LỜI NÓI ĐẦU
Đối với từng thành viên của Gia đình Salêdiêng và mọi người gắn liền với Tinh thần của Don Bosco, ngày16 tháng 08 năm 2015 thật là ý nghĩa để nhìn tới phía trước, khi chúng ta sẽ cử hành đệ nhị bách chu niên ngày sinh của Don Bosco. Thời kỳ chuẩn bị gồm ba năm đã được vạch ra, đấy là một cách làm cho tất cả chúng ta sẵn sàng cho ngày trọng đại này; nhờ đó kiến thức của chúng ta về Don Bosco -đấng sáng lập dòng Salêdiêng, và là cha, thầy của người trẻ – được thêm phong phú. Khởi đi từ năm 2012, chúng ta chú tâm đến những lãnh vực chính về con người của cha thánh và đặc sủng của ngài, đấy là: “Lịch sử”, “Phương pháp giáo dục” và “Linh đạo” của cha Bosco. Qua đó, chúng ta có thể biết và bắt chước ngài hơn nữa.
Cuốn sách này gom lại một loạt những bài viết hàng tháng của cha Pascual Chávez – Bề Trên Cả của Tu Hội Thánh Phanxicô Salê – dành cho gia đình Salêdiêng dưới chủ đề “Khoa sư phạm của Don Bosco” trong Hoa Thiêng năm 2013. Những bài viết này này soi sáng và hướng dẫn anh chị em qua cuộc hành trình khám phá những bí quyết trong phương pháp giáo dục của Don Bosco, cách thức ngài đương đầu với các hoàn cảnh, điều ở đằng sau sự thành công khi ngài tận hiến suốt đời cho sứ mệnh giáo dục giới trẻ và ngài đã hoàn thành như thế nào sứ mệnh ý nghĩa nhất này vốn được TC có thể ký thác cho thiện chí của con người. Trong những bài viết này, cha Chavez, rất sáng tạo, trình bày một hình thức diễn đạt đặc biệt. Xuyên suốt, ngài để Don Bosco nói theo ngôi thứ nhất. Độc giả chắc chắn sẽ trân trọng điều này như một khích lệ để lớn lên trong tình bạn mật thiết với chính Don Bosco.
Chúng tôi hy vọng rằng sau khi đọc cuốn sách này, anh chị em được khởi hứng để nỗ lực thực hành phương pháp giáo dục của Don Bosco. Anh chị em cũng sẵn lòng giữ lấy tinh thần của ngài để tiếp tục công việc của ngài là phục vụ giới trẻ không may mắn trong thế giới luôn biến đổi này.
Trong phần phụ lục của cuốn sách, chúng ta in lại bài bình giải của cha Chavez về hoa thiêng 2013. Nó cho thấy những lý lẽ phải học hỏi khoa sư phạm của Don Bosco, xác quyết nhu cầu phải “khám phá lại” Hệ thống Dự phòng, và cắt nghĩa chúng ta có thể đáp lại tiếng Chúa gọi như thế nào ngày hôm nay để phục vụ giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi. Hơn nữa, đôi dòng tiểu sử vắn gọn về cha Bosco, được trình bày theo dạng từng điểm một, cũng được nêu ra để độc giả dễ dàng qui chiếu.
Cha Lanfranco M Fedrigotti
Ngày 24 tháng 5 năm 2013
Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu
RÚT RA NHỮNG BÀI HỌC TỪ MỌI SỰ XẢY ĐẾN CHO CHÚNG TA
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Khi nói về mình và kể lại chuyện đời của cha, cha phải khởi sự từ những năm đầu đời. Những năm tuyệt đẹp song cũng khó khăn biết bao! Ở đó, cha học là một thiếu niên và thành người.
Cha có thể chân thành kể cho anh chị em: Don Bosco mà anh chị em đã biết rồi đó, Don Bosco mà một ngày kia trở thành một linh mục, nhà giáo dục và bạn của giới trẻ, đã rút được các bài học từ nhiều điều xảy đến trong những năm đầu đời.
Cha đặt trước anh chị em những giá trị mà cha đã thở hít, mà cha đã học để sống và sau đó, cha chuyển giao cho những người Salêdiêng cái gia sản của cha. Qua năm tháng, chúng đã trở thành nền tảng của lời dạy của cha.
Sự hiện diện của người mẹ
Khi bố của cha qua đời, mẹ Magarita mới 29 tuổi; Bố cha qua đời chỉ sau vài ngày vì bị viên phổi nặng. Mẹ cha, người phụ nữ đầy can đảm và nhiệt huyết, đã không than thân trách phận. Mẹ cha đã sắn tay áo lên, gánh vác cả hai bổn phận. Dịu hiền nhưng kiên quyết, mẹ cha vừa là người cha vừa là người mẹ. Nhiều năm sau, cha trở thành một linh mục của giới trẻ, cha có thể nói như kết quả của kinh nghiệm trên cánh đồng: “Hạnh phúc đầu tiên của một đứa trẻ là biết rằng ‘mình được yêu mến’”.
Vì thế, với những thiếu niên, cha là người cha thực sự của chúng, qua những cử chỉ tình yêu cụ thể, bình an, hạnh phúc và hấp dẫn. Cha yêu thương thanh thiếu niên; cha cho chúng bằng chứng cụ thể về tình yêu này, khi hiến thân vì cơ sự của chúng. Tình yêu này, mạnh mẽ và nam tính, cha không học từ sách vở; cha thừa hưởng từ bà cố. Cha luôn biết ơn mẹ cha về điều này.
Làm việc
Mẹ cha là mẫu gương đầu tiên. Bà luôn nhấn mạnh: “Những ai không quen làm việc khi còn nhỏ sẽ mãi là ‘kẻ ăn không ngồi rồi’ cho đến tuổi già”. Trong buổi nói chuyện ban tối sau khi ăn và sau kinh tối, (‘Huấn từ tối’), cha khẳng định rằng “Thiên đàng không dành cho ‘những kẻ ăn không ngồi rồi’”.
Ý nghĩa của Thiên Chúa
Mẹ cha cô đọng toàn bộ giáo lý thành câu nói bà lập lại mọi lúc: “Chúa nhìn con! Mẹ thì không.” Ở trường của một giáo lý viên dành toàn tâm toàn lực như mẹ cha, cha lớn lên dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Không phải là một Thiên Chúa cảnh sát, lạnh lùng và không khoan dung, và công khai cắn xé cha, song là Thiên Chúa tốt lành và quảng đại; cha có thể thấy Ngài nơi bốn mùa đắp đổi theo nhau; cha học biết và tạ ơn Ngài khi khi thu hoạch lúa mì hay hái nho chín mọng; cha tán dương Thiên Chúa vĩ đại khi tối đến cha ngất ngây nhìn các tinh tú.
“Ta hãy bàn luận nhé!”
Đây là câu ngạn ngữ mà người già ở Piedmont thường nói; cha thấy câu nói này khôn ngoan biết bao. Nó được dùng để nói, giải thích, và đi đến quyết định chung, mà không ai muốn áp đặt quan điểm của riêng mình. Sau này, cha đặt từ ngữ “lý trí” thành một trong những trụ cột trong phương pháp giáo dục của cha. Đối với cha, “lý trí” đồng nghĩa với đối thoại, chấp nhận, tin tưởng, thông cảm; nó sẽ trở thành một thái độ tìm tòi bởi vì giữa thày và trò không thể có kình chống, nhưng chỉ là tình bạn và kính trọng lẫn nhau. Đối với cha, đứa trẻ không bao giờ chỉ là kẻ thụ động thi hành lệnh. Khi tiếp xúc với các trẻ, cha sẽ không bao giờ giả tảng lắng nghe, song cha thực sự lắng nghe chúng, bàn luận những quan điểm và lý lẽ của chúng.
Niềm vui làm việc chung
Cha là vai chính thật sự giữa các bạn đồng trang lứa trong nhiều năm: cha đang nghĩ đến những kinh nghiệm đầu tiên tại Becchi khi mình là một nhà làm xiếc; cha nghĩ về các chiều Chúa nhật thật đẹp; cha nghĩ về sự nổi tiếng cha có được giữa các bạn học tại Chieri, đến mức mà trong trang tự thuật, cha có thể nói rằng: “cha được coi như là một vị chỉ huy trong một quân đội nhỏ”. Nhưng sau này cha hiểu ra rằng mọi người đều mong muốn thành trung tâm của sự chú ý. Đó là khởi đầu của Hội Vui, một nhóm hấp dẫn gồm những học sinh; trong đó mọi người đều được can dự vào một cách bình đẳng. Quy Luật được soạn ra gồm ba khoản ngắn: luôn vui tươi, chu toàn bổn phận tốt đẹp, tránh bất kỳ điều gì không xứng với người Kitô hữu tốt. Sau này, các Hội lành sẽ khởi sự, các nhóm giới trẻ, các cuộc hội thảo chân chính về việc tông đồ và sự thánh thiện trong tầm với của mọi người. Cha nói rằng chúng là “những việc cho người trẻ” để thúc đẩy chúng sáng kiến, và tạo không gian cho óc sáng tạo tự nhiên của chúng.
Niềm vui ở bên nhau
Cha ước mong các nhà giáo dục, dù trẻ hay đã lớn tuổi, luôn ở giữa các thanh thiếu niên như “những người cha đầy lòng yêu thương”. Đừng làm trẻ mất tín nhiệm, nhưng chỉ bước đi bên chúng, để cùng nhau xây dựng và chia sẻ. Cha thực sự hài lòng hân hoan thốt lên: “cha hạnh phúc khi được ở với chúng con. Đời cha chỉ là ở với chúng con.”
MA QUỈ SỢ NHỮNG NGƯỜI HẠNH PHÚC
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Cha được khắp thế giới biết đến là vị thánh rộng tay gieo rắc nhiều niềm vui. Quả thực, như một người biết rõ cá nhân cha viết rằng: cha làm cho niềm vui Kitô hữu thành “điều răn thứ 11”. Kinh nghiệm làm cha thâm tín rằng các con không thể làm việc mà không có xu hướng giáo dục kỳ diệu này, bước đi tới phía trước đẹp đẽ này, đó là niềm vui. Hơn nữa, để các trẻ thâm tín sâu xa, cha thường nói: “nếu muốn đời con hạnh phúc và an bình, con phải luôn ở trong ân sủng TC, vì trái tim của người trẻ ở trong tội lỗi thì như biển cả luôn xáo động”. Chính vì thế cha luôn nhắc nhớ chúng rằng “niềm vui đến từ sự bình an của tâm hồn”. Cha nhấn mạnh: “cha không muốn bất kỳ cái gì khác hơn một người trẻ làm điều tốt và luôn vui vẻ”.
Đôi khi, vài người trình bày cha như người làm xiếc bất tử của làng Becchi. Họ nghĩ họ đang làm cho cha một ơn huệ lớn lao. Nhưng hình ảnh đó giản lược rất nhiều lý tưởng của cha. Trò chơi, cưỡi ngựa, ban kèn, kịch nghệ và lễ hội là phương tiện chứ không phải đích đến. Cha nghĩ đến điều cha viết rõ cho chúng rằng: “Cha chỉ ước mong một điều: nhìn thấy các con hạnh phúc ở đời này và đời sau”.
Đối với cha, trò chơi và hạnh phúc là một hình thái việc tông đồ ý nghĩa; cha thâm tín sâu xa về điều đó. Từ thời niên thiếu, đối với cha, niềm vui là một yếu tố không thể chia tách khỏi học hành, làm việc và cảm thông. Một đứa trẻ từ những năm niên thiếu, nhớ về những năm “anh hùng” miêu tả chúng như sau: “Nghĩ về cách thức chúng tôi ăn uống, ngủ nghỉ, bây giờ chúng tôi ngạc nhiên chúng tôi đã vui sướng biết bao, đôi khi không đau khổ và không phàn nàn. Thật chúng tôi đã hạnh phúc, chúng tôi sống vì yêu thương.”
Sống và chuyển giao niềm vui là một hình thái đời sống, một chọn lựa ý thức của khoa sư phạm trong hành động. Đối với cha, đứa trẻ luôn là một đứa trẻ, nhu cầu sâu xa của em là vui tươi, tự do và chơi đùa. Cha thấy thật tự nhiên rằng chính mình, một linh mục cho giới trẻ, chuyển giao cho chúng tin mừng vui tươi được chứa đựng trong Phúc âm. Cha không làm thế với một vẻ mặt nghiêm nghị với cách thức không thân thiện và thô lỗ. Người trẻ phải hiểu rằng đối với cha vui đùa là điều quan trọng! Rằng sân chơi là thư viện của cha; chiếc ghế của cha là ở nơi cha vừa là ông thày và cùng lúc là học trò. Rằng niềm vui là Luật Căn Bản của người trẻ.
Cha tiếp tục gia tăng giá trị của kịch nghệ, âm nhạc, hát xướng. Cha dành thời giờ tổ chức cách chi tiết những chuyến đi dạo mùa thu nổi tiếng.
Quyển sách “Bạn của người trẻ” về đào tạo người Kitô hữu được in vào năm 1847. Cha đã dành nhiều giờ không ngủ viết cuốn sách này. Những lời đầu tiên các trẻ của cha đọc như sau: “Trò bịp ma quỷ dùng để quét nhân đức xa khỏi các tâm hồn trẻ là khiến họ nghĩ rằng phụng sự Thiên Chúa gồm chứa một đời sống ưu sầu, xa khỏi mọi vui vẻ và hoan lạc. Các con thân mến, không phải đâu. Cha muốn dạy các con một lối sống Kitô hữu mà cùng một lúc có thể làm cho cuộc sống ấy vui tươi và hạnh phúc, hơn nữa, những điều thật sự vui vẻ và hoan lạc… Đây chính là mục đích của cuốn sách nhỏ này: phụng sự Chúa và hạnh phúc.”
Như các con có thể thấy, đối với cha niềm vui có một ý nghĩa tôn giáo sâu xa. Trong phong thái giáo dục của mình, luôn có một sự nối kết quân bình giữa điều thánh thiêng và phàm tục, giữa bản tính và ân sủng. Những kết quả không cần phải đợi lâu mới thấy, quá nhiều đến nỗi, trong một số ghi chú tự thuật cha hầu như buộc phải viết, cha có thể nói: “Trung thành với sự hòa điệu của lòng sùng mộ, những giải trí và du ngoạn; nên mọi người rất thích cha tới độ tất cả không chỉ rất vâng phục trước các mệnh lệnh của cha, nhưng rất mong muốn được cha xin họ làm một trách vụ nào đó.”
Cha không chỉ mãn nguyện rằng người trẻ vui tươi; cha muốn chúng trải rộng bầu khí hân hoan, nhiệt thành, và yêu đời ra xung quanh; cha muốn chúng xây dựng niềm vui và hy vọng; Là những người truyền giáo cho những người trẻ khác qua việc tông đồ của hạnh phúc. Là những vai chính của việc tông đồ mang tính lây lan này.
CHO ĐI MỌI SỰ NGHĨA LÀ CHẲNG GIỮ GÌ CHO RIÊNG MÌNH
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Cuối cùng rồi cha có thể nói với các trẻ: “Chúng ta có một ngôi nhà”. Hôm đó là ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Thật ra, đó là một túp lều thấp và xập xệ, nhưng đó là của chúng ta! Cuối cùng, chúng ta hết phải lang thang khắp Turin, trong một tình trạng bấp bênh gây kiệt lực, đầy hiểu lầm và nghi kỵ. Một ngày thật sự quá quan trọng, không thể quên được: ngày 12 tháng 04 năm 1846! Cha được 30 tuổi, với 5 năm linh mục. Cha nhìn các sự việc dưới viễn cảnh được thắp sáng bởi niềm tín thác vào Đấng Quan Phòng. Cha lao vào công việc cách liều lĩnh: cha thường leo lên cọc giàn giáo ọp ẹp của tòa nhà đang xây dựng, để tìm những đứa trẻ của mình; cha đi vào những xưởng thợ, kho chứa hàng: để nói những lời của tình bạn và để kể chuyện vui cho chúng. Cha quan tâm về sức khỏe thể lý của chúng; cha nói chuyện với những ông chủ thường rất thô lỗ với chúng. Đây là một mối tương giao của tình bạn và tin tưởng lẫn nhau mà cha muốn thiết lập với mọi người. Giáo dục không phải là chuyện của một ngày mà thôi. Nó đòi hỏi kiên nhẫn với nhiều hy vọng.
Các con biết, ở Turin tháng bảy rất nóng; tại Valdocco trời thật ngột ngạt. Mọi thứ đều quá đột ngột. Đó là một Chúa nhật đầy ắp các hoạt động. Đột nhiên, cha ngã sóng xoài trên đất. Máu chảy dài trên đất và bãi cỏ. Cha bất tỉnh. Khi tỉnh lại, cha thấy mình đang nằm trên giường: rất nhiểu người vây quanh rồi một bác sĩ đến. Sau khi thấy sự việc thật nghiêm trọng, ông buộc cha phải nghỉ ngơi. Suốt một tuần sức khỏe của cha càng suy giảm. Cha cảm thấy kiệt lực và mê mệt liên tục.
Cha vẫn nhớ bác sĩ lắc đầu vô vọng. Ông nói: “Có lẽ ngài sẽ không qua khỏi đêm nay.” Ngày hôm sau như một phép màu, cha tỉnh dậy. Rồi dần dần, cha hồi sức lại. Cha luôn nghĩ về bọn trẻ. Chúng đâu rồi? Có phải chúng đã trở lại Valdocco? Một tuần nữa. Rồi đến Chúa nhật. Chống gậy, cha ra khỏi căn phòng. Cha nghe thấy tiếng hò hét vui tươi. Đầu cha đang quay cuồng vì yếu nhược cực độ. Cha gặp một linh mục đã giúp cha. Ngài nói cho cha về muôn vàn hy sinh các thiếu niên đã làm, bởi vì chúng nói: “Don Bosco không được chết”.
Cha đã hiểu: đám trẻ đã làm một phép lạ thực sự. Rồi những em lớn đỡ cha. Chúng buộc cha ngồi trên một chiếc ghế bành, đoạn khiêng cha trong chiến thắng. Chúng vui sướng hò la. Chúng quây quần bên cha. Khi chúng đã im lặng, cha bảo chúng: các con dấu yêu: các con đã cầu nguyện và làm nhiều hy sinh để cha có thể hồi sức. Cám ơn các con. Cha mắc nợ các con cuộc đời này. Vậy, cha hứa rằng cha sẽ sống hoàn toàn cho các con”. Cha không thể nói gì hơn vì cha quá cảm động. Nhưng từ ngày đó cha tận tuỵ cho cơ sự của giới trẻ mãi mãi. Các trẻ đó đã dạy cha bài học đẹp nhất và thuyết phục nhất!
