tôi có thể sống tươi trẻ với đúng ý nghĩa của nó, với đúng vai trò là một con người, là một người trẻ, là một nhà giáo dục đức tin.

Cuộc hành trình ngắn ngủi rồi cũng đến hồi kết. Chúng tôi chia tay nhau, trở về với cuộc sống của mình. Chợt tôi nhận ra rằng cuộc hành trình mà chúng tôi đã cùng nhau trải qua thật sự đặc biệt. Hóa ra, chúng tôi đã không hoàn toàn dấn thân vào đó để tìm kiếm một phương pháp “trường sinh bất lão” hay để “trẻ mãi không già”, cũng chẳng phải để tìm kiếm câu trả lời tuyệt đối cho câu hỏi “Làm thế nào để tuổi xuân còn mãi”. Chúng tôi tham gia cuộc hành trình ấy, không để tìm kiếm một điều gì mới, nhưng là tìm lấy cho mình một cơ hội quý báu, một cơ hội để được nhắc nhở, được nhìn lại tuổi xuân của chính mình. Để rồi nhận ra rằng, chỉ khi chúng ta chấp nhận “lão hóa”, chấp nhận rằng chúng ta phải lớn lên, chấp nhận rằng bản thân phải tiếp tục sống hết mình vì Chúa Giêsu Kitô, thì khi ấy, chúng ta mới thật sự “còn mãi tuổi thanh xuân”.

Xin mượn lời Thánh Vịnh như một lời chúc gửi đến tất cả các bạn đã cùng đồng hành với tôi trong cuộc hành trình đặc biệt tối hôm ấy thay cho lời kết:

“Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.” (Tv 119,9)

Phêrô Nguyễn Quang Minh – Gx. Tam Hà – Cựu học viên Cơ sở

Visited 238 times, 1 visit(s) today