Ý CẦU NGUYỆN
(Theo cuốn Kinh Nguyện Don Bosco, 1965, trang 348-361):
NGÀY 1 (18-01): CẦU CHO MỌI KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG
NGÀY 2 (19-01): CẦU CHO GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG TRỞ VỀ VỚI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
NGÀY 3 (20-01): CẦU CHO GIÁO HỘI ANH GIÁO TRỞ VỀ QUY PHỤC ĐỨC GIÁO HOÀNG
NGÀY 4 (21-01): CẦU CHO GIÁO ĐOÀN THỆ PHẢN Ở ÂU CHÂU TRỞ VỀ VỚI GIÁO HỘI
NGÀY 5 (22-01): CẦU CHO ANH EM THỆ PHẢN Ở MỸ CHÂU TRỞ VỀ HIỆP NHẤT VỚI TÒA THÁNH PHÊRÔ
NGÀY 6 (23-01): CẦU NGƯỜI CÔNG GIÁO TỘI LỖI ĂN NĂN TRỞ LẠI
NGÀY 7 (24-01): CẦU CHO DÂN DO THÁI TRỞ LẠI
NGÀY 8 (25-01): CẦU CHO HỒI GIÁO VÀ NGƯỜI THỜ BỤT THẦN ĂN NĂN TRỞ LẠI
Cũng nên biêt Kitô Giáo gồm có:
- Công giáo – 1,2 tỷ
- Tin Lành – 699 triệu
- Chính Thống giáo Đông phương – 260 triệu
- Chính Thống giáo Cổ Đông phương – 81 triệu
- Anh giáo – 77 triệu
- Cảnh giáo – 0,6 triệu
- Giáo thuyết phi Ba Ngôi – 36 triệu
CẦU NGUYỆN:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa muốn làm cho những ai ly tán được trở về đoàn tụ và những kẻ sum vầy được luôn luôn hiệp nhất. Xin Chúa thương nhìn đến đoàn chiên của Đức Giêsu và cho mọi người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy được mãi mãi đoàn kết với nhau, nhờ sống cùng một đức tin toàn vẹn, và chia sẻ một đức ái vững bền. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
hoặc:
Lạy Thiên Chúa là Đấng yêu thương loài người, chúng con khiêm tốn dâng lời khẩn nguyện: xin gìn giữ chúng con luôn sống dưới quyền năng Chúa Thánh Thần và chúng con sẽ quảng đại hơn khi đáp lại ơn gọi làm Kitô hữu. Nhờ đó, chúng con có thể làm chứng cho chân lý và tích cực góp phần xây dựng sự hiệp nhất giữa những người tin, và đem lại bình an cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
hoặc:
Lạy Cha, Cha đã quy tụ muôn nước muôn dân để họ cùng nhau tuyên xưng Cha là Thiên Chúa. Xin giúp chúng con luôn muốn điều Cha muốn và làm điều Cha dạy, để các Kitô hữu tập họp thành cộng đoàn dân thánh, được cùng nhau chia sẻ một đức tin và đoàn kết với nhau nhờ đức ái. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
hoặc:
Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn chúng con biết quay về với Chúa để cùng nhau thú nhận lỗi lầm và dâng lời ca ngợi, nhờ đó chúng con mới có thể dẹp bỏ bao nhiêu mối bất hòa giữa người Kitô hữu với nhau và đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn trong Hội Thánh duy nhất, bấy giờ, tay trong tay, chúng con sẽ tiến về Nước Chúa như anh em một nhà. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Đức Thánh Cha sẽ khai mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất
Hằng năm, Đức Thánh Cha vẫn chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma vào ngày 25-1, lễ Thánh Phaolô trở lại. Nhưng năm nay, ngài bận viếng thăm tại Panama từ ngày 23 đến 27-1 tới đây, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34, nên ngài chủ sự kinh chiều khai mạc vào ngày 18-01-2019 tại Đền Thờ Thánh Phaolô ngoại thành.
100 năm lịch sử
Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô đã có từ hơn 100 năm nay do sáng kiến của Mục Sư Anh Giáo Paul Wattson, sau này trở thành một Linh mục Công Giáo. Từ 50 năm nay, chủ đề và các văn bản Kinh Thánh dùng trong Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất Kitô do một nhóm làm việc chung thuộc Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Ủy ban Đức tin và Hiến Chế thuộc Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève cùng soạn thảo (KNA 8-1-2019)
Ý nghĩa chủ đề Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất 2019
Năm nay Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất có chủ đề là ”Các ngươi hãy cố gắng trở thành người công chính đích thực” (Đệ nhị luật 16, 18-20).
Nhóm soạn thảo
Chủ đề và tài liệu giúp cử hành Tuần Cầu nguyện hiệp nhất Kitô năm 2019 do một đoàn các tín hữu Kitô ở Indonesia đảm trách. Quốc gia này có 265 triệu dân cư, trong đó 86% là tín hữu Hồi giáo và 10% là tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, trong đó có 2,9% dân số toàn quốc là tín hữu Công Giáo thuộc 27 giáo phận, họp thành 10 giáo tỉnh.
Ý nghĩa chủ đề năm nay
Lời Chúa trong sách Đệ nhị luật, được chọn làm chủ đề Tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay, phản ánh tình trạng và nhu cầu của cộng đoàn Kitô tại Indonesia. Trước khi vào Đất Hứa, dân Chúa đã tái cam kết trung thành với Giao Ước Chúa đã thiết lập với họ.
Đoạn Kinh Thánh (Đnl 16,18-20) ở trong một chương chủ yếu nói về những lễ cần cử hành. Sau mỗi dịp lễ, Dân Chúa được dặn dò: ”Các ngươi, và con trai con gái các ngươi, cũng như các đầy tớ, các thầy Lêvi, khách ngụ cư, kẻ mồ côi, người góa bụa sẽ được ở trong các thành thị của các ngươi” (Đnl 16,14). Phần cuối của chương 16 này có một điều có vẻ lạ, đó là hai câu về việc bổ nhiệm các Quan án, nhưng trong bối cảnh của Indonesia, liên hệ giữa những buổi lễ của tất cả mọi người và công lý là điều rất quan trọng. Trong tư cách là Dân của Giao Ước được thiết lập trong Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng những món ăn tuyệt hảo của bữa tiệc thiên quốc sẽ được dành cho những người đói khát công lý và những người bị bách hại vì Thiên Chúa đã ”dọn trên trời một phần thưởng lớn cho họ” (Mt 5,12).
Áp dụng cho các Kitô hữu nói chung
Giáo Hội của Chúa Kitô được mời gọi trở thành hoa quả đầu mùa của Nước Thiên Chúa. Chúng ta hối hận vì những bất công gây ra chia sẽ và trong tư cách là Kitô hữu chúng ta cũng tin nơi quyền năng của Chúa Kitô, Đấng tha thứ và chữa lành. Và như thế, chúng ta được hiệp nhất với nhau dưới thập giá của Chúa Kitô, đồng thời cầu khẩn ơn thánh của Chúa để chiến đấu chống lại bất công, và cầu xin lòng thương xót của Chúa đối với những tội lỗi đã gây ra sự chia rẽ nơi chúng ta” (Tóm phần Dẫn Vào các tài liệu giúp cử hành Tuần cầu nguyện hiệp nhất 2019).