Ngồi trên chiếc ghế bành, được biết bao thanh thiếu niên vây quanh, cha đã dự định đời cha cho giới trẻ. Vì thế cha tiếp tục. Nhưng có một câu trả lời cha đã cho chúng dưới một hình thức thậm chí rõ ràng hơn và thuyết phục hơn.
Đó là bữa tiệc tất niên vào ngày 31 tháng Mười Hai, 1859. Dẫu Valdocco nghèo túng kinh niên, chúng tôi vẫn trao tặng quà, như trong gia đình: một bức ảnh thánh, một bút chì, một cục gôm, viên kẹo, cuốn sổ tay… những vật nhỏ bé, nhưng được trao tặng từ một tấm lòng. Sau buổi kinh Tối, cha huấn dụ đôi lời: Cha cũng muốn cho những trẻ này một điều gì đó. Cha nói: “Các con yêu dấu, các con biết cha yêu chúng con biết bao trong Chúa. Các con biết cha hoàn toàn tận hiến như thế nào để làm cho các con điều tốt nhất cha có thể. Cha hiểu biết ít ỏi, cũng ít kinh nghiệm lắm. Nhưng cha là gì và cha có bao nhiêu, cha muốn dùng để phục vụ các con. Bất kể ngày nào và bất kỳ điều gì, các con có thể tin tưởng cha, nhất là trong những việc linh hồn. Về phần cha, có là gì, cha cho đ hết; có lẽ nó bé nhỏ lắm, nhưng khi cha cho các con mọi sự thì có nghĩa rằng cha chẳng giữ lại gì cho mình cả.” Từ Chúa nhật đó, vào cuối tháng Bảy khi cha đã đoan hứa long trọng để hiến toàn cuộc đời cho giới trẻ, 13 năm đã qua; đã có cả trăm em học hành hay học nghề. Cha muốn chúng hiểu rằng cha cha luôn ở bên họ: đây là kết quả của sự chọn lựa không thể thu hồi. Cha không bao giờ muốn phản bội sự tin tưởng mà giới trẻ đặt vào cha, và sau này, vào các Salêdiêng của cha. Khi cha nói với họ, “cha chẳng giữ gì cho bản thân”, đấy như thể cha nói: cha không nghĩ gì về mình nữa. Cha hoàn toàn hiến mình cho từng người các con. Cha không thuộc về chính mình nữa. Cha chỉ thuộc về các con. Mãi mãi cha là của các con. Cha không có gì cho chính mình. Này. Cha đã bộc bạch cái bí mật của cha. Với các trẻ, những quyết định này luôn hướng dẫn cha. Cha không bao giờ quay lại. Những người trẻ, cha không bao giờ phản bội chúng!
Cha đã viết cả ngàn lá thư. Nhưng nếu cha phải chọn một lá thư từ nơi cõi lòng, cha sẵn lòng chọn lá thư mà cha đã viết cho các Salêdiêng, những thày giáo và những học sinh trường Lanzo Torinese
Đây là một vài đoạn trích: hãy cho cha nói với chúng con. Đừng ai bị xúc phạm nhé: tất cả chúng con là những kẻ cắp; cha nói thế và cha lặp lại, các con đã lấy cắp mọi thứ từ cha. Khi cha ở tại Lanzo, các con mê hoặc cha bằng sự săn sóc và lòng mến thương. Lòng hiếu thảo của chúng con đầy ngập tâm trí cha. Cha còn lại trái tìm nghèo hèn, thế mà các con đã ăn cắp tất cả tình yêu từ đó. Giờ đây lá thư được 200 người bạn thân cận nhất ký nhận đã chiếm trọn trái tim cha; chẳng còn gì ở đó ngoại trừ một ước muốn sâu sắc là yêu mến các con trong Chúa, làm những điều tốt nhất cho các con, cứu rỗi linh hồn mọi người.
Đây là cách mà cha viết và nói cho người trẻ: với trái tim trên bàn tay, không cần phải nhiều từ hoa mĩ, với những lời chân thành và nói những điều mình tin tưởng. Như một người nông dân lành nghề, cha đã học để giữ lời. Và lời cha là đây: “cha nguyện hứa với Thiên Chúa rằng cho đến hơi thở cuối cùng, cha vẫn ở đó cho các trẻ nghèo của cha”.
Cha biết rằng đấng kế vị thứ hai là cha Phaolô Albera đã viết một lá thư rất đẹp. Trong đó ngài nói một điều chân thật: “Don Bosco đã dạy chúng ta yêu thương, thu hút, chiếm giữ và biến đổi”. Một chuỗi các động từ phong phú, cả bốn đều quan trọng, mỗi động từ gợi nhắc động từ khác “Phaolô bé nhỏ của cha” đã hiểu rõ bài học: tình yêu hấp dẫn, sự hấp dẫn trở thành thu phục, và thu phục kết tận ở việc biến đổi.
Chương trình cha đưa ra đơn giản và dễ hiểu, được diễn tả trong một thành ngữ nói lên sự cam kết nghiêm chỉnh và triệt để:“Vì những người trẻ này, cha sẽ hy sinh mọi sự, thậm chí, cha sẵn lòng đổ máu để cứu chúng”. Đấy không phải là lời nói suông; Nó là chương trình sống của cha!
Tháng giêng năm 1888. Ngay cả trên giường hấp hối, trong cơn lốc của kỷ niệm, tình cảm, lo âu, hãi sợ và hy vọng, cha vẫn có đủ sức mạnh để chuyên giao cho một người Salêdiêng, cha Bonetti, thông điệp cuối cùng đúc kết toàn bộ cuộc đời cha: “Hãy nói cho các thanh thiếu niên rằng cha đợi tất cả chúng trên Thiên Đàng”. Đây là nguyện ước của cha, một ước nguyện cuối cùng cha nói lên trong tiếng rên của cơn hấp hối. Cha yêu thương hết mọi người trẻ tới cùng! Và cha muốn chúng ở với cha mãi mãi trên THIÊN ĐÀNG.
KẺ XẤU THÌ RUN SỢ TRƯỚC NGƯỜI TỐT CHỨ KHÔNG PHẢI NGƯỜI TỐT RUN SỢ TRƯỚC KẺ XẤU
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Cha là một thiếu niên năng động và chú ý; được phép của mẹ, cha dự các hội hè khác nhau ở đó có nhiều trò ảo thuật và nhào lộn. Cha luôn mò lên hàng đầu, dán mắt vào những cử động của họ. Qua đó, họ đang làm khán giả chia trí. Dần dần, cha có thể thấy các trò “bịp” của họ. Về nhà, cha diễn lại hằng giờ. Nhưng thông thường, những động tác không mang lại kết quả mong ước. Đi trên dây giữa hai cây, quả là không dễ. Biết bao lần ngã! Biết bao trầy gối! Biết bao lần cha muốn ném bỏ mọi sự… Rồi cha lại bắt đầu, nhễ nhãi mồ hôi, mệt nhọc, thậm chí đôi khi nản lòng. Rồi, chút một, cha đã “có công mài sắt có ngày nên kim”; cha có thể cảm được đôi chân trần của cha với chiếc dây; trở nên một với bước chân của cha; và cha đã làm được như cha muốn, vui sướng lặp lại và tạo nên những động tác mới. Chính vì thế, khi nói cho các trẻ, cha nói cho chúng: “Hãy bám vào những điều dễ, nhưng hãy kiên trì thực hiện.” Và các con sẽ thành công: khoa sư phạm thực tiễn cụ thể, kết quả của biết bao chiến thắng cũng như thất bại, với sự bướng bỉnh là một những các tính nổi bật nhất của cha.
Đây là cách thức mà phong cách của cha đã phát sinh: giáo dục mà không dùng những từ ngữ to lớn, không có những mưu đồ ý thức hệ vĩ đại, không có những qui chiếu tới nhiều tác giả nổi tiếng. Đó là cách thức đã sinh ra khoa sư phạm của cha: cha học trên những cánh đồng của xóm Becchi, sau này trên những đường phố của Chieri, sau nữa trong các trại tù, trên các đường phố, trong những ngõ hẻm của Valdocco. Một khoa sư phạm được xây dựng trong sân chơi.
Ít năm sau cha dám minh chứng phương pháp này khi đến Chieri để tiếp tục học hành. Trước toàn lớp học, chính thày giáo đã nhận cha vào lớp nói một câu không mấy hứng thú: “Thiếu niên này hoặc là kẻ dốt nát hoặc là một thiên tài”. Câu nói này khiến cha lúng túng lắm; và cha nhớ mình đáp lại bằng những lời này: “Thưa thày, có lẽ em ở giữa đó. Em là một đứa trẻ nghèo khổ muốn chu toàn bổn phận mình và học tập tiến bộ thôi”.
Lúc 9-10 tuổi, cha có một giấc mơ (giấc mơ ấy được lập lại nhiều lần nữa). Nó tiếp tục khuấy nhiễu cha, và ước muốn trở nên linh mục cho người trẻ ngày một nên mạnh mẽ hơn …. Rồi cha làm một vài điều mà không làm cha thành một thiên tài, nhưng thực sự, đạt được một sự chiến thắng tốt đẹp trong tính khí của cha, một sự đột phá;… nghĩa là, chìa tay ra xin giúp đỡ, một điều chỉ để hiện thực giấc mơ của mình. Sau này cha thú nhận với một Salêdiêng: “Con không biết cha phải trả giá thế nào để nài xin”. Với tính khí kiêu ngạo của cha, hẳn là đủ khiêm nhường để cầu xin không dễ chút nào. Cha được can đảm nhờ tin tưởng cao độ vào Chúa Quan phòng; và nhờ đến điều mà cha học được từ mẹ cha. Dưới mái trường của bà, cha học được một quy luật dẫn cha đến mọi nơi: “khi gặp phải một vấn đề, cha xứ lý nó như thể khi cha thấy tảng đá chắn ngang con đường phía trước; nếu không thể di dời nó, cha đi vòng qua nó.”
Cha chắc chắn với chúng con: cha gặp rất nhiều tảng đá lớn trên đường. Cha chỉ vắn gọn nhắc đến vài việc thôi: ví dụ, năm 1860, là môt năm đầy khó khăn. cha Cafasso là một người bạn, cha giải tội và cha linh hướng qua đời: cha hỗng biết bao sự hiện diện của ngài, lời ngài khuyên và cả sự trợ giúp tài chánh của ngài!
Rồi, từ phía chính quyền, cha gặp những khó khăn nghiêm trọng, những ‘tảng đá” thực sự: những vụ lục soát có mục đích gây tai hoạ cho Valdocco như thể cha là một tội phạm! Trẻ của cha sống trong sợ hãi đang khi công an với súng ống xâm nhập khắp chốn. Những cuộc lục soát tiếp tục, tạo nên bầu khí lo sợ và bất ổn. Cha viết một lá thư gửi Bộ trưởng bộ nội vụ, Louis Farini, để xin nói chuyện riêng. Cha có những nội dung để nói cho ngài với sự kiên quyết khiêm tốn: “Vì các trẻ, tôi đòi sự công bằng và danh dự để chúng không thiếu bánh ăn”. Cha biết cha rất liều lĩnh vì những người này là thành phần của Chính phủ chống giáo sĩ, nhưng cha không thiếu sự can đảm cần thiết. Và như thế, những cuộc lục soát dần dần chấm dứt.
Cha không bỏ cuộc! Cha từng nói với các thiếu niên: “Sự liều lĩnh của những kẻ xấu hệ tại ở sự kiện là những kẻ tốt sợ hãi. Hãy can đảm và các con sẽ thấy họ cụp cánh xuống”. Một vị ân nhân người pháp từ Lyon gửi cha một bức ảnh thiêng liêng với dòng chữ mà cha không thể nào quên vì nó giống như một người hướng đạo: “Hãy ở bên Thiên Chúa như chú chim sẻ vẫn hót vang trên cành cây lắc rung dữ dội, vì biết rằng mình có đôi cánh”. Đây không chỉ là cách diễn tả thi vị, nhưng là hành vi tín thác đầy can đảm vào Chúa Quan phòng, bởi chỉ mình Ngài “là chủ của cõi lòng chúng ta” mà thôi.
Khi các trẻ sắp rời Nguyện xá đi nghỉ hè, cha thường nói điều này: “Hãy là đấng trượng phu chứ không được hèn nhát! Hãy ngước cao đầu, bước thẳng lên khi phụng sự Thiên Chúa, trong gia đình và xã hội, trong Giáo Hội và nơi cộng đồng. Vị nể là gì? Một con hổ giấy không cắn ai cả. Những lời xấc xược của những kẻ xấu là gì? Bọt xà bông biến mất ngay thôi. Chúng ta không thể quan tâm những kẻ chống đối và những lời chế nhạo của họ. Các con hãy nhớ rằng kiến thức mà không có lương tâm chẳng có ích gì ngoài việc hủy hoại tâm hồn.”
Cha không bao giờ thấy mệt để in khắc vào trong tâm trí nhỏ bé của chúng: “Hãy làm vinh danh Thiên Chúa trong cách cư xử hằng ngày của chúng con, hãy làm cho những người thân và các bề trên chúng con được an ủi. Bằng không, một đứa trẻ ươn lười, vô kỷ luật sẽ là một gánh nặng cho cha mẹ, một phiền não cho các bề trên, và là sự hổ thẹn của chính mình”.
Từ Valdocco tương lai vươn lên “những công dân lương thiện và người Kitô hữu tốt” mà thế giới đang rất cần.
TRẺ EM PHẠM LỖI VÌ SỐNG ĐỘNG HƠN LÀ VÌ ĐỘC ÁC
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Nhờ sự hiện diện từ mẫu của mẹ cha trong nhà Pinardi (nơi đó công cuộc Salêdiêng bắt đầu), mà một phong thái thẳng thắn trong mối tương quan người với người được tạo nên nhờ kiên nhẫn nồng ấm, thông cảm và sửa lỗi cho nhau, với phong thái gia đình. Trong một đại gia đình, cần phải nghiêm để kiểm soát mọi sự. Bằng sự khôn ngoan bẩm sinh của dân gian, như mẹ cha đã tóm lược lời khuyên hiền mẫu của mình trong câu “kỷ luật tối thiểu lại có hiệu quả lâu dài”.
Nhiều năm trôi qua và với vốn kinh nghiệm giàu có của những thành quả tốt đẹp, cha có thể nói rằng “Với trẻ em, kỷ luật là bất cứ điều gì mà ta muốn là một hình phạt!” Cha muốn làm rõ điều này. Hình phạt phải dùng để cải thiện mọi sự chứ không làm cho chúng tệ hơn. Giảm đi lòng yêu thương, một cái nhìn buồn bã, thái độ xa cách và nghiêm nghị hơn, vài lời thì thầm với sự tử tế và kiên nhẫn là những cách thức mà cha đã dùng để sửa bảo và ngăn ngừa những hành sử sai trái.
Các trẻ được tiếp nhận không phải ai cũng như Đaminh Saviô. Một ngày nọ, xảy ra là một hộ trực tội nghiệp, có lẽ không được những trẻ lớn hơn chấp nhận mấy, mất kiên nhẫn và đã tát một trẻ để cố gắng bắt em tuân hành. Hộ trực đó đã tạo nên một bầu khí chống đối. Bầu khí đó lúc này lúc khác có thể dẫn vào một hình thức nguy hiểm của sự bất tuân không được kiểm soát. Mọi người kỳ vọng cha nói gì đó. Sau kinh tối, cha đã nói trong “huấn từ tối”.
Với bộ mặt nghiêm trang, cha bắt đầu diễn tả phong thái giáo dục của chúng ta; cha cho các học sinh thấy mình thất vọng biết bao khi một trong chúng đã bị đối xử tàn nhẫn, và về phần mình, em đó đã tỏ ra một sự thiếu kính trọng và vâng phục nặng nề đối với bất kỳ ai chịu trách nhiệm giữ kỷ luật. Cha kết thúc với những lời thẳng thắn: “Một đàng, từ nay trở đi, không còn được lạm dụng nữa, đàng khác, không còn bạo lực nữa”. Cha đưa ra một câu ngạn ngữ: “Hãy chạy cùng chú thỏ nhưng hãy săn với đàn chó săn”. Cha im lặng trong giây lát, gương mặt cha lại rạng cười và tóm lại tư tưởng: “Cha ước rằng tình yêu cha mang đến cho mọi người hoàn thành điều không thể được… cha xin lỗi vì cái tát các con nhận, nhưng cha không thể lấy nó đi.” Cha đã có thể phá vỡ tảng băng, mọi người đều cười. Cha đợi cho đến khi mọi người im lặng. Rồi cha chúc mọi người ngủ ngon.
Kinh nghiệm dạy cha rằng cáu gắt, doạ nạt thì dễ hơn thuyết phục bằng tử tế rất nhiều. Giống như việc tập thể dục, đôi khi làm ta kiệt sức; nhưng cha biết rằng ta chỉ thắng được một số tính khí khác thường, nổi loạn và cộc cằn bằng yêu thương, kiên nhẫn và hiền lành. Trong thực tế, điều này có nghĩa là dịu lại đến mức tốt lành, nói bằng cõi lòng, sửa dạy với tình yêu và sự dịu dàng. Nói chung, trẻ em phạm lỗi vì vô tư hơn là do ác ý. Và một số nhà giáo dục, vì nóng vội và bất nhẫn, lại phạm những lầm lỗi nặng nề hơn những khiếm khuyết của những đứa trẻ này. Thường thường cha nhận ra một số người không bao giờ tha thứ cho người khác lại rất nhạy cảm và mau lẹ bào chữa cho chính mình.
Khi ta độc đoán sử dụng hai chuẩn mực, ta phạm những điều ngớ ngẩn. Cha thường nhắc cho các Salêdiêng rằng trẻ em là “Những nhà tâm lý tí hon” khi phán đoán những nhà giáo dục, giáo viên và hộ trực của chúng: chúng nhận thức được kiểu dáng, cung giọng và sự bất cẩn mà nhờ đó chúng lạm dụng quyền bính của họ. Cha luôn ước mong các Salêdiêng biết chọn đúng lúc để sửa lỗi; không bao giờ để giận dữ hoặc thù hằn điều khiển. Cha mong họ đừng bao giờ quên rằng, các thanh thiếu niên cần được tách riêng em, ngày qua ngày, đưa dẫn chúng đến với Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài biết làm sao để vẽ khuôn mặt thần linh của mình trong chúng. Cha ước mong các Salêdiêng thân yêu luôn mang với mình một phương dược cốt yếu và dễ sử dụng (nhưng không thể tìm thấy trong bất kỳ tiệm thuốc nào): những người trẻ muốn các con nói “vâng” với các trò chơi và những ước mơ của chúng, trước khi chúng con nói “vâng” với Thiên Chúa.
Vào thời điểm bấy giờ, cha đã thừa hưởng một phương pháp giáo dục rất thiết thực để giáo dục tới điều thiện: Luôn ở “giữa” các thanh thiếu niên. Cha muốn các Salêdiêng của mình trở nên “Những nhà giáo dục trên sân chơi”. Những người bạn chân chính, rộng mở để đối thoại, sáng tạo, tỉnh thức nhưng không đa nghi, hiện diện nhưng không dỗi hờn, dễ chịu và tươi sáng.
Đó là điều mà cha gọi là “hộ trực”: Sự hiện diện có chiều sâu, không bao giờ lập lờ, nhưng luôn chủ động; sẵn lòng và sáng tạo trong việc giúp đỡ các thanh thiếu niên. Cách thức hiện diện thể lý với các thanh thiếu niên, ở bên cạnh chúng “trên sân chơi”, chia sẻ những hy vọng và ước mơ với chúng, cùng nhau xây dựng tương lai tươi sáng và tốt lành hơn, mà không có bất kỳ ngờ vực nào. Sân chơi như là chốn “linh thánh” của tình bạn hữu và là nơi gặp gỡ nảy sinh sự tín nhiệm thân hữu, nơi mà nhà giáo dục bước xuống khỏi bục giảng, không còn trong tay sổ lớp, ở đó ông không chỉ dựa vào những khả năng học vấn, nhưng trên chính con người của học sinh, trên những giá trị mà em diễn đạt, trên những lý tưởng sinh động em.
Những người trẻ tuổi, thậm chí là những người trẻ nổi loạn nhất, chỉ bị tác động bởi sự hiền dịu và kiên nhẫn. Vì vậy, tôi đã đề nghị cho các Salêdiêng: “anh em phải có trái tim của một người cha hơn là chỉ có cái đầu của vị bề trên”.
CHA LUÔN CẦN MỌI NGƯỜI
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Cha sinh ra nghèo, nhưng Cha không bao giờ gắn bó với những món tiền khếch sù không tưởng tượng được đã qua tay cha. Đối với cha, nghèo có nghĩa là tự do, sự tự do chân thật mà Chúa đã dạy chúng ta bằng lời nói và việc làm. Tự do, không bị trói buộc! Vì cha nghèo, cha biết và hay đi tới nhiều “người giàu có”. Cha có một thâm tín mà không phải luôn được người ta hiểu (thông cảm), tạo nên lời chỉ trích gay gắt, chán ngắt và ngột ngạt. Cha thường nói và nhắc lại rằng: “Bác ái không được người giàu thực hiện, nhưng chúng ta làm bác ái cho họ, khi tạo cơ hội cho họ làm tốt một chút”. Rõ hơn điều này… cha thâm tín rằng: “Không có ai dám nói sự thật cho các người giàu có”. Cha nhớ đã viết một lá thư; dẫu ngắn ngủi, nhưng nó vẫn khuấy động một ông chủ ngân hàng giàu có trong giấc ngủ: “Tuyệt đối ngài phải cứu linh hồn mình, nhưng ngài phải cho người nghèo tất cả những của dư thừa: Tôi cầu xin Chúa ban cho ông ơn lành ngoại thường này”.
Cha đã viết hàng ngàn lá thư; đa số để xin trợ giúp từ các cơ quan công cộng và các ân nhân. Dù vậy, trong mọi lá thư luôn có chữ “Cám ơn”, một từ ngữ tri ân chân thành. Điều này cha học được từ mẹ của cha! “Những ai có lòng biết ơn không thể không có những nhân đức khác nữa”.
Vì xin và tri ân, cha đã sống.
Dù cha không biết và vì thế cha chưa bao giờ dùng từ ngữ “tiếp thị”, thì cha đã dùng kỹ thuật này – theo cách riêng của cha – và thế nào! Đây là cách diễn đạt: “Chúng ta ở một thời mà các con phải làm việc. Thế giới trở thành duy vật, vì thế các con phải làm việc và làm cho mọi người biết việc tốt các con làm”. Dù là hào phóng hay khiêm tốn, những biếu tặng cha nhận được, không được sử dụng cách lệch lạc; các ân nhân hài lòng để xem thấy các biếu tặng của họ được sử dụng ở đâu. Và họ cũng được … khuyến khích để tiếp tục!
Cám ơn luôn được xem là nghĩa vụ công bằng chặt chẽ. Cha sống và dạy như thế trong khoa sư phạm của cha. Cha thường lặp lại cho các trẻ: “Chúng ta luôn cảm thấy buồn cho những người vô ơn, bởi vì họ sẽ không hạnh phúc.” Đối với cha, sự vô ơn là một trong những hình thức tồi tệ nhất của sự mù quáng, bởi vì nó không cho ta nhìn ra những phúc lộc, những cử chỉ yêu thương, những dấu chỉ về sự tốt lành hiền phụ của Thiên Chúa. Và đây là bài giáo lý “thả trôi” của mẹ Magarita. Nhờ đó bà giúp chúng tôi hiểu Thiên Chúa tỏ lộ chính ngài như thế nào trong các biến cố, hạnh phúc hay không, của đời sống; bà luôn tìm đủ lẽ để tạ ơn từ cõi lòng. Sự trân trọng là ký ức của tâm hồn, bởi vì chỉ tâm hồn mới có khả năng ghi nhớ. Bất cứ người nào tạ ơn đều mang trong tâm hồn tình yêu Thiên Chúa ban tặng và vui mừng vì điều này; chúng ta luôn là điều chúng ta ghi nhớ!
Các thiếu niên của cha hít thở bầu khí này. Chắn chắn đó là một thời khắc cảm xúc sâu xa mà cha cảm nhận tối hôm đó. Vào đêm trước ngày bổn mạng của mình, cha nghe tiếng gõ cửa tại phòng làm việc, một phòng trống. Khi mở cửa, cha thấy Felice Reviglio cả Carlo Gastini, đến chúc mừng cha. Rồi chúng tặng cha một cặp trái tim nhỏ bằng bạc như nói lên lời cảm ơn. Cha sững sờ không thốt nên lời vì tặng phẩm ‘hùng biện’ đến thế; điều này làm cho cha biết rằng mình đã chọn đúng đường, bởi các thanh thiếu niên này hiểu ra tinh thần gia đình diệu kỳ rất quan trọng đối với cha. Cha đứng sững đó, thậm chí không rõ bao lâu, nhìn vào hai trái tim nhỏ đó đang khi mắt đầy lệ nhoà!
Những năm tháng tại Chieri, đầu tiên với tư cách là học sinh, sau như một chủng sinh (10 năm tuyệt vời!) cũng là những năm đầy hy sinh và, đôi khi, thậm chí được ghi dấu bằng đói ăn. Bát súp ông chủ Pianta cho cha vì các việc làm trong quán của ông không đủ tráng dạ dày của chàng thanh niên 18 tuổi. Giuse Blanchard giúp cha khi có thể. Mẹ của cậu bán trái cây ở chợ; cha thường rời khỏi cậu với vài trái táo, những hạt dẻ và những trái cây khác, là những món quà của Blanchard. Một vài quý mến vốn giúp cho chiếc bụng rỗng của cha không dễ bị lãng quên. Vì vậy, nhiều năm sau, cha ở Chieri, lúc khoảng giữa trưa. Cha đang nói chuyện với một vài linh mục đã từng là bạn của cha tại chủng viện, khi nhìn qua bức tường cha thấy một ai đó vừa đi qua, người mà cha thật sự không thể bao giờ quên, bạn Blanchard. Cha liền giới thiệu cho các linh mục trong chủng viện như một vị ân nhân nổi bật. Cha đã kể câu chuyện về trái của nhiều năm trước kia. Rồi cha mời Blanchard đến thăm Valdocco. Ông hứa đến. Sự kiện đó xảy ra năm 1876. Mười năm sau, người bạn đó rốt cục đã giữ lời. Cha không còn khoẻ nữa. Có nhiều khó khăn nơi phòng trực khi nhiều người đang đợi. “Hãy nói với cha Bosco, người bạn cũ là Blanchard đã giữ lời hứa đến thăm cha”. Cha nhận ra ngay giọng nói của ông. Cha mời ông vào. Cả hai nói chuyện lâu giờ. Đến giờ ăn trưa, cha cáo lỗi vì không thể đứng dậy. Cha nói cho cha thư ký: “Con sẽ dành một chỗ cho người bạn của cha nhé, tại phòng ăn của các Bề trên, vào đúng chỗ của cha”. Như vậy, một người già cả, rất vụng về, ngày hôm đó, ngồi giữa tất cả những người đang hướng dẫn Tu hội Salêdiêng non trẻ. Đó là điều bé nhỏ nhất cha có thể làm được cho ông, sau 50 năm, như lời tri ân của cha…
THIÊN CHÚA MUỐN CHÚNG TA Ở TRONG MỘT THẾ GIỚI TỐT HƠN BÂY GIỜ
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Cha biết một nhà văn người Ý rất thành công vì người đó viết theo sở thích của đại đa số; ông nói rằng “những vị thánh không làm nên lịch sử”. Có lẽ hợp lý hơn nếu như ông viết “những vị thánh không làm nên các câu chuyện”. Nhưng cha đồng ý rằng… cha chưa từng coi mình như là “vị cứu tinh của đất nước mình”.
Khi cha tiễn mười vị truyền giáo trẩy đi Áchentina. Từ trên toà giảng tại Thánh đường Mẹ Phù hộ, cha nhớ đã nói những lời này: “Chúng ta đang bắt đầu một công cuộc vĩ đại, không phải vì dân chúng tin vào việc thay đổi toàn vũ trụ trong ít ngày. Không; Nhưng ai mà biết được cuộc ra đi này giống như hạt giống rồi từ đó một cây cao bóng cả mọc lên? …Thậm chí trong sự nhỏ hèn của mình, chúng ta bây giờ đặt viên đá cuội trong tòa nhà to lớn là Giáo Hội”.
Cha sống trong thời kỳ rất khó khăn. Nó đòi nhiều thận trọng, “những mánh thông minh” để không làm cho mọi việc ra tệ hơn. Đây là một trò ngoại giao khéo léo và lịch thiệp. Tính cách của cha lại ưa chuộng hướng này. Khiêm tốn làm mọi việc mà không gây ấn tượng; Cha sẵn sàng đi qua hơn là đâm bổ vào và chiến thắng những chướng ngại, chỉ khi cha tạo ra cảm tưởng là muốn bỏ cuộc. Cha luôn ghi nhớ mục đích cha muốn; cha biết cách làm bạn với những kẻ đối lập, mà không đầu hàng nhưng ngay cả không khiển trách mình quá đáng.
Cha đã biết chương trình của những người chống giáo sĩ; những mánh lới của họ thực là quá cho những người đơn sơ. Năm 1849, cha đã đọc kế hoạch của họ từng điểm một. Với một sự ngạo mạn lặng thinh họ tuyên bố những mục tiêu rõ ràng của mình: chà đạp tôn giáo – chống phá Giáo Hội – làm thương tổn đời linh mục – chà đạp mọi quyền bính, thần linh và nhân loại – bẻ gẫy những trói buộc chặt chẽ hơn của xã hội và bản tính – tán dương những nết xấu đáng xấu hổ nhất – là nơi ẩn náu khỏi con thú. Đấy là một kế hoạch mà cha đánh giá là tổ chức, hoạch định vô cùng lợi hại và lâu dài. Tuy nhiên, cha không phải là vị linh mục đi diễu hành phản đối, giữa những người la ó những khẩu hiệu theo mốt. Cha không chấp thuận các vị linh mục diễu hành với bông hồng ba màu gắn trên áo chùng thâm, trong nhà thờ suốt thánh lễ đại triều của Đức Tổng Giám mục, trong các quảng trường. Cha công khai những ý tưởng của mình cách rõ ràng và như vậy, nhiều linh mục như thế xa lánh cha.
Cha không phải là “người gây rối” do nghiệp vụ; cha có những nguyên tắc của mình; cha ưa hoạt động với sự ân cần và tính điềm đạm của một nông dân, không mong đợi những phép lạ rẻ tiền Trái lại, cha cũng không khờ khạo hay ấu trĩ; cha nhận ra những khuyết điểm, sai phạm. Cha biết mình phải chờ đợi, cần có thời gian, vì thâm tín rằng “điều tốt hơn luôn là kẻ thù của điều tốt”.
Chúng ta đang bước vào thời đại công nghiệp. Cha phải thích ứng với thời đại mới, xu hướng mới, chứ không ẩn náu trong nỗi hoài cổ nguy hiểm vì những thế hệ đã qua mà nay đã bị tan đi mãi mãi. Nhiều điều đã không đúng. Nhưng thay vì lạc lối trong những phàn nàn vô ích, cha ưa chuộng sắn tay áo lên và làm việc theo kiểu cách khác: trong phạm vi nhỏ bé của mình, không chút trông mong làm quá, cha muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách cống hiến cho nhiều người trẻ có được chén cơm miếng bánh cách lương thiện bằng lao công xứng đáng như những người tự do, chứ không phải như kẻ nô lệ bị bóc lột. Cha biết rằng “ma quỉ luôn có tôi tớ ở mọi nơi”, mặc dù cha tin chắc rằng “ai có Chúa có mọi sự”. Rồi cha dùng qui luật khôn ngoan này: “Đừng để điều gì làm con nao núng!” thành một lời khuyên và cảnh giác cho những người Salêdiêng của cha.
Do giáo dục và tính khí, Cha không để mình xuống tinh thần cách dễ dàng. Hơn nữa, trong cuộc đời, cha đã không thiếu những khó khăn và thử thách. Vì vậy, cha nói: “Đáng gì khi ta phàn nàn về những sự dữ làm ta sầu khổ? Làm mọi sự để vượt thắng chúng thì tốt hơn nhiều. Những người cai quản chúng ta cần chúng ta thương cảm nhiều: Những món họ nợ Thiên Chúa thì quá nặng nề!” Cha bị thúc đẩy phản ứng bằng một sách lược bạo dạn mới: “Chúng ta không thể chống lại thế giới tinh quái chỉ bằng đọc kinh mà thôi. Chúng ta phải làm việc!” Cha cố gắng ngăn chặn quá nhiều sự dữ bằng điều thiện nhỏ bé.
Cha thâm tín rằng “Đất nước chúng ta nay trở thành lãnh địa truyền giáo”. Vì thế, cha nhấn mạnh với các Salêdiêng: “Nếu các con không làm việc thì ma quỉ sẽ làm việc.”
Được nâng đỡ bằng những lý tưởng can đảm, cha được hướng dẫn bởi chương trình này: “Trong những điều sinh lợi cho giới trẻ bất an hay để chiếm được các linh hồn cho Chúa, cha sẽ liều lĩnh tiến tới”. Cho nên, cha luôn cố gắng tìm ra những câu trả lời cụ thể như hoàn cảnh đòi hỏi. Cha viết cho cha Cagliero năm đầu tiên “nghèo thê thảm” ở Achentina: “Chúng ta có một loạt liên tục các dự phóng giống như câu chuyện cổ tích hay những chuyện điên rồ trong con mắt thế gian, nhưng chỉ bên ngoài thôi, xin Chúa chúc lành cho những dự phóng đó để mọi sự thuận buồm xuôi gió. Có lý để cầu nguyện, tạ ơn, hy vọng và nhìn kỹ”. Sự lạc quan vốn luôn giúp cha đôi khi dường như tan biến mất. Các bức tường của những cơ sở mới, được xây cất bằng mồ hôi và máu huyết, sụp đổ tan tành trong đêm tối; những linh mục được cha dạy dỗ đã bỏ ra đi, ngày này qua ngày khác, thậm chí chẳng một lời cám ơn; chính một cơn gió mạnh bất ngờ mở toang cửa sổ và làm đổ hết lọ mực lên những trang giấy mà cha đã cần mẫn viết những khoản Hiến luật vốn phải được gửi gấp đến Tòa Thánh vào sáng hôm sau; có bầu khí của hiểu lầm, những tin đồn thất thiệt, những kẻ căm phẫn, những cuốn sách mỏng thô tục vô danh chống lại Tổng Giám mục Turin đầu độc linh hồn; và rồi những cánh cửa của Toà Thánh đã đóng kín ngăn chận cha gặp Đức Pio IX đang hấp hối. Biết bao tảng đá! Nhưng đó là thất bại tạm thời. Đây là cách một Salêdiêng rất thân yêu viết cho cha như thế này: “Nơi cha Bosco, những nỗi đau của cuộc sống luôn xua đi những uể oải của nghi ngờ”. Cha được nhắc nhớ: “Chúng ta không ngừng được tôi luyện, nhưng chúng ta không bao giờ thiếu Thiên Chúa nâng đỡ. Chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ không bất xứng đối với tương lai”.
Vào năm 1854, cha viết cho Bá tước Clemente Solaro della Margherita, một chính trị gia cam đảm và nghiêm túc, một người công giáo tốt lành: “Đây không phải là việc giải cứu riêng một cá nhân, nhưng là ban phát chén cơm miếng bánh cho những người trẻ mà nghèo đói đặt họ vào nguy hiểm nặng nề là đánh mất đạo đức và đạo giáo”.Cũng cùng một chủ đề, nhưng được nhấn mạnh cấp bách và sâu sắc hơn, năm 1886, cha nhấn mạnh khi nói cho hàng quí phái ở Barcelona: “Người trẻ từng lớn lên nơi đường phố của quý ngài, trước tiên sẽ xin các ngài bố thí, rồi sẽ đòi các ngài và cuối cùng sẽ bắt các ngài phải cho chúng, khi cầm khẩu súng trong tay.”
Xin và cảm ơn là hai vận hành tâm thu và tâm trương của đời cha. Cha luôn làm cho các ân nhân can dự vào điều này với tình cảm nhân loại, nồng ấm, tử tế và tình yêu được cá vị hoá. Một tình yêu kết hiệp các ân nhân và những người hưởng lợi trong mối tương quan trung tín và chân thành. Với một số ân nhân nữ, cha dành cho họ niềm vui khi gọi họ (Chúa biết cha tri ân họ biết bao!): “Người mẹ tốt lành và thân yêu nhất của cha”.
Trái tim cha như một linh mục-thày dạy chưa bao giờ ngừng yêu thương, cho tới cùng. Khoa sư phạm của cha được đồng nhất với – “cõi lòng”. Sau cuộc gởi các vị Truyền giáo (1883), cha viết cho cha Costamagna – người dẫn đầu cuộc xuất phát truyền giáo ấy: “Con đã đi rồi, nhưng tim cha tan nát. Cha lấy hết can đảm, nhưng cha khổ đau quá. Thâu đêm, cha không ngủ được”.
Cha nhấn mạnh trên điểm then chốt này: hệ thống giáo dục của cha được viết không phải bằng cách chép lại những trang sách; nó là cuộc đời được sống, là sự trong suốt cá nhân. Phương pháp này không phải là “lý thuyết” được sao chép từ những bộ sách uyên thâm hay các học giả nổi tiếng. Đúng, cha sao chép, nhưng ngày qua ngày, cha rút ra từ cõi lòng, từ những sân chơi đầy bụi bặm tại Valdocco, từ các đường phố ngoại ô của thành phố Turin. Đó là một nguồn mạch mà không bao giờ không tuôn trào.
Cha đã đấu tranh suốt đời để cống hiến lại cho nhiều người trẻ niềm vui sống, bằng cách mặc cho chúng một phẩm giá quá thường bị chà đạp. Cha sống cùng với chúng để hiểu hơn những nhu cầu, hy vọng và ước mơ, để cùng chúng xây dựng một cuộc sống xứng đáng của con cái Thiên Chúa. Cha thừa nhận với chúng và vì chúng một hệ thống giáo dục trong đó có một Thiên Chúa tốt lành, quan phòng, xót thương và kiên nhẫn. Cha đặt Thiên Chúa vào lòng các thanh thiếu niên, vì cha biết chúng khao khát sự thật và sự công chính. Cha khám phá hàng ngàn đứa trẻ đường phố, những kẻ bướng bỉnh và nổi loạn khát mong Thiên Chúa. Cha trở thành vị linh mục của niềm vui và hy vọng, của sự tha thứ nhân danh Đức Giêsu Đấng Cứu độ, bị đâm thâu và sống lại. Cha cầm tay những em ngỗ nghịch và cha cho chúng vui hưởng niềm hạnh phúc của một trái tim mới. Cha đem chúng trên đường thánh thiện mới, trong khả năng của chúng, một sự thánh thiện vui tươi, vì nó cùng lúc vừa hấp dẫn vừa đòi hỏi. Cha phất lên lá cờ niềm vui.
Cha không thay đổi thế giới, ngược lại là khác! Bất chấp những lầm lỗi không thể né tránh vốn luôn đi kèm với hành động con người, cha ý thức phần của mình. Cha mở những con đường mới để giáo dục, yêu thương và phục vụ giới trẻ. Cha ước mơ để lại một dấu ấn.
Các con biết ai đã cho cha và cho công việc của cha một định nghĩa chính xác hơn? Đó là một bác sĩ người Pháp, Combal của trường đại học Montpellier, là một bác sĩ nổi tiếng trên quốc tế. Năm 1884, cha ở Marseille và phải gọi bác sĩ gấp. Bác sĩ này đã đi suốt đêm bằng xe lửa đến gặp cha vào ngày 25 tháng 3. Ông kiểm tra sức khỏe cha rất cẩn thận kéo dài hơn một giờ và kết luận rằng: “Đời cha lao nhọc quá nhiều. Cha giống như bộ áo vét (veston) sờn nát, vì mặc suốt, ngày lễ cũng như ngày thường. Tôi không nghĩ chúng ta có thể vá lại các chỗ hư hoại này. Tuy nhiên, để giữ bộ áo này mặc thêm được chút nữa, chỉ còn cách là giữ nó trong tủ áo thôi: tôi muốn nói rằng liều thuốc tốt nhất cho cha là nghỉ ngơi tuyệt đối.” Cha nhớ mình đã trả lời: “Tiếc quá. Liều thuốc này, tôi không thể uống được. Sao ta có thể nghỉ ngơi khi có quá nhiều việc phải làm?”
“Một chiếc áo cũ sờn nát”: đây là lời tán dương tốt đẹp dành cho cha. Cha thật sự tận hiến mình cho thanh thiếu niên. Cha trả lời cho những ai chúc cha sống lâu: “Úi chà, tốt quá, cha nghĩ về những điều Chúa muốn thấy nếu ngài cho phép cha sống đến 80 hay 85 tuổi! cha sẽ làm việc nhiều bao có thể, cách mau lẹ, vì cha thấy thời gian đang trôi qua; và suốt nhiều năm ta sống,ta không bao giờ có thể làm được một nửa điều ta phải làm. Khi chuông rung lên báo hiệu tôi phải rời bỏ, cha sẽ rời bỏ. Bất cứ ai còn ở lại thế giới này sẽ hoàn thành điều cha phải bỏ lại. Nhưng cho đến lúc nghe được tiếng chuông rung lên, cha sẽ không bỏ cuộc.”
KIÊN NHẪN MỚI THÁNH HOÁ CHỨ KHÔNG PHẢI CHỊU KHỔ
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Vào tối ngày 12 tháng 5 năm 1886, cha đến Grenoble, mệt mỏi và kiệt sức sau một chuyến đi dài suốt ba tháng; cha khởi hành từ Turin đến Pháp rồi sang Tây Ban Nha; cha hoàn thành xuất sắc vì việc xây cất Thánh Đường Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Roma đã trì trệ khá lâu, vì thiếu tiền.
Cha được vị giám đốc chủng viện tiếp đón tuyệt vời; thấy cha kiệt lực đến đáng thương, ngài nói những lời khích lệ đầy huynh đệ:: “Cha đáng kính, cha rõ mà, không gì thánh hoá tốt hơn biết bao đau khổ”. Ngay lập tức, cha xin được chữa lại: “Không. Kiên nhẫn mới thánh hoá, chứ không phải chịu khổ”. Đây không chỉ là lối nói gây ấn tượng: nhưng là tổng hợp của cuộc sống đầy xáo động và cay đắng: 71 năm oằn lưng cha; người ta nói cha là “một kẻ bị mệt nhọc giết chết”; họ lặp lại cùng chính lời của bác sĩ Combal tại thành phố Montpellier đã nói với cha cách đây hai năm, khi ông đến thăm cha tại Marseille vào tháng 3 năm 1884.
Cuộc trò chuyện gia đình và sự tin tưởng nào đó
Cha còn nhớ trong một bài nói chuyện với các Salêdiêng, cha đã giải thích cho họ ý nghĩa của từ “kiên nhẫn”; cha đã tham chiếu động từ tiếng Latinh có nghĩa là: “Trải qua, chịu đựng, dung thứ”. Và cha chỉ ra với sự thực tiễn: “Nếu không đòi phải cố gắng, kiên nhẫn không còn là kiên nhẫn nữa.” rồi, cha nói tiếp: “Chúng ta cần kiên nhẫn nhiều; hay tốt hơn nói rằng, cần nhiều đức ái trên chóp với những gia vị của thánh Phanxicô Salê: sự tử tế, sự hiền lành”.
Dựa trên những kinh nghiệm cha đã trải qua và với sự thẳng thắn vốn có, cha đón trước một đối kháng và cha tự tin mở lòng mình ra: “Tôi cũng thấy điều đó đắt giá. Các con đừng nghĩ rằng suốt sáng phải trao đổi chuyện trò hay cả chiều ngồi suốt tại bàn để chết vì mọi việc vụn vặt, như thư tín hay những chuyện tương tự là chuyện thú vị nhất trên trần ư. Ồ, cha chắc với chúng con rằng rất nhiều lần lẽ ra cha đã ra ngoài hít thở và có lẽ cha đã từng cần làm thế… các con đừng nghĩ rằng cha đâu trả giá gì, sau khi chỉ định một người làm việc gì đó hoặc sau khi sai một người vào một việc tế nhị hay quan tâm đến, và rồi không thấy nó được làm xong đúng giờ hay thậm chí làm sai nữa, cha đâu có trả giá mấy để giữ bình thản; cha nói với các con rằng đôi khi máu trong người cha sôi sục lên, một cảm xúc ngứa ngáy thống lãnh các giác quan của cha. Vậy, làm gì đây? Bất nhẫn ư? Các con không thấy rằng do việc cha bất nhẫn mà công việc đã không được thực hiện vẫn sẽ không được làm, và chẳng ai sẽ sửa mình bởi vì cha tức giận.” Cha kết lại với một tư tưởng rất thân thiết với cha: “Điều nâng đỡ kiên nhẫn là hy vọng. Hãy để niềm hy vọng nâng đỡ chúng ta, nếu ta thiếu kiên nhẫn”.
Nhiều lần cha nhận ra là đã không được hiểu (thông cảm). Do một ai đó, thậm chí cha bị “phê bình” sống sượng về phương pháp mà (các riêng trong những năm đầu tiên) cha dùng huấn luyện các Salêdiêng tương lai. Cha có thể thanh minh cho mình bằng cách tuyên bố rằng cha đang mở lối đi mới chăng? Cha đã bày ra một kinh nghiệm khác, nhưng cha không bước đi mù quáng. Cha tự hài lòng là thận trọng bao có thể, mặc dù quan điểm của cha đi xa hơn. Vài thập niên sau này, xem lại con đường mà cha đang đi và nhớ lại những thử thách mà mình đối diện, cha nói: “Nhiều tư giáo ngủ nướng ban sáng, một số trốn học, họ không đọc sách thiêng, cũng không nguyện ngắm. Cha thấy hết những mất trật tự đó và cha để mọi chuyện cứ xảy ra như thế đó. Nếu cha muốn bỏ đi mọi thứ bất trật tự ngay, cha đã phải đóng cửa nguyện xá rồi, và đuổi các trẻ đi hết, vì các tư giáo đã chẳng thích nghi được luật lệ khắc khe, và mọi người đã bỏ đi rồi. Cha thấy rằng, từ những thầy tư giáo ra đi nhiều người sẵn lòng làm việc, có lòng tốt, có nền luân lý được chứng thực, và, vượt xa nhiệt tình của tuổi trẻ, họ đã giúp ích nhiều lắm. Cha phải nói rằng một số linh mục của Tu hội này,vốn đã là thành phần của nhóm người đó, nay ở giữa những người làm việc hơn, có tinh thần giáo sĩ tốt hơn, đang khi họ lẽ ra chắc chắn đã bỏ đi hơn là chịu giữ một số quy luật khắt khe… Nếu mọi thứ phải hoàn thiện, cha đã bị giảm thiểu vào một số ít ỏi mà không làm được gì cả.”
Nghệ thuật biết chờ đợi làm sao
Như một nông dân giỏi, cha đã học chờ đợi, khi học tập và thực hành bài học kiên nhẫn. Cha nhớ nhiều lần mẹ cha nói ra một tục ngữ đầy khôn ngoan: “Nhờ tiến bước mà chú lừa điều chỉnh được gánh nặng”. Con lừa là phương tiện chuyên chở phổ biến nhất, an toàn và tiết kiệm. Hàng hóa hơn kém được san đều trong hai bao tải hay giỏ xách đặt trên hai bên của con vật. Suốt quãng đường, buộc phải xóc lên xóc xuống. Ký ức tuổi thơ này khiến sau này cha nói: “Khi gặp khó khăn, cha làm điều mà người ta làm khi đi đường và bị tảng đá lớn chắn ngang. Nếu các con không thể dời tảng đá đi, các con hãy nhảy qua hoặc đi vòng quanh nó. Hoặc các con hãy bỏ công việc còn dở dang, để không mất giờ chờ đợi không cần thiết. Tuy nhiên, đừng quên công việc ban đầu bị gián đoạn đó. Vì qua thời gian, trái cây mọng chín, con người thay đổi, những khó khăn được xuôi thuận”.
Đến cuối đời cha, con số hội viên ngày một tăng, cha không thể viết vài dòng cho từng hội viên. Cha gửi một thư luân lưu cho hết mọi Salêdiêng, cầu chúc họ một năm được Thiên Chúa chúc lành với nhiều sáng kiến. Vào ngày 6 tháng 01 năm 1884, cha viết: “Có phải chúng ta muốn lên thiên đàng trong một cỗ xe? thật ra, chúng ta đi tu không phải vui hưởng, nhưng, qua hy sinh, để lập công cho cuộc sống khác. Vì thế, các con thân yêu, hãy vững lòng. Hãy tiếp tục tiến lên. Nó khiến ta trả giá ư? Có nhiều khó khăn ư? Chúng ta hãy trả lời: phần thưởng lớn lao hấp dẫn ta; để xứng với phần thưởng đó, chúng ta không được sợ khó khăn chúng ta phải chịu”.
Sự chết thật “thân quen” ở nguyện xá Valdocco. Nhưng đó không phải là bầu khí nặng nề và bi thảm như một vài tác giả đã miêu tả. Mỗi tháng, cha cho các thiếu niên và Hội viên Salêdiêng dọn mình chết lành, một thực hành đạo đức đã có lâu rồi. Đó là chìm sâu vào các mầu nhiệm đời đời. Là nhà giáo dục vui tươi và rộn rã tiếng cười, cha tự nhiên tiên đoán cái chết cận kề của một số thiếu niên, không phải để hù doạ chúng, nhưng làm cho chúng yêu đời hơn nữa. Cha có thể làm lan toả bình an ngay cả khi nói về cái chết, bởi vì lời cuối cùng là về Thiên đàng. Cha nói về nó như một đứa trẻ nói về nhà của cha mình. Những thiếu niên chết ở Valdocco thanh thản và xác tín nói về thiên đàng như mái ấm của chúng. Chúng chấp nhận các sứ điệp từ bạn học và thày giáo của chúng, và qua đời với nụ cười tươi sáng trên khuôn mặt. Hẳn nhiên cha nhớ câu nói cha thích lặp lại: “Thiên Đàng thanh toán mọi sự”. Một cách thiết yếu, cái chết trở nên lời kêu nài tới sự tốt lành do một Thiên Chúa tha thứ, đón tiếp và thết đãi con cái mình.
Vì việc huấn luyện của cha, cha không hướng nhiều tới việc chấp nhận những hình thức đền tội quá đáng bề ngoài. Cha phải kiềm lại thiếu niên thánh thiện tên là Đaminh Saviô; cha ngăn cậu những kiểu hãm mình quá độ..Chỉ cho phép cậu “Kiên nhẫn chịu đựng với những lời xúc phạm nếu có ai xúc phạm con, kiên nhẫn chịu đựng nóng lạnh, gió mưa, mệt nhọc và tất cả những khó khăn về sức khỏe mà Thiên Chúa cho phép [xảy ra]”. Đây cũng là điều cha khuyên mọi người: “Để bù đắp nơi các con những đau khổ của Đức Giêsu, không thiếu cách thức đâu. Các cách thức đó là: nóng, lạnh, ốm đau, con người, những biến cố. Đây là những phương thế để sống một cuộc đời hãm mình.” Cha tóm kết những suy nghĩ bằng câu nói này: “Hôn thánh giá thôi thì chưa đủ; các con phải mang lấy nó”.
NHÂN VÀI DỊP CHA ĐƯỢC HỎI …
DON BOSCO THUẬT LẠI:
“Rất nhiều lần cha được yêu cầu để chia sẻ một vài điều về Hệ Thống Dự Phòng, mà chúng ta thường hay sử dụng trong các nhà chúng ta.”
Chuyển dịch kinh nghiệm giáo dục cha đã sống suốt 36 năm thành lời quả không dễ. Xem ra cha không thể diễn đạt điều gì là cốt yếu. Có những kinh nghiệm ghi dấu cuộc đời chúng ta, nhưng ta lại không thể luôn luôn viết chúng trên giấy tờ. Tuy nhiên, cha lại thấy khẩn cấp cần phải làm điều này.
Tu Hội chúng ta được Giáo Hội phê chuẩn ít năm trước (ngày 3 tháng 04 năm 1874), đang phát triển như hạt cải nhỏ bé như trong ngụ ngôn của Chúa Giêsu. Cuộc xuất phát truyền giáo đầu tiên vào ngày 11 tháng 11 năm 1875; rồi lại chuẩn bị cho lần khác nữa.. Tháng 11 năm 1875, hai linh mục, một tư giáo và một Salêdiêng sư huynh đã khởi sự một hoạt động giáo dục khiêm tốn (modest) tại Nice, với nguyện xá và trường nội trú dành cho các thợ thủ công, học sinh: Thánh Quan thày là Thánh Phêrô. Nice là một mảnh đất được vây quanh những cảnh quang tuyệt đẹp; từ tháng ba, năm 1860, Cavour chuyển nhượng Nice từ Ý cho Pháp trong hiệp định Turin.
Một lần khi đến thăm bốn hội viên Salêdiêng, cha quyết định viết vài điều. Cha ngồi vào bàn và bắt đầu viết. Sau nhiều lần sửa chữa và thêm bớt, cha viết được chín trang giấy.
“Bản văn ngắn gọn về Hệ thống Dự phòng” được sinh ra
Mọi người ưa thích bản văn ngắn gọn này, vì nói theo ngôn ngữ của người trẻ. Nay khi đọc nó, các con hãy ghi chú điều cha sắp nói. Cha tiếp cận thế giới người trẻ như cha đã từng làm giữa những công nhân trẻ tại Porta Palazzo hay trong nhà tù tối tăm tại Turin hoặc trong những sân chợi bụi bặm của Valdocco. Cha không coi thường bất cứ điều gì thuộc về khát vọng chính đáng và cao thượng của giới trẻ. Cha cố gắng tín trung với Thiên Chúa (giấc mơ đầu tiên đã và đang trở thanh hiện thực!) và những người trẻ, mà không từ chối bất kỳ điều gì mà cha xét là hữu ích và giá trị. Cha cảm thấy gắn kết với người trẻ và cái nhìn của chúng hướng đến tương lai. Không biết bao nhiêu lần cha nói với chúng, cha muốn tất cả được hạnh phúc “bây giờ và đời sau”. Kinh nghiệm ngày càng chứng thực rằng sự can đảm là đám yêu thương, dám biết hy vọng ra sao. Cha khuyên các Salêdiêng: “Chúng ta cần biết thời đại mình sống và thích ứng chúng ra sao”. Phải vừa uyển chuyển trong khoa sư phạm vừa trung kiên vững chắc! Khi nhấn mạnh đến sự trung tín, khi nói rằng các Salêdiêng phải làm chứng, chắc chắn cha không đòi các Salêdiêng phải sao chép lại cha. Cha sống trong thời kỳ đặc thù. Cha chịu ảnh hưởng bởi hình thức văn hoá độc đáo của thế kỷ 19. Sao chép cha có nghĩa là làm cho cha dần dần già cỗi và giản lược cha thành … một vật trong viện bảo tàng mà không ai, vì kính trọng, dám động đến. Đừng sao chép cha, nhưng làm cha sống lại. Năng động và trung thành với thời hiện tại! Sự trung thành có nghĩa là xin đừng sao chép cha nhưng làm sống lại bằng lòng trung thành của thời đại! Sự trung thành nghĩa là khảo sát kỹ càng những gì cha thực hiện như Đấng Sáng lập, và chuyển dịch nó vào hiện tại mà không chút sai lệch..
Ba cột trụ trong Hệ thống Dự phòng
Khởi điểm là lý trí. Không phải là sự áp đặt lạnh lùng và vô danh của luật lệ. Đối thoại với người trẻ. Biết được những âu lo của chúng, phân định những nhu cầu của chúng. Trẻ em luôn đứng hàng đầu. Cha sẵn lòng lắng nghe em với mối quan tâm chân thành. Cha tỏ ra tín nhiệm em. Phương pháp giáo dục của cha là phương pháp của sự tự do chân thật. Cha thâm tín rằng chỉ có được sự giáo dục chân chính ở đâu có tự do và kính trọng nhân vị. Và cha đề nghị: “hãy cho thanh thiếu niên tự do chạy nhảy, nói cười thoải mái. Thể dục, âm nhạc, kể chuyện, kịch nghệ, dã ngoại là những phương thế rất hiệu quả để giữ kỷ luật, giúp cho luân lý và sức khoẻ”. Cha chủ tâm nói ra một sự tín nhiệm có giá tri khôn lường: “Trải qua khoảng 40 năm với người trẻ, cha nhớ mình chưa từng dùng bất kỳ hình phạt nào”.
Hệ Thống Dự Phòng không áp đặt điều gì: trong trao đổi, cha đề ra nhiều điều. Cha cống hiến một tầm nhìn về thuyết nhân bản toàn diện lành mạnh trong đó trẻ em được can dự vào cách trọn vẹn. Cha quan tâm đến đào tạo các lương tâm. Cha nhấn mạnh: “Hãy để cho bản thân mình được lý trí chứ không phải đam mê hướng dẫn”. Cha chuẩn bị cho người trẻ đối diện với những thách đố của cuộc đời. Cha lay động chúng đến cảm thức về bổn phận, lao động và nghề nghiệp lương thiện. Cha đưa ra những lẽ sống cách trách nhiệm và vui tươi. Như cha đã viết trong lời nói đầu của cuốn Lịch Sử Thánh, mục đích duy nhất của cuốn sách là “soi sáng lý trí làm cho trái tim nên tốt”. Kinh nghiệm cho cha tin rằng tự bản tính người trẻ “thông minh để hiểu người ta làm những điều tốt cho bản thân chúng, và chúng cũng được ban cho trái tim nhạy cảm để dễ dàng nhận biết [điều ấy]”. Cách giáo dục của cha đòi hỏi nhiều, nhưng cống hiến còn nhiều hơn nữa.
Cha thừa hưởng từ bầu khí gia đình một đức tin đơn giản song mạnh mẽ. Tôn giáo là cột trụ thứ hai trong Hệ Thống Giáo Dục của cha. Cha tương quan với Thiên Chúa như một đứa trẻ với cha mình. Cha là một linh mục yêu mến Thánh Thể rất nhiều, đúng giờ và hiền phụ khi nghe trẻ em xưng tội và nhỏ vào trái tim chúng Thiên Chúa tha thứ và ôm ấp chúng. Khi liên tục giao tiếp với chúng, cha cố gắng tạo nên “những công dân lương thiện và Kitô hữu tốt lành.” cha không biết mệt để nêu ra cho chúng mẫu gương của Đức Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và Phù Hộ Các Giáo Hữu.
Chữ “Tôn Giáo” cha không muốn nói đến một việc đạo đức tách khỏi đời sống, nhưng đến việc diễn tả đức tin được nhập thể trong đời sống hằng ngày. Tôn giáo là “may một bộ quần áo tuyệt đẹp dâng Thiên Chúa” với mọi người trẻ, như đã xảy ra với Đaminh Saviô. Vì vậy, Hệ Thống Dự Phòng được chuyển dịch thành khoa sư phạm đi tới sự thánh thiện trẻ trung.
Không phải cha sáng chế ra phương pháp giáo dục này đâu. Một số vị thánh và rất nhiều nhà giáo dục đã thực hành phương pháp này rồi. Cha được làm giàu do nhiều người. Vì vậy, không ai có thể tự hào chỉ mình mới có thẩm quyền mà thôi. Hệ Thống Dự Phòng là thành quả của công việc nhóm kéo dài hằng bao thế kỷ. Sau khi nói thế, vì sự thật, cha cũng phải thêm rằng cha đã để lại dấu ấn của cha.
Cha muốn bàn đến nền tảng thứ ba của Hệ Thống Dự Phòng như cha sống. Cha trao lại cho các Salêdiêng như một di sản thánh thiêng, giống như một dấu xác nhận đích thực: Lòng Thương Mến. Một điều mà chính cha không sáng tác, song cha làm thành của mình. Nét tiêu biểu (độc đáo) trong cách giáo dục của cha. Là huy hiệu không thể nhầm lẫn trong khoa sư phạm của cha. Trong từ này cha dấu ẩn một kiểu (phong thái) yêu thương làm cho thày giáo đồng nhất với người trẻ, yêu mến cùng những điều chúng yêu mến, biến đổi mối tương quan giáo dục thành sự hiện diện phụ tử và huynh đệ, một sự hiện diện thân hữu và được ao ước, và biến môi trường giáo dục thành một “gia đình”. Nơi lòng thương mến, cha nhận được tất cả tình yêu từ người mẹ thánh thiện của mình; nơi đây, tinh thần gia đình được vọt trào ra; từ tinh thần này nảy sinh các công cuộc được gọi là “các nhà”; ở đây, những “ngôi nhà” này hít thở tình yêu thương, tin tưởng, kính trọng, cảm nếm việc ở với nhau và cùng nhau làm việc mà cha đã hấp thụ trong các môi trường nông thôn và sự thân thiện đầy cảm thông, lạc quan, nồng ấm tình người. Tình yêu như thế mới biến các nhà giáo dục thành “những người cha yêu thương”.
Trong 9 trang ít ỏi đó bàn về Hệ Thống Dự Phòng, nếu đọc kỹ, các con sẽ thấy rằng chữ “cõi lòng” hay lối nói tương đương được dùng tới 19 lần! Khi cha gặp các thanh thiếu niên hoặc viết cho chúng, cha quen dùng cụm từ “Các con thân yêu của cha”. Trong miền Piedmont từ ngữ cha sử dụng để mọi người hiểu cha rõ ràng hơn, chữ “con cái” không chỉ nói đến món quà sinh học; thậm chí nó cũng không thể đơn giản được dịch là “các đứa trẻ”. Từ ngữ đó gồm chứa một nghĩa rộng hơn và bao quát hơn: [nó nói đến] tình phụ tử thiêng liêng mà thánh Phaolô tự hào (Gl 4:19); một cách thực tiễn, cha dùng từ ngữ đó để chuyển dịch thành sự chăm sóc vật chất, thể lý, cơm ăn áo mặc, của ăn tri thức, sự nâng đỡ luân lý và tôn giáo. Khi cha nói về tình yêu, cha quy chiếu đến một sự hiện diện giáo dục. Quyền bính chú tâm phục vụ, kinh nghiệm trở thành bài học đời sống và tình yêu chuyển hóa thành trao ban, đề xuất và dâng hiến. Tình yêu trở thành qui luật không thể thay thế trong giáo dục. Khi đó, tình thân thiện sẽ đến cùng với sự cảm nếm tình yêu phụ tử chân thật, với hương vị ấm cúng.. Đến đây, cha thích nhớ lại điều mà một nhà báo người Pháp viết vào năm 1883, về bầu khí ngự trị tại Valdocco. Có lẽ hơi quá đáng một chút, nhưng nó diễn đạt một hiện trạng cụ thể. Nhà báo từ Pelerin nói: “Từ nơi này đến nơi khác, bạn đi như một gia đình.” Những đứa trẻ hiểu cha ngay; từ những người thụ nhận, chúng trở thành những vai chính nhiệt tình. Nhiều em đã ở lại bên cha. Cha bắt đầu đọc lại giấc mơ cha có khi còn bé nhỏ. Câu nói bí ẩn mà Người phụ nữ huy hoàng thốt lên: “Khi đến giờ, con sẽ hiểu tất cả”, đã bắt đầu có được một ý nghĩa sâu xa hơn và chân thật hơn. Cha nắm giữ và tin vào những giá trị giáo dục. Bằng chứng đó nằm trong đôi mắt cha: Những đứa con tinh thần của cha, những đứa trẻ mà cha chào đón và yêu thương hằng ngày tại Valdocco đang làm việc, như người đứng đầu các xưởng in có uy tín, giám đốc các trường học nổi tiếng, các nhà truyền giáo dũng cảm tại Áchentina. Cha có thể nói rõ ràng: “Tu Hội không có gì phải sợ. Tu hội có những người thiện nghệ.” Cha nhìn thấy nhiều cảnh quan trong những giấc mơ: “Những thú vật trở thành những chiên lành…nhiều chiên lành lại nên những mục tử chăm sóc những người khác. Những mục tử-thiếu niên đang tăng số, tách ra và đi đến nơi khác để tập hợp những thú vật xa lạ và dẫn chúng vào các đàn chiên khác”.
Với ân sủng của Thiên Chúa và sự trợ giúp hiền mẫu của Mẹ Phù hộ Vô nhiễm, khoa sư phạm của tình yêu, sự kỳ diệu của đức ái đã chiến thắng. Nơi mọi miền trên thế giới, nó đã tăng trưởng như gia sản của cha: Da mihi animas! Xin cho tôi các linh hồn! Linh hồn của giới trẻ!
AI ĐƯỢC YÊU MẾN THÌ ĐƯỢC MỌI SỰ, CÁCH RIÊNG TỪ GIỚI TRẺ
DON BOSCO THUẬT LẠI:
một ngày nóng và ngột ngạt, cha bước trên đường phố Turin đồng hành với cha có cha Rua và một Salêdiêng, chợt cha bắt gặp một cảnh tượng, làm lòng cha tràn ngập nỗi buồn: một thiếu niên khoảng chừng 12 tuổi đang vất vả đẩy chiếc xe ba bánh chất đầy gạch trên con đường gồ ghề đầy gạch đá. Em đang thực tập xây cất, ốm yếu và nhỏ người, không đủ sức để đẩy một khối nặng hơn sức khoẻ của em; em đang khóc trong tuyệt vọng. Cha rời các Salêdiêng, chạy đến cậu bé tội nghiệp đó. Em chỉ là một giữa muôn đứa trẻ đang lớn lên dưới những ông chủ vô nhân tới mức đánh đập và chửi mắng, trong thành phố Turin lúc đó được lộng lẫy với những toà nhà cao đẹp. Cha bị đánh động vì những giọt lệ lăn tròn trên khuôn mặt cậu. Cha tiến lại gần, mỉm cười cùng một cái gật đầu nhẹ của tình bạn, và giúp cậu đẩy chiếc xe chất đầy gạch tới khu vực đang xây cất. Mọi người đều ngạc nhiên nhìn thấy ở đó một linh mục với chiếc áo thâm chùng; tuy nhiên, cậu bé hiểu ngay là cha yêu thương em, nếu cha ở bên cạnh cậu giống như một cử chỉ liên đới và giúp đỡ thực sự.
Cha thích nhớ lại sự kiện này, giữa nhiều điều khác, vì cha coi đó là một dấu hiệu cha yêu thương người trẻ thật nhiều. Tình yêu không được tạo bằng lời nói, tình yêu nói thẳng cho con tim ngay. Cha chắc chắn điều này: con đường đi đến với trái tim là điều thuyệt phục hầu hết mọi người và xoá tan mọi kháng cự và ngờ vực có thể có.
Một buổi chiều đáng nhớ
Cha xúc động ghi nhớ chiều ngày 26 tháng 1 năm 1854, như thể nó xảy ra hôm nay. Sau giờ cầu nguyện, cha tập trung bốn thanh thiếu niên (từ 16 đến 20 tuổi, những người đã ở với cha trong thời kỳ đầu của nguyện xá) trong căn phòng chật hẹp của cha. Cha sắp cống hiến cho họ “một thử nghiệm thực thi cụ thể đức bác ái dành cho những người xung quanh”. Cha không thể đi quá xa. Nếu cha đã từng nói với cha có ý định thành lập một Tu Hội tôn giáo, cha hẳn đã không đạt được mục đích. Đó là thời khắc mà với một nét bút, nhiều nhóm thày dòng và nữ tu bị đàn áp. Khôn ngoan hơn là hỏi xem họ có muốn ở lại với cha và giúp cha làm việc với người trẻ. Cha theo gương Chúa Giêsu khi nói cho các môn đề đầu tiên: đến mà xem. Kể từ buổi chiều hôm đó, lần đầu tiên chúng tôi gọi nhau là các “Salêdiêng”. Chúng tôi khởi sự khi chăm chú nhìn vào thánh Phanxicô Salê – nhà quán quân của sự tốt lành và tử tế theo Tin Mừng. 18 năm trước, khi được thụ phong linh mục, giữa những quyết định cha đã chọn: “Đức ái và sự ngọt ngào của thánh Phanxicô Salê sẽ hướng dẫn tôi trong mọi sự.” Trong trái tim cha, chiều đó, Tu Hội Salêdiêng được khai sinh; Tu hội ấy sẽ chỉ được phê chuẩn dứt khoát 20 năm sau mà thôi! Cha đã đảm nhận một hành trình lâu dài và khó khăn, một Đường Thập Giá thực sự, cha đoan chắc các con đấy. Nhiều đến nỗi những năm sau cha thú nhận: “Nếu cha biết trước việc thành lập một tu hội sẽ trả giá với rất nhiều buồn phiền, khó khăn, chống đối và mâu thuẫn đến thế, có lẽ cha đã không đủ can đảm đảm nhận việc này”.
Toàn vẹn trái tim
“Việc thực thi bái ái cụ thể” mà cha đề ra cho Nhóm đó không phải là giấc mơ hão huyền. Đó là một chứng từ cha đã thực hiện nhiều năm.. Đây không phải là “nỗi ám ảnh” cố định của cha; nó là ý định cha đành cho các thanh thiếu niên. Sau này, một ai đó sẽ gọi nó là “đức ái mục tử”. Hệ Thống Dự Phòng không chỉ đơn thuần là hệ thống của sự hiền dịu, nhưng “là sự hiền dịu đươc xây dựng thành một hệ thống”. Cha không thốt lên câu cuối cùng này. Nó do một hội viên Salêdiêng viết lên; Cha biết người đó khi còn là một thiếu niên thường xuyên đến xưng tội với cha trong những năm cuối đời của cha. Nền tảng là Thiên Chúa yêu thương được Đức Giêsu mặc khải. Cha yêu mến giới trẻ vì cha biết Thiên Chúa yêu mến chúng. Cha không hề dửng dưng trước bất kỳ đứa trẻ nào; và từ đó, vì chúng, cha học những cách thức tốt nhất để làm điều tốt và đưa đến gần Thiên Chúa hơn. Với kinh nghiệm thu được sau nhiều năm, cha càng thâm tín rằng cha không thể ngừng ở đứa trẻ trước mặt cha, nhưng cha phải thấy nơi em một người của tương lai. Cha phải làm việc với một viễn cảnh hướng về tương lai.
Chính vì thế, cha thường được chuẩn bị đón nhận những sự hy sinh để đạt được những lý tưởng cao quý; cha không chỉ hài lòng trải rộng ra đủ, nhưng còn mong đợi những điều tốt đẹp từ mỗi người và mọi người. Cũng vì cha tín nhiệm không lay chuyển vào những tiềm năng của họ. Niềm hy vọng luôn nâng đỡ cha; vì thế, cha khuyến khích những cộng sự viên: “Có thể đối với một số người, hình như các lao nhọc và mồ hôi của các con trôi theo làn gió. Vì lẽ lúc này điều ấy xem ra đúng. Nhưng không phải mãi mãi đâu. Không đúng thậm chí đối với những người xem ra ngang ngạnh hơn. Những đặc điểm của sự hiền dịu mà các con áp dụng cho họ, vẫn in đậm trong lòng trí họ. Sẽ đến lúc các hạt giống tốt sẽ nảy mầm, trổ sinh hoa thơm và mang lại trái ngọt”.
Trong những năm cuối đời, cha trải nghiệm được phần thưởng khi thấy làm cách nào cha đã có thể hình thành “một đội ngũ” Salêdiêng, từng người rất khác nhau song hiệp nhất và chấp nhận cùng một đam mê giáo dục. Vì vậy, cha có thể tăng cường nhiệt huyết nóng cháy và không yên của một Cagliero, lòng trung thành bền bỉ của một Rua, sự ân cần của một Francesia, sức mạnh báo chí của một Bonetti, sự bình thản làm nguôi ngoai của một Alasonatti, lòng trung thành không lay chuyển của một Buzzetti, thiên tài trí tuệ của một Cerruti, tinh thần dũng cảm của du kích trước kia như Fagnano…. Như những năm tháng trước, cha có thể tập trung sự hung hăng nhiệt nồng của một Micae Magone, tính ngay thật của một Phanxicô Besucco, tính chất tông đồ lớn dần của một Đaminh Savio hướng tới một lối đường nên thánh mới mẻ và không thể tưởng cho tuổi trẻ. Cha được vây quanh bởi những người trẻ, và cha không sợ tỏ cho họ con đường hấp dẫn và đòi hỏi là [con đường] của cam kết Kitô hữu, của sự ngay thẳng, của tình yêu đối với công việc được làm “với sự xác đáng cao cả”, của niểm vui thánh thản và lây lan, của nu cười và niềm đam mê sống.
Nền giáo dục được cá nhân hóa
Dù cha làm việc với rất nhiều người trẻ, thì lời dạy của cha không bao giờ là sản xuất hàng loạt, vô danh, tổng quát hoá. Nó luôn được cá vị hoá. Cha thường có một cuốn sổ đặc biệt: trong đó cha ghi nhận diện mạo của từng trẻ: tính khí, phản ứng, lỗi lầm nhỏ bé nào đó, và loại vốn giữ cho một người khôn ngoan tỉnh thức, sự tiến bộ được tường trình trong học hành và hạnh kiểm. Cha dùng số ghi chép này để đồng hành với từng em một. Cha sử dụng cùng một phương pháp để khuyên những ai đang phục trách dạy giáo lý. Đó là quyển sổ của kinh nghiệm. Trong đó, các giáo lý viên phải ghi lại những vấn đề, những lỗi lầm đã xảy ra trong trường, ở bên ngoài và bên trong, trong sân chơi, và bất kỳ nơi nào. Cha khuyên các giáo lý viên thỉnh thoảng đọc những ghi nhận này, những biện pháp được dùng và thành quả đạt được. Đây là trách vụ kiểm chứng liên tục các điều cần chú ý và hiện diện liên tục. Vì thế, trong khảo luận ngắn gọn về Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng, cha định nghĩa nhà giáo dục là “Một cá nhân tận hiến cho học sinh của mình, sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề, cố gắng hết sức để đạt được mục đích mình là giáo dục dân sự, luân lý và khoa học cho học sinh mình”.
Cha mơ về nhà giáo dục là một “người nâng đỡ”, một người luôn “đứng bên cạnh” người trẻ; nhà giáo dục biết từng người trẻ và xin từng người được biết đó đáp lại. Giống như Người Mục Tử Nhân Lành biết từng con chiên và các chiên biết Người.
“BẮT ĐẦU DẠY NGAY CHO CHÚNG TỘI LỖI THẬT XẤU XA VÀ NHÂN ĐỨC TUYỆT ĐẸP”
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Ngày nay nói về Chúa Giêsu Kitô cho giới trẻ và làm cho ngài nên hữu hình đối với họ quả là không dễ. Nhưng không phải là không thể. Nhiều điều khiến giới trẻ chia trí. Xem ra chúng không thể đến gần được khi bàn về tôn giáo. Song đây chỉ là ấn tượng nông cạn. Trong thời đại của cha cũng giống như ngày nay, vấn đề không phải là nói về Chúa Giêsu cho bằng là cách thức và giọng điệu, lưỡi câu để bắt chúng. Điều này có vẻ kỳ lạ, nhưng một số giáo tiếp của cha với những người trẻ đã không diễn ra trong phòng thánh, hay dưới bóng nhà thờ. Hoàn toàn ngược lại! nhiều cuộc gặp gỡ bắt đầu tại các quảng trường Turin, hoặc một trong những rất nhiều con hẻm của trung tâm lịch sử thành phố.
Lúc khởi sự tác vụ linh mục của cha, cha Cafasso, là một người bạn linh mục mà cha chọn là linh hướng, cho cha một lời khuyên vàng: “Đi vào thành phố và hãy nhìn xung quanh con.” Cha phải gặp những người trẻ tại những nơi chúng tụ tập. Nếu chờ đợi để gặp chúng tại nhà thờ, cha đã mất nhiều giờ và cả ngàn cơ hội. Cha phải vươn đến chúng trong lãnh địa của chúng, ở nơi công cộng. Điều này thật đáng thử nghiệm.
Chiếc áo thâm chùng
Thoạt đầu, chúng thật thô kệch, thờ ơ, đôi khi bạo lực, mau chóng ẩu đả và rút dao ra. Nhìn xung quanh (như cha Cafasso có nói với cha), cha bắt gặp rất nhiều người trẻ,. Dường như đối với cha chúng đang tìm bất kỳ hình thức giải trí nào, bởi vì tận bên trong, chúng không biết làm sao để hạnh phúc. Chúng nhếch mép nhưng không cười. Sau khi văng tục và những lời thô lỗ, hoặc một vài biểu diễn, bùng vỡ giây lát tiếng cười khả ố và la hét, nhưng rồi đột nhiên một sự im lặng không thực ụp xuống chúng, một loại trống rỗng. Ban đầu cha cha phải làm ngơ một vài lời nói và thái độ. Rồi, sau một lát, cha có thể bắt đầu trò chuyện. Chúng tò mò, song sự hiện diện của một chiếc áo chùng thâm dường như không làm chúng bối rối. Thường thì cha kết thúc trong một quán rượu, bằng một hay hai chai rượu. Những người tốt nghĩ cha thiếu sự đoan trang giáo sĩ, nhưng đối với cha, đó là cơ hội diệu kỳ mà cha sẽ không bỏ lỡ vì vàng bạc trên thế giới. Cha quan tâm đến đời sống của chúng, hỏi về gia đình chúng, cha biết xem chúng có làm việc không. Đoạn cha đưa ra một câu hỏi về đời sống Kitô hữu của chúng. Rồi cha sẽ kết thúc cuộc trò chuyện, mời chúng đến nguyện xá, dù chỉ là để xem thôi. Hầu hết các lần mời đều thành công. Ngày Chúa Nhật tiếp theo, cha thấy hầu hết tất cả chúng đều hiện diện tại nguyện xá, một số xếp hàng chờ được mẩu bánh mì và một lát xúc xích, những người khác chỉ nói lời chào hỏi. Thậm chí một vài em đến xưng tội. Cha biết mình đang đi ngược dòng và gây ra chút bất an nào đó giữa các linh mục. Nhưng, cha muốn [gặp gỡ] những người trẻ, không phải từ một chủ nghĩa cha chú bị giảm thiểu; KHÔNG. Song vì cha thấy thương chúng và chúng xứng đáng có được điều tốt hơn. Cha muốn chúng bởi vì cha muốn yêu chúng, lắng nghe chúng, chú tâm đến chúng và kính trọng chúng.
Sống giữa thanh thiếu niên, cha càng ngày càng thâm tín rằng những người trẻ thiếu những câu trả lời, và chúng muốn trao đổi nghiêm túc với thế giới người lớn. Chúng không muốn những người la mắng chúng như bất đồng, hoặc tệ hơn – lên án chúng. Chúng đang tìm kiếm những người lớn có khả năng đối diện với chúng và thách đố chúng, nhưng trên hết, có thể thông cảm và yêu thương chúng. Vì lẽ này, chúng cần những người lớn trong cuộc sống ngày qua ngày của chúng, chứ không phải thỉnh thoảng hay từng chặp. Người trẻ cần người lớn có thời gian, có nhiều giờ, không vội vàng và không hình thức. Với những thiếu niên này, cha đã học là người bạn của chúng, cùng một lúc cha đã học “để là một linh mục” khi cha ở Học viện giáo sĩ. Đối với cha, làm việc với và cho người trẻ hoàn thành giấc mơ mà cha say sưa suốt đời. Cha nhận ra rằng niềm nhung nhớ duy nhất khả dĩ trong hoàn cảnh này là nỗi khao khát cho tương lai, hay nói cách khác, một hành vi đức cậy. Để đạt được lý tưởng này, cha từng nói: “chúng ta cần nhận biết thời đại ta sống và thích ứng với nó”. Điều này không đến từ bất kỳ cảm thức nào về thuyết định mệnh, cũng không vì thiếu các mục tiêu, mà bởi vì cha muốn các thanh thiếu niên nhìn cuộc đời như một cuộc hành trình đi đến tự do vốn phải được thủ đắc ngày qua ngày. Các thanh thiếu niên phải chấp nhận và đối diện với phần số của chúng và những thách đố cuộc đời. Cha thường nhắc nhở các trẻ của cha: “Khôn ngoan là nghệ thuật biết cách kiểm soát ý muốn của mình”.
Đó là Ý Chúa
Cha cũng thường nói cho những em tốt nhất và quảng đại nhất rằng: “Đừng phí giờ, hãy làm tốt, hãy làm tốt bao có thể và các con sẽ không hề hối tiếc.” Và cha quen thách đố chúng: “Nếu một linh mục nghèo hèn hầu như chẳng có gì, hay còn kém hơn là chẳng có gì, mà còn khiến mọi người chú ý nơi chúng ta đang ở bây giờ, bất chấp chống đối ở mọi phía, thì TC hy vọng bao nhiêu điều tốt từ 300 người trẻ khỏe mạnh, được giáo dục tử tế, có nhiều thiện chí và tất cả những phương thế có tác động mà bây giờ đang tuỳ chúng ta sử dụng?” Ta cần giải thích câu cuối cùng này. Cha nhớ rất rõ khi nói điều này. Chính vào đầu năm 1876, khi cha họp thường niên với các Giám đốc. Cha đã lắng nghe hết mọi cộng sự viên của cha, các Salêdiêng mà trước đây cha đã nhận vào nguyện xá từ lúc còn là niên thiếu. Họ làm cha xúc động với những câu chuyện về những điều kỳ diệu mà họ làm ở các thị trấn và các thành phố khác nhau, ở Ý, Pháp, Áchentina. Tất cả điều này đã bắt đầu 30 trước tại ngôi nhà kho nhỏ Pinardi. Trái tim cha ngập đầy cảm xúc khi được sống lại những kinh nghiệm mà cha đã từng có, cùng với mẹ của mình: “Khi chúng ta mới bắt đầu, ở đây là gì nhỉ? Không có gì, thật sự là không có gì. Nơi đây và toàn khu vực xung quanh là những cánh đồng ngô và cải bắp, một vài vườn nuôi gà và chẳng có gì khác. Ở giữa có một túp liều dùng làm một quán rượu, bên ngoài trông tồi tàn và bên trong thậm chí còn tệ hơn. Không chỉ vậy, đó cũng là nhà chứa. Cha đã từng theo những người trẻ tệ nhất và hoang dại nhất. Chúng đến đó. Chúng không muốn nghe về trật tự hay kỷ luật. Chúng chế giễu những điều thuộc đạo giáo. Song chúng chẳng biết tí gì về đạo giáo cả. Họ từng quen thề độc, xúc phạm danh thánh Thiên Chúa. Ở đó, cha chẳng thể làm gì được.…. Cha là một linh mục nghèo, lẻ loi, bị mọi người bỏ rơi. Thực ra, còn tệ hơn thế nữa, bởi vì cha bị bách hại và bị khinh thị. Cha đã có ý niệm mơ hồ là làm một số điều tốt nơi đây, trong chốn này, và làm điều tốt nào đó cho những đứa trẻ nghèo này. Ý nghĩ này hướng dẫn từng bước và từng hành động của cha. Cha muốn làm điều tốt, thật nhiều, và cha muốn làm tại đây. Lúc đó, xem ra điều này chỉ là một giấc mơ hão của một vị linh mục nghèo. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho giấc mơ ấy thành sự thật. Thiên Chúa hoàn thành ước ao của vị linh mục nghèo này. Cha không biết các việc này được xảy ra làm sao. Nhưng cha biết rõ điều này: đó là ý Chúa.” Chính niềm hy vọng này được xây trên tin tưởng và khôn ngoan mới nâng đỡ cha trong những khởi đầu khó khăn và tế nhị này.
Những người trẻ mà cha biết, những người trẻ này cha đã gặp trở thành thiết thân với đời cha, [chúng] đều có giấc mơ riêng. Bất cứ ai đến với chúng trước, sẽ chiếm được chúng. Cha càng thêm xác tín rằng nếu cha không thể làm điều gì đó cho chúng đúng lúc, thì một người nào đó sau này chụp giữ chúng, và họ sẽ đánh cắp tuổi trẻ của chúng. Sau khi dành cả đời cho thanh thiếu niên, cha có thể nói rằng, tổng quát hoá và tố cáo chúng là không cố gắng, như thể chúng chẳng có trái tim, quả thật sai lầm. Là nhà giáo dục, chúng ta không thể minh xác như thế, bởi vì chúng ta biết chúng không đúng. Ngày nay cũng như trong quá khứ, chúng nên lười biếng khi chúng không có lý tưởng. Chúng không yêu mến hy sinh vì hy sinh được trình bày cho chúng không có tình yêu. Nay, ai tốt hơn một linh mục, hay một nhà giáo dục có đức tin có thể cống hiến cho giới trẻ một lý tưởng xứng đáng cho chúng? Mọi sự đều tốt lành, công bằng, cao quí hay mỹ miều trong những ý thức hệ khác cũng được tìm thấy là tốt đẹp hơn trong đức tin Kitô hữu. Chính vì thế, cha có thể theo gương thánh Phanxicô Salê và cha vui sướng dâng hiến cho người trẻ một hình thức của thuyết nhân bản nhìn lên tới Đấng Vô biên. Chúng được cứu thoát khỏi tội lỗi xấu xa chỉ khi chúng ta chỉ cho chúng thấy các nhân đức thật cao đẹp.
HỆ THỐNG DỰ PHÒNG PHẢI THỰC SỰ LÀ CỦA CHÚNG TA
DON BOSCO THUẬT LẠI:
Ngày 27 tháng Tư, 1876, cha đang ở Roma. Hôm đó, cha viết một lá thư dài gởi cho cha Cagliero, người mà năm tháng trước, đã rời đi Achentina như người lãnh đạo cuộc xuất phát truyền giáo đầu tiên. Cha thông tin cho ngài một vài sáng kiến.
Chắc chắn không phải là một tình trạng thoải mái dễ dãi. Nợ nần gia tăng vì không tương xứng. Những tranh cãi pháp lý tế nhị đã nảy sinh và vẫn không được giải quyết. Có vấn đề lâu đời trong những mối tương quan căng thẳng với Tổng Giám mục Turin và những vấn đề không thể né tránh của một Tu hội mới ổn định, đang khi cùng lúc, hoạch định trải rộng trên vài chiến tuyến. Chính trong những năm này mà cha đã tìm trợ giúp từ chính phủ, chỉ ra những phí tổn khổng lồ liên can đến những chuyến truyền giáo đầu tiên. Cha nghĩ mình làm đúng bởi vì chăm sóc nhiều gia đình Ý tha hương ở Achentina là một trách vụ giữa nhiều trách vụ được giao phó cho người Salêdiêng. Có một tờ báo Turin, tờ Gazzetta del Popolo, không tha cho cha. Cha chịu châm biếm, phê bình và nhiều chống đối. Một trong những cây bút của tòa soạn kết thúc bài viết nói rằng: “Liệu con số khổng lồ của những người trẻ bị tẩy não tại Valdocco chưa đủ ư? Nếu có thêm bất kỳ những Don Bosco, chúng ta sẽ hoàn thành như những kẻ đần.” Cha không nản lòng vì loại chỉ trích rẻ tiền đó. Cha thường nói với các Salêdiêng: “Thiên Chúa đang kỳ vọng những điều vĩ đại từ chúng con. Chính các con sẽ kinh ngạc và thán phục. Một điều Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta là không bao giờ trở nên bất xứng với sự tốt lành và lòng xót thương vĩ đại của Ngài.
Lời khấn thứ tư của người Salêdiêng
Cha luôn nhấn mạnh rằng chúng ta phải trung thành với phong thái (kiểu cách) giáo dục của mình. Những năm tháng kinh nghiệm đã minh chứng giá trị của nó. Khi Tu Hội Salêdiêng đang lan rộng đến nhiều quốc gia, cha càng thâm tín rằng Hệ Thống Dự Phòng phải trở thành gia sản không thể di nhượng của chúng ta, và trung tâm mà toàn công cuộc giáo dục Salêdiêng xoay quanh. Chính nó tạo thành căn tính biệt loại cho công cuộc Salêdiêng chúng ta. Là người sáng lập, cha chịu trách nhiệm về sự hiệp nhất trong ý hướng và hành động. Lúc đầu, vì những lẽ khá hiển nhiên, phong thái giáo dục đó được đồng nhất mật thiết với con người cha. Hệ thống Dự Phòng không phải là kết quả của các nghiên cứu học thuật. Nó là hoa quả của một kinh nghiệm về lối thiêng và giáo dục. Cha không trao cho các Salêdiêng một bản văn khoa học được chỉnh sửa cẩn thận tại bàn giấy. Điều cha truyền lại cho họ là niềm đam mê cha dành cho người trẻ. Cha cống hiến cho họ chứng từ của tất cả kinh nghiệm đời sống của cha. Hệ Thống Dự Phòng chứa đựng những giá trị mà cha hằng tin tưởng; những giá trị đó hằng hướng dẫn cha ngay cả trong những thời khắc khó khăn, không chắc chắn và thử thách.
Không phải người ta, thậm chí các Salêdiêng nữa, hằng thông cảm (hiểu) cha trọn vẹn. Tuy nhiên cha có thể nói, cha biết rõ họ. Cha biết họ được chuẩn bị tốt, chăm chú và quảng đại. Cha có thể thấy họ có thể làm những hy sinh anh hùng. Tuy nhiên một số làm cha thất vọng. Cha nhớ lại một tình cảnh tiêu biểu. Đó là vào năm 1885. Cha hầu như loà rồi, đôi chân cha sưng phù đáng sợ. Cha đang tiến về những ngày cuối đời mình. 593 Salêdiêng trải khắp nước Ý, Pháp và Tây Ban Nha và 200 người trẻ bạo gan khác cũng đang chuẩn bị gia nhập! Chúng ta đã ở Nam Mỹ suốt 10 năm, trước tiên ở Achentina, rồi ở Uruguay và cuối cùng là Braxin. Những biên giới đang nới rộng. Cánh đồng làm việc thật khổng lồ. Những thách đố phải đối diện và những hy sinh phải chịu quả là khôn lường. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, trước khi những lá thư cảnh báo đến Turin. Có lẽ vì kính trọng, họ không nói cho cha, nhưng nói cho vài Bề trên khác. Tin tức lẻn vào qua các hành lang của Valdocco – một hoặc hai từ mà cha nghe được, trò chuyện bị ngắt ngay khi cha đến, một lá thư bị dấu vội trước mắt cha… nhưng rốt cục các sự việc đều đến tai cha. Rất buồn và nản lòng, cha biết rằng trong một vài nhà ở Áchentina, đặc biệt là cộng đoàn ở Almagro, họ không còn theo Hệ Thống Dự Phòng nữa; họ theo lối tiếp cận cộc cằn, đôi khi đánh các thiếu niên và sử dụng các hình phạt thể lý. Cha phải diễn đạt lập trường. Cha mệt mỏi và cơ thể của cha cực kỳ rã rượi, dưới sức nóng không ngớt như thiêu của mùa hè. Nhưng giữa ngày 14 và 16 tháng 8, cha viết ba lá thư. Lá thư thứ nhất gởi cho Đức cha Cagliero, được đặt định làm Giám mục vài tháng trước; lá thư thứ hai gởi cho cha Costamagna, Giám đốc tại Almagro, và lá thư thứ ba dành cho một linh mục trẻ. Cha cẩn thận không theo lối tiếp cận thô kệch. Khi viết cho “cha Costamagna yêu dấu và luôn yêu thương” cha gợi nhắc ngài rằng “Hệ Thống Dự Phòng thực sự thuộc về (của) chúng ta.” Với câu này, cha muốn khẳng định lại sự trung thành tuyệt đối với phương pháp giáo dục của chúng ta. Đây không chỉ là thứ tưởng tượng của cha hoặc một khái niệm cố định. Nó là vấn đề bảo vệ và gìn giữ yếu tố bất khả thế của phương pháp giáo dục của chúng ta. Cha khuyên nhủ những người khác cũng thực hành “Đức ái, kiên nhẫn và hiền dịu” và cha xin họ: “Hãy để mọi hội viên Salêdiêng trở nên bạn của mọi người, mau mắn tha thứ và sẵn sàng quên hết, một khi con đã tha thứ. ”
Đây là những lời nhắc nhở đơn sơ cha gởi đi trong tinh thần gia đình vốn làm cho mọi người có thể chấp nhận ngay cả điều thoạt tiên như thể là những trách vụ khó khăn hay những sửa bảo mà có thể dẫn đến nản lòng. Sau này, cha nhận được những lá thư làm cha được an ủi nhiều.. Cha khám phá ra rằng nhiều hội viên chúng ta ở Áchentina chép lại các bức thư đầu tiên của cha, và còn trung thành với những hướng dẫn trong đó. Thực vậy, một số hội viên tự nguyện làm thành một loại lời khấn là họ luôn sống Hệ Thống Dự Phòng (như thể nó là lời khấn thứ tư của người Salêdiêng) và họ canh tân lời khấn này hàng tháng.
Dù cách hàng ngàn cây số, cha vẫn là người cha và là bề trên của họ. Cha biết rằng Tu Hội non trẻ chúng ta cần sự duy nhất và bền vững; cha biết rằng tương lai của Tu hội tuỳ vào sự trung thành với tinh thần cội nguồn của nó, nói cách khác, vào phương pháp và phong thái giáo dục mà đã từng làm đặc trưng cuộc sống tại Valdocco.
Cùng một tâm hồn
Cha luôn làm như thế. Năm 1872, khi Tu hội Con Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu được thành lập, cha đã không thể cho họ sự nâng đỡ mà cha biết là cần thiết, nhất là lúc khởi đầu, vì vậy cha gửi cha Cagliero đến Mornese. Ngài là một Salêdiêng mà cha hoàn toàn tín nhiệm. Cha cho ngài chỉ thị này: “Con biết tinh thần của Nguyện xá và Hệ Thống Dự Phòng của chúng ta. Làm cho giới trẻ yêu mến, lắng nghe và vâng phục con, đó là chìa khoá. Con đừng làm cho bất kỳ ai trong chúng cảm thấy xấu xa. Con hãy giúp chúng ngày đêm với sự tỉnh thức hiền phụ, đức ái kiên nhẫn và luôn luôn hiền dịu.” Cha không muốn dập tắt bất kỳ sáng kiến cá nhân nào, hay áp đặt các thái độ và hoạt động phải được lặp lại cách đơn điệu. Điều cha muốn nhấn mạnh là đoàn sủng và phong cách giáo dục của chúng ta. Cha nhấn mạnh đến sự trung thành với Hệ Thống Dự Phòng trong việc đồng hành với thanh thiếu niên khi chúng lớn lên, khi yêu thương chúng và làm cho mình được yêu.
Cha Francesco Bodrato, một giáo viên cũ ở Mornese hiểu rõ điều này. Cha đã vài lần trò chuyện thú vị với ngài vào năm 1864. Ngài sau này trở thành hội viên Salêdiêng. Năm 1876, cha đặt ngài lãnh đạo cuộc xuất chinh truyền giáo lần thứ hai. Ngài gửi cho cha một lá thư rất âu yếm trong đó ngài viết mà không sợ mâu thuẫn: “chúng con sống như Don Bosco”. Những lời này không làm cha tự hào, nhưng chúng làm trái tim cha rộn rã niềm vui và hy vọng. Một lần nữa, những lời đó tỏ cho cha rằng công việc giáo dục theo phong cách dự phòng của đức ái Tin Mừng sinh nhiều hoa trái trên những vùng đất xa xôi.
Khi viết cho Giám mục Cagliero vào tháng Hai, 1885, cha tóm lại toàn bộ công việc giáo dục của chúng ta bằng một câu nói bất hủ được sinh ra từ kinh nghiệm lâu dài và tích cực: “Hãy làm cho mình được yêu, thay vì kính sợ.” Những lời huyền nhiệm mà cha được nghe trong giấc mơ cách đây 60 năm trở lại với cha. Cha không hề quên: “con phải chiếm được những người bạn này, không phải vì nắm đấm nhưng với sự hiền dịu và yêu thương”. Nay, cha bắt đầu hiểu [chữ] “mọi sự”, như trong giấc mơ đã nói.
Nay cha thấy phương pháp yêu thương và hiền dịu này được con cái thiêng liêng của cha chấp nhận và sống khắp nơi trên thế giới. Cha biết rằng giới trẻ khắp nơi dưới bầu trời này sẽ tìm thấy nơi mọi người Salêdiêng một Don Bosco khác – có cùng một tấm lòng, cùng một tình yêu, cùng một đam mê…
PHỤ LỤC
TÁI KHÁM PHÁ HỆ THỐNG DỰ PHÒNG
Khi nghĩ đến kinh nghiệm của Don Bosco như một nhà giáo dục, chúng ta được mời gọi để làm cho kinh nghiệm đó sinh động lại cách trung thành trong thời đại chúng ta. Chắc chắn chúng ta đều thâm tín rằng theo một số diễn ngữ và giải thích đặc thù, Hệ thống Dự phòng của ngài tỏ ra “cũ kỹ” theo mức độ nó được liên kết với một thế giới mà không còn hiện hữu nữa. Thực vậy, đã có một chuỗi những “cách mạng” trong các lãnh vực sư phạm, tâm lý, tôn giáo, chính trị, văn hóa, triết học, kỹ thuật và nhân khẩu học (demographical) trong dòng thế kỷ XX. Nay thế giới thực sự trở thành “một ngôi làng toàn cầu.” Nó đầy những đổi mới không dứt trong lãnh vực đa phương tiện (truyền thông) trên phạm vi rộng lớn thế giới; chúng ảnh hưởng đến tất cả mọi nền văn hóa trên hành tinh này. Cách suy nghĩ của các dân tộc rõ ràng được ghi dấu bằng những tiêu chuẩn văn hóa mới về sản xuất, hiệu quả, tư lợi, tính hợp lý khoa học (scientific rationality). Vì thế, theo cách nhìn như thế vào những hiện tượng xã hội, nhiều phạm trù cũ xưa dùng để giải thích chúng ngày nay xem ra lỗi thời.
Để thực thi Hệ thống Dự phòng đúng đắn, chúng ta không nên lập tức nghĩ về những chương trình và công thức, hoặc lặp lại “những khẩu hiệu” hữu ích và thích hợp cho mọi hoàn cảnh. Đúng hơn, ngày nay chúng ta phải gắng sức hiểu phương pháp của Don Bosco từ một viễn cảnh lịch sử. Chúng ta phải ý thức rằng những hoàn cảnh đặc thù của thời đại đó đã làm nảy sinh ý tưởng cơ bản độc đáo, những lý thuyết về thần học, nhân học, mục vụ và sư phạm mà ngài nghĩ là thích hợp cho thanh thiếu niên của thời ngài. Hiểu lịch sử như thế sẽ giúp chúng ta không xét kinh nghiệm của ngài cách cô lập, và diễn tả nó bằng những nguyên tắc cơ bản theo những cách thức mới mẻ. Theo những hạn từ thực tiễn, đó là một vấn đề phân tích điều gì là riêng biệt quanh cách thức ngài đối xử với thanh thiếu niên, với những người bình dân, với Giáo hội, với xã hội, với đời tu. Điều gì là riêng biệt về cách thức ngài giáo dục thanh thiếu niên trong Nguyện xá ngày lễ đầu tiên, lối ngài tiếp cận với các tiểu chủng viện tại Valdocco, với các tư giáo cả Salêdiêng lẫn không phải Salêdiêng, và với những nhà truyền giáo. Đấy không phải là làm ngơ sự kiện rằng ta đã phải tìm ra được một số trực giác quan trọng tại Nguyện xá đầu tiên tại nhà Pinardi; sau này, ta sẽ khai triển đầy đủ hơn ý nghĩa tròn đầy của những hàm ý nhân bản-Kitô hữu của chúng:
- Một cơ cấu uyển chuyển (đây là cách thức Don Bosco nghĩ về Nguyện xá) như một chiếc cầu nối giữa giáo hội, xã hội thành thị và những nhóm tuổi khác nhau giữa con cái của dân chúng;
- Kính trọng và trân trọng thế giới của giới lao động;
- Tôn giáo là nền tảng của giáo dục theo giáo huấn Công giáo về khoa sư phạm được chuyển giao cho ngài trong bối cảnh của Convitto;
- Sự nối kết sinh động giữa đào luyện tôn giáo và phát triển con người, giữa huấn giáo và giáo dục. Nói cách khác, sự đồng quy của giáo dục và giáo dục đức tin (sự hòa nhập đức tin và đời sống);
- Xác tín rằng dạy dỗ là phương thế chính yếu để soi sáng tâm trí;
- Cũng như huấn giáo, giáo dục được trình bày với tất cả mọi cách thức ta có thể có được, căn cứ vào những giới hạn của thời gian và nguồn lực: những dự phóng xóa mù chữ cho những người không bao giờ có thể hưởng được bất kỳ việc đào tạo, việc bố trí công ăn việc làm, cung cấp sự trợ giúp xã hội suốt tuần, cung cấp những hoạt động cho nhóm tương trợ lẫn nhau, v.v.
- Sử dụng và trân trọng đầy đủ giá trị của thời giờ rảnh rỗi;
- Sự nhân hậu như một nét giáo dục và, còn hơn nữa, như một nét của lối sống Kitô hữu.
Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân ngài, xưa phương pháp này từng được gọi là “Hệ thống Dự phòng,” đã trở thành một “hệ thống” được quảng bá rộng khắp và được trình bày như một phương pháp phổ quát. Don Bosco đề xướng phương pháp ấy; ngài muốn ai nấy đều thừa nhận nó để giáo dục và tái giáo dục những người trẻ thuộc những nhóm đa dạng nhất.
Như ta biết rõ và như ta thấy được viết trong Hiến chương về căn tính đoàn sủng của Gia đình Salêdiêng, Hệ thống Dự phòng: “biểu thị bản tổng hợp về sự khôn ngoan sư phạm của Don Bosco; nó cấu thành một sứ điệp ngôn sứ mà ngài để lại cho những người thừa kế mình và cho toàn Giáo hội. Đó là một kinh nghiệm thiêng liêng và giáo dục vốn được đặt nền trên lý trí, tôn giáo và lòng thương mến.
Lý trí nhấn mạnh những giá trị của thuyết nhân bản Kitô giáo, chẳng hạn việc tìm kiếm ý nghĩa, công việc, học tập, tình bạn, niềm vui, lòng đạo đức, sự tự do không tách khỏi trách nhiệm, sự hài hòa giữa phán đoán lành mạnh của con người và sự khôn ngoan Kitô hữu.
Tôn giáo có nghĩa là tạo không gian cho Ân sủng cứu độ, đang khi vun trồng nỗi niềm khao khát Thiên Chúa, khi cổ xúy việc gặp gỡ Chúa Kitô vì điều này mang lại ý nghĩa sung mãn cho cuộc đời, và là một lời đáp trả cho khát vọng hạnh phúc, khi dần dần lãnh lấy địa vị của mình trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.
Lòng thương mến diễn đạt sự kiện rằng để kiến tạo mối tương giao giáo dục hữu hiệu, thì giới trẻ không chỉ được yêu mến nhưng biết rằng chúng được yêu mến quả là thiết yếu; đó là một loại tương giao đặc biệt và là một tình yêu vốn thức tỉnh trong lòng người trẻ tất cả tiềm lực của họ và làm cho nó trưởng thành thậm chí tới sự tự hiến hoàn toàn.
Lý trí, tôn giáo và lòng thương mến ngày nay hơn bao giờ hết là những yếu tố bất khả thế trong công việc giáo dục, và là những kích thích tố có giá trị, đáp lại những kỳ vọng của những thế hệ mới, bằng cách trao ban sự sống cho một xã hội vốn nhân bản hơn.”[1]
Một khi ta hiểu đúng điều đã được chuyển giao cho chúng ta từ quá khứ, thì chuyển dịch sang những hạn từ tân tiến những trực giác vĩ đại và tiềm năng của Hệ thống Dự phòng quả là thiết yếu. Nhất thiết phải làm cho những nguyên tắc, khái niệm cơ bản, những hướng dẫn độc đáo nên hợp thời, đang khi giải thích lại trên bình diện lý thuyết và thực hành cả những ý tưởng cơ bản lớn lao mà chúng ta ai nấy đều biết (vinh danh Thiên Chúa ngày một hơn, và phần rỗi các linh hồn; đức tin sống động, đức cậy mạnh mẽ, đức ái đối thần và mục vụ; Kitô hữu tốt lành và công dân lương thiện; vui tươi, học tập và đạo đức; sức khỏe, học tập và thánh thiện; lòng đạo đức, luân lý, văn hóa, những cư xử tốt lành; phúc âm hóa và văn minh, v.v.) và cả những hướng dẫn vĩ đại về phương pháp (làm cho mình được yêu mến hơn là sợ hãi, lý trí, tôn giáo, lòng thương mến; người cha, người anh, người bạn; lối tiếp cận thân hữu, cách riêng trong giờ giải trí; chiếm được cõi lòng; nhà giáo dục “được thánh hiến” cho sự hưng thịnh của học sinh; hoàn toàn tự do chạy nhảy nô đùa và la hét mặc sức…). Tất cả điều này được sử dụng tốt đẹp để đào tạo giới trẻ “mới” của thế kỷ XXI được gọi để sống và chấp nhận một phạm vi rộng lớn và chưa có tiền lệ của những tình huống và những vấn đề, trong thời đại thay đổi quyết liệt, trong đó những khoa học nhân văn đang trải qua một giai đoạn suy tư phê phán.
Cách riêng, cha muốn đề nghị ba lối tiếp cận, đang khi khảo sát kỹ càng hơn lối tiếp cận thứ nhất.
1. Tái phát động “người công dân lương thiện” và “người Kitô hữu tốt lành”
Trong một thế giới thay đổi quá sâu xa so với thế giới của thập niên 1800, đảm trách những công cuộc bác ái theo những tiêu chuẩn hẹp hòi, địa phương và thuần túy thực dụng, (pragmatic), bỏ quên những khía cạnh rộng lớn hơn nhiều của công ích trên bình diện quốc gia và quốc tế sẽ là một lỗi nặng dưới diện xã hội học lẫn thần học. Ở đây chúng ta nhận biết rõ rằng Don Bosco chắc chắn không ở trong lập trường phải làm nhiều hơn là ngài đã thực sự làm. Thực thế, con đường mà lương tâm ngày nay đã tiến bước dẫn đến nhận biết bất kỳ sự cung cấp hỗ trợ nào (support provision) đều có giới hạn; khi bỏ quên đi chiều kích chính trị của sự chậm phát triển, sự cung cấp ấy không thành công để ảnh hưởng tích cực trên những nguyên nhân của nghèo túng, hay trên những cấu trúc tội lỗi. Từ những cấu trúc đó, sinh ra những điều kiện xã hội (trạng huống xã hội) luôn bị mọi người phê phán. Chỉ suy nghĩ về đức ái dưới diện làm phúc bố thí, khi đáp ứng những khẩn cấp có nghĩa là liều rơi vào việc thực thi sai lầm “vai trò của người Samari tốt lành” trong lãnh vực đó; bất kể ý ngay lành nào, vai trò đó kết thúc bằng cách biến thành sự diễn đạt một tình liên đới có phẩm chất nghèo nàn, vì nó hoạt động theo những khuôn mẫu phát triển vốn tán trợ sự thịnh vượng của một vài người đang khi bọc đường những viên thuốc đắng đót cho người khác.
Chúng ta có thể gợi nhắc rằng trong thời kỳ sau Công đồng người ta sử dụng những từ ngữ “sự nghèo khó của giáo hội” và “Giáo hội của người nghèo” theo nhiều cách khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược. Dù sao chúng ta cũng cần nhớ rằng chúng ta không phát minh Tin Mừng, giống như chúng ta không sáng chế tác động kịch tính của nó trên chính trị và kinh tế. Đức tin ghi ấn dấu của mình trong lịch sử nhưng không thể bị giản lược vào đó. Nếu tình yêu đối với cận nhân không phải là toàn bộ sứ điệp Kitô hữu, thì thực sự có phải ta có thể chối rằng tình yêu đó là cốt lõi và thiết yếu của sứ điệp ấy?
Người ta nói và viết rằng đối diện với Nhà Nước tân tiến vốn chính mình đảm nhận lấy sự thịnh vượng và trợ giúp xã hội cho những công dân của mình, Giáo hội không còn có cơ hội hay dịp tốt để làm việc bác ái và trợ giúp như Giáo hội đã từng làm trong quá khứ. Tuy nhiên, hiện trạng thực tại ngày nay cho thấy một giả định như thế, vốn được những tiếng nói trần tục và chính trị cổ võ, thật sai lầm biết bao. Rất thường xuyên Giáo hội lại là điểm quy chiếu ngay cả giữa lòng Nhà Nước đảm nhận trách nhiệm đầu tiên lo về an sinh cho dân chúng (Welfare State). Suốt nhiều năm chúng ta nghe nói rằng công việc bác ái và trợ giúp là những phương thế lỗi thời và cổ hủ, rằng chúng không còn ích gì trong xã hội tân tiến và nhà nước dân chủ. Nhưng ngày nay, thậm chí trong phạm vi trần thế, vai trò xã hội của sự phục vụ tự nguyện nơi các Kitô hữu là lĩnh vực được ái nấy công nhận và gọi là lĩnh vực thứ ba, lĩnh vực phi lợi nhuận – những sáng kiến đó bắt nguồn trong các giáo xứ, trong các hiệp hội, trong các thể chế, trong giáo hội địa phương…
Liệu sự kiện rằng ngày nay hàng trăm triệu người đang sống những điều kiện thật xa với “văn minh tình yêu”, được Đức Phaolô VI hy vọng và cầu nguyện, rồi được các đấng kế vị lập lại, lại không tìm được nơi chúng ta “một câu trả lời trực tiếp” khi chúng ta quay về lại công thức của Don Bosco, công thức “công dân lương thiện và Kitô hữu tốt lành” hay sao?
Về “công dân lương thiện“, chúng ta cần suy tư rất nghiêm chỉnh. Trên hết, ở bình diện suy lý, chúng ta cần mang vào tư duy của mình mọi sự liên hệ với những vấn đề phát triển – nhân bản, vị thành niên (juvenile), giới lao động. Cùng lúc, chúng ta phải chú ý đến những khảo sát tương ứng khác nhau từ những quan điểm triết-nhân học, thần học, khoa học, lịch sử, phương pháp luận. Rồi, suy tư này cần mang lấy dáng dấp thực tiễn trên bình diện kinh nghiệm và suy tư thực tiễn về phía cá nhân và cộng đoàn. Ở đây cha thích gợi nhớ rằng đối với các Salêdiêng Don Bosco, một Tổng Tu Nghị rất quan trọng, TTN 23, đã chỉ ra “đức ái có chiều kích xã hội” và “giáo dục giới trẻ để chúng cam kết và tham gia vào đời sống công cộng” thật là quan trọng đối với những lãnh vực và mục tiêu của giáo dục. Đây là “một lĩnh vực chúng ta đã xao nhãng hay phủ nhận cách nào đó” (x. TTN23, 203-210-212-214).
Nếu một đàng chúng ta có thể hiểu Don Bosco đã quyết định chỉ quan tâm đến “khoa chính trị của Kinh Lạy Cha” mà thôi, thì đàng khác chúng ta cũng phải tự hỏi sự chọn lựa ban đầu của ngài về giáo dục được hiểu theo nghĩa chặt, và rồi tiếp theo sau, những nhà giáo dục của ngài thực hành là loại bỏ “chính trị” khỏi đời sống họ, đã không điều kiện hóa và giới hạn như thế nào chiều kích xã hội-chính trị quan trọng khi đào luyện những người họ trông nom. Thêm vào những khó khăn khách quan được tạo thành bởi những chế độ chính trị mà Don Bosco phải cùng sống với chúng, thì liệu những cái khác có lẽ không phải là sự đóng góp của các nhà giáo dục thiên về chủ nghĩa tuân thủ (conformism), chủ nghĩa biệt lập (isolationism) với một văn hóa không thích hợp và hiểu biết ít ỏi về bối cảnh lịch sử và xã hội hay sao?
Vì vậy chúng ta phải tiến lên theo hướng tái xác quyết sự hợp thời của “sự chọn lựa mang tính xã hội-chính trị-giáo dục” mà Don Bosco thực hiện. Điều này không có nghĩa là cổ xúy một thứ chủ nghĩa náo hoạt có tính ý thức hệ đối với bất kỳ nghị sự chính trị đảng phái đặc thù nào. Không. Đúng hơn, nó có nghĩa là đào tạo một lương tâm về chính trị và xã hội, khi làm cho cuộc đời ta thành một sứ mệnh vì công ích xã hội khi liên lỷ quy chiếu đến những giá trị và quyền lợi nhân bản và Kitô hữu bất khả chia lìa. Cần phải thực thi lãnh vực này cách thực tiễn và nhất quán hơn. Nói cách khác, chúng ta cần phải đánh giá lại khía cạnh xã hội của giáo dục. Mặc dù chỉ được hiện thực cách bất toàn, khía cạnh này đã là một phần toàn diện của sự chọn lựa nền tảng dành cho giới trẻ như Don Bosco diễn đạt. Một sự canh tân ý thức về xã hội như thế phải thúc đẩy việc tạo thành những kinh nghiệm minh nhiên của sự cam kết mang tính xã hội theo một nghĩa rộng hơn. Nhưng điều đó cũng hàm ẩn sự cam kết loại biệt mang tính lý thuyết và thực hành được khởi hứng bởi một nhãn quan rộng lớn hơn về giáo dục vừa thực tế vừa thực hành. Khẩu hiệu và tuyên ngôn (manifesto) thì không đủ. Điều ta cần là những ý tưởng lý thuyết và những dự phóng hành động thực tiễn được chuyển dịch thành những chương trình vốn được xác định rõ và được cơ cấu thích đáng.
Một ai thật sự quan tâm đến chiều kích giáo dục sẽ cố gắng thực thi tầm ảnh hưởng qua những phương thế chính trị. Chỉ bằng cách này, ta mới xem xét giáo dục trong mọi lãnh vực. từ việc đô thị hóa và du lịch tới thể thao và tới những hệ thống truyền thanh truyền hình mà trong đó những tiêu chuẩn thị trường rất thường ưu thắng.
Chúng ta cần tự hỏi xem Tu hội Salêdiêng, Gia đình Salêdiêng, các Tỉnh dòng chúng ta, các nhóm, và các nhà chúng ta có đang làm tất cả điều mình có thể làm theo tiêu chuẩn trên không? Tình liên đới của họ với giới trẻ có phải là một diễn đạt tình yêu, một cử chỉ tự hiến hay cũng là một sự đóng góp có thẩm quyền thực sự, một câu trả lời có lý luận, thích hợp và thích đáng đối với những nhu cầu của giới trẻ và của những giai cấp yếu kém hơn trong xã hội hay không?
Và ta cần phải nói về việc khởi phát lại “Người Kitô hữu tốt lành“. “Bị thiêu đốt vì nhiệt tình dành cho các linh hồn, Don Bosco tri nhận tính hàm hồ và tính chất nguy hiểm của tình trạng ấy, đã thách đố những giả định trước, tìm thấy những cách thức mới mẻ để chiến đấu lại sự dữ bằng những nguồn lực có hạn (văn hóa và kinh tế) tùy vào ngài sử dụng.
Đó là một vấn nạn về việc khám phá và trợ giúp để ý thức sống ơn gọi của con người đúng thực như con người. Chính trong lãnh vực này mà các tín hữu có thể cống hiến những đóng góp giá trị nhất của mình.
Thực vậy họ biết rằng con người và những liên hệ hữu vị được xác định bằng thân phận thụ tạo của mình. Thân phận này không chỉ ra một tình trạng thấp kém hay lệ thuộc, nhưng chỉ tới tình yêu nhưng không và sáng tạo về phía Thiên Chúa.
Con người mắc nợ chính cuộc đời mình cho một tặng phẩm. Họ tương giao với Thiên Chúa trong đó họ đóng vai trò của mình. Cuộc đời họ chẳng có nghĩa gì bên ngoài mối tương giao này. Đấng “vượt trên”, Đấng ta nhận biết và ao ước cách mơ hồ là Đấng Tuyệt Đối, không phải một đấng tuyệt đối xa lạ hay trừu tượng, nhưng là Nguồn Mạch của cuộc đời họ; Ngài kêu gọi họ cho chính Ngài.
Trong Đức Kitô, bản tính chân thật của từng nhân vị, mà lý trí có thể bắt đầu tri nhận, tìm được sự soi sáng toàn diện của nó. Qua lời Ngài, nhưng trên hết qua sức mạnh của sự sống thần-nhân của Ngài, nơi đó Ngài biểu lộ ý thức mình là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô khai mở từng người để hiểu biết chính mình và vận mệnh của mình.
Trong Ngài chúng ta trở thành con cái, được gọi để sống đúng như thế trong thế giới đương thời. Đây là thực tại và là một tặng phẩm mà con người phải dần dần trân trọng ý nghĩa sung mãn của nó. Ơn gọi là con cái Thiên Chúa không phải là một cái gì thêm vào tùy ý, một cái gì được cộng thêm vào cho việc là người. Trái lại, tận chính yếu tính, ơn gọi ấy là điều kiện bất khả thế của việc là người một cách chân chính và sung mãn, là điều làm thỏa mãn những khao khát [làm người] sâu xa nhất, những khao khát xuất phát từ bản tính thụ tạo của họ.
Chúng ta cần phải tự hỏi: làm thế nào “người Kitô hữu tốt lành” của Don Bosco được hiện thực? ngày nay làm thế nào chúng ta đảm bảo những khía cạnh nhân bản và Kitô hữu cách sung mãn của Giáo dục? Có phải chúng ta có thể giả định rằng chúng ta chỉ có thể làm như vậy qua những sáng kiến giáo dục và mục vụ nghịch lại với những nguy hiểm được biểu thị bằng những hình thức cũ kỹ hay mới mẻ của chủ thuyết cơ bản và độc hữu (loại trừ) không? Làm thế nào chúng ta biến đổi nền giáo dục truyền thống mà bối cảnh của nó là một “xã hội một tôn giáo”, thành một nền giáo dục rộng mở, cũng như cùng lúc thành một nền giáo dục mang tính chất phê phán, đối diện với đa nguyên đương thời? Làm thế nào chúng ta giáo dục tới một đời sống tự quản và đồng thời lại thiết thân với một thế giới đa tôn giáo, đa văn hóa và đa sắc tộc (pluri-ethnic)? Đối diện với sự kiện rằng khoa sư phạm truyền thống của đức vâng phục, thích hợp với một loại giáo hội học nào đó vốn nay đã bị thay thế, thì chúng ta làm thế nào cổ xúy được một khoa sư phạm của tự do và trách nhiệm, nhắm tới việc đào tạo ra những cá nhân trách nhiệm, có khả năng làm những quyết định tự do, trưởng thành, rộng mở để thông giao liên vị, tích cực can dự vào những cơ cấu xã hội với một thái độ vốn không thuộc chủ thuyết tuân thủ (conformist) nhưng phê phán một cách xây dựng?
2. Được chuẩn bị tốt hơn để quay về với giới trẻ vốn
Chính giữa giới trẻ mà Don Bosco khuôn đúc lối sống của mình, gia sản mục vụ và sư phạm của mình, hệ thống và linh đạo của mình. Luôn luôn và mọi nơi, Don Bosco chỉ có một lòng một dạ cho sứ mệnh giới trẻ; đó là một thực tại, ngay cả khi vì những lý do đặc biệt ngài không tiếp xúc trực tiếp với giới trẻ, ngay cả khi những hoạt động của ngài không trực tiếp phục vụ giới trẻ, và khi ngài như đấng sáng lập kiên quyết bảo vệ đoàn sủng của mình cho giới trẻ trong thế giới đối diện với áp lực từ những vị giáo sĩ vốn không luôn luôn được thông tin đầy đủ. Sứ mệnh Salêdiêng là sự thánh hiến, đó là “tình ưu ái” dành cho giới trẻ. Như chúng ta biết, tình ưu ái này từ chính khởi đầu của nó là một tặng phẩm đến từ Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại có bổn phận sử dụng lý trí và con tim của mình để phát triển và làm nó nên hoàn hảo.
Người Salêdiêng chân thật không đào ngũ khỏi lãnh vực giới trẻ. Người Salêdiêng chân thật hiểu biết sống động về giới trẻ; trái tim của họ đập cùng một nhịp với trái tim của giới trẻ. Người Salêdiêng sống và làm việc cho chúng, cam kết đáp ứng những nhu cầu cũng như những vấn đề của chúng. Giới trẻ cho họ ý nghĩa đời sống: công việc, trường học, tình cảm, giờ rảnh. Người Salêdiêng chân chính cũng là người có một kiến thức lý thuyết và thực tiễn vốn làm cho họ có thể khám phá những nhu cầu thực sự của chúng, để kiến tạo một tác vụ giới trẻ thích hợp với những nhu cầu thời đại.
Vì thế, để thực sự tác động, sự trung thành với sứ mệnh đòi buộc chúng ta phải giao tiếp với “cái cốt lõi” của văn hóa ngày nay, với cội rễ của não trạng và thái độ hiện hành. Chúng ta đang đối diện những thách đố thật sự lớn lao. Chúng đòi buộc ta phân tích nghiêm chỉnh, bình luận phê phán thích đáng, trao đổi văn hóa sâu sắc, có thể trân trọng hiện trạng ấy theo tâm lý học.
Chúng ta cần phải tự hỏi:
- Những người trẻ mà chúng ta, như những cá nhân và trong cộng thể, “tận hiến” cuộc đời cho họ là ai? Họ muốn gì? Họ ao ước gì? Và đối với họ, chúng ta (và Thiên Chúa) muốn gì ? Chúng ta có biết giới trẻ ngày nay không? Chúng ta có thâm tín về những vấn đề của giới trẻ ngày nay quá khác nhau cả về phẩm lẫn lượng với những vấn đề mà Don Bosco đã đối diện một trăm năm mươi năm trước không?
- Đâu là phẩm chất trình độ nghiệp vụ của chúng ta đối với tác vụ ở bình diện suy tư lý thuyết về những chương trình giáo dục và trên bình diện thực hành mục vụ? Công cuộc của ta có được đặc trưng bằng tính sáng tạo, có thể thích ứng, uyển chuyển, không bi quan hay không? Đối với chúng ta, để đạt được “việc hội nhập văn hóa”, chỉ đặt tin tưởng vào những văn kiện của Tổng Tu Nghị của Tu hội chúng ta, trong những quyết nghị quan trọng nhất của những nhóm khác nhau hay trong những lá thư của Bề Trên Cả có đủ không?
- Liệu không đúng rằng ngày nay trách nhiệm giáo dục chỉ có thể là một vấn đề tập thể, liên kết, và làm cho ai nấy can dự vào cách đầy đủ hay sao? Vậy, đâu là “mối liên kết” của chúng ta với “mạng lưới những tương giao” trong khu vực ấy cũng như ngoài lãnh vực đó mà các thiếu niên chúng ta đang sống? Đâu là sự đóng góp xác đáng của chúng ta vào hình thức tham gia và cộng tác với mạng lưới giáo dục toàn cầu? Chúng ta có xem xét những giải đáp khả dĩ, thảo luận chúng với những thành phần thứ ba không?
- Nếu đôi khi Giáo hội thấy mình lúng túng khi đối diện với giới trẻ, thì liệu có lẽ không đúng như vậy cho những người Salêdiêng và Gia đình Salêdiêng ngày nay sao?
3. Giáo dục của cõi lòng
Trong những thập niên vừa qua những thế hệ mới của các Salêdiêng có lẽ đang kinh nghiệm một cảm thức về sự bối rối khi đối diện với những diễn đạt cổ xưa hơn về Hệ thống Dự phòng: hoặc bởi vì ngày nay họ không biết áp dụng chúng ra sao hoặc bởi vì một cách vô thức họ tưởng nghĩ chúng là một số hình thức của “mối tương giao cha chú” với giới trẻ. Trái lại, khi chúng ta chiêm ngắm Don Bosco, được nhìn từ quan điểm cuộc đời mà ngài đã sống, chúng ta khám phá ngài theo một cách thức bản năng và trực giác vượt quá chủ nghĩa cha chú trong giáo dục; chủ nghĩa ấy, phần lớn khoa sư phạm của những thế kỷ trước (‘500-‘700) đã khắc sâu. Thực thế, suốt thời đại này, thái độ sư phạm phản chiếu xã hội Âu châu mà trên bình diện chính trị được cấu trúc một cách quá cha chú. Trái lại, toàn thể cuộc đời Don Bosco được ghi dấu bằng những tương giao liên vị với thanh thiếu niên và người lớn. Từ đó, ngài cũng rút lấy lợi ích thiêng liêng đáng kể. Có hàng ngàn giai thoại và những diễn đạt, chẳng hạn: “Các con cho phép cha nói thế này nhé, và cha hy vọng cha không xúc phạm một ai cả: Hết thảy các con đều là những kẻ ăn cắp. Cha nói thế và cha lập lại rằng: các con lấy đi tất cả những gì cha có […] cha còn lại trái tim nghèo hèn này và những tình cảm sâu thẳm nhất của nó, các con cũng lấy nốt […] trái tim này mọi người các con đã chiếm đoạt và trong đó không còn một ước muốn nào hơn là muốn yêu các con thật sự trong Chúa.” [2] Những diễn đạt ấy minh họa tình bằng hữu thân mật, lối tiếp cận tân thời, phẩm chất hợp thời đi xa hơn những nhãn hiệu: dự phòng, lòng mến thương, đức ái. Ăn cắp trái tim của Don Bosco là một diễn đạt ẩn dụ và biểu tượng. Thanh thiếu niên hoàn toàn chiếm giữ trái tim của Don Bosco. Ở đó chúng thoải mái, ở đó đời sống của chúng được làm giàu, ở đó chúng sống hạnh phúc. Ngày nay, chắc chắn, những phong thái của những mối tương giao liên vị thì khác nhau: với một xã hội đa nguyên, sự thông giao và tiếp xúc trên một bình diện toàn cầu, internet, du hành, v.v. .
Chúng ta cần phải tự hỏi: ngay nay giới trẻ và người lớn có thể tìm ra và có tìm ra một chỗ trong cõi lòng của nhà giáo dục Salêdiêng hay không? Họ bộc lộ gì ở đó? Một người kỹ trị, một người thông truyền có khả năng nhưng rỗng tuếch; hay một người giàu những phẩm chất nhân bản, được ân sủng Đức Kitô làm nên hoàn hảo và sinh động, trong Thân mình mầu nhiệm, v.v. Nếu họ không tìm thấy tất cả điều này, liệu một lần nữa Don Bosco không thể lập lại hơn kém cùng những lời sau đây “Khi ta không tìm thấy sự giàu có và chiều sâu xa của ân sủng Đức Kitô trong tâm hồn của người Salêdiêng, thì Tu hội và Gia đình Salêdiêng sẽ đến ngày kết thúc” hay sao?
NHỮNG BƯỚC THỰC TIỄN CHO GIA ĐÌNH SALÊDIÊNG
Khởi đi từ hiểu biết về khoa sư phạm của Don Bosco và trong ánh sáng của những suy tư được trình bày trên kia, sau đây là những tiêu điểm và những trách vụ chính yếu đối với Gia đình Salêdiêng nảy sinh từ Hoa thiêng 2013:
1. ‘Tin Mừng của niềm vui’ là nét thường hằng trong toàn câu chuyện đời sống của Don Bosco và là linh hồn cho nhiều công cuộc của ngài. “Trong Đức Giêsu Nadarét, Thiên Chúa mặc khải chính mình là “Thiên Chúa của niềm vui” [3] và Phúc âm là “Tin Mừng”, một Tin Mừng bắt đầu với “những mối phúc” – con người tham dự vào sự chúc phúc của chính Thiên Chúa. Sự phúc lành này không phải là một tặng phẩm vô nghĩa, song là một tặng phẩm sâu xa, vì niềm vui là một sức mạnh bên trong hơn là một tình cảm chóng qua. Sức mạnh ấy có thể đối diện những khó khăn cuộc đời. Thánh Phaolô nói: “Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó.” (2Cr 7,4) Theo nghĩa này, niềm vui chúng ta kinh nghiệm dưới trần là một tặng phẩm Phục sinh, một thưởng nếm trước niềm vui sung mãn đó mà chúng ta sẽ có được trong sự sống vĩnh cửu.
Don Bosco đảm nhận khát vọng hạnh phúc mà thanh thiếu niên đã có, rồi chuyển dịch nó thành niềm vui sống qua ngôn ngữ của vui tươi, của sân chơi, của những cử hành; nhưng ngài không bao giờ ngừng chỉ ra cho chúng rằng Thiên Chúa mới là nguồn mạch niềm vui chân thật. Một vài bút tích của ngài, như cuốn Companion of Youth, tiểu sử Đaminh Saviô, lời giải thích được chứa đựng trong câu chuyện của Valentino, minh chứng Don Bosco thiết lập mối liên kết giữa ân sủng và hạnh phúc. Và việc ngài nhấn mạnh đến “những phần thưởng thiên đàng” dọi phóng niềm vui ở dưới trần vào trong viễn cảnh là sự hoàn tất và sung mãn của chúng.
Tại trường của Don Bosco, người thuộc về Gia đình Salêdiêng vun trồng một số thái độ vốn cổ xúy niềm vui và thông truyền những thái độ đó cho kẻ khác.
- Tin tưởng sự thiện sẽ chiến thắng: Don Bosco viết: “Ngay cả những thiếu niên chai lỳ nhất vẫn có một điểm dễ thương. Bổn phận đầu tiên của nhà giáo dục là định vị điểm nhạy cảm đó, điểm tình cảm đó trong trái tim thanh thiếu niên và lợi dụng nó.” [4]
- Trân trọng những giá trị nhân bản: người môn đệ của Don Bosco có thể làm thành của mình điều gì là tốt trong thế giới và không than trách thời số mình; họ chấp nhận tất cả điều gì là tốt, cách riêng nếu nó lôi cuốn giới trẻ và người bình dân.
- Giáo dục sống vui tươi hằng ngày: Ta cần cố gắng kiên nhẫn một cách đơn giản giáo dục để học hay học lại, để vui hưởng nhiều niềm vui nhân loại mà mỗi ngày Đấng Tạo hóa đặt trên đường của chúng ta.
Vì mọi ngày họ trao phó toàn vẹn chính mình cho “Thiên Chúa của niềm vui” và bằng lời nói và việc làm làm chứng cho “Tin Mừng của niềm vui”, nên tất cả các môn đệ của Don Bosco luôn vui tươi. Họ làm lan tỏa niềm vui. Họ biết làm thế nào để giáo dục tới niềm hạnh phúc của đời Kitô hữu và tới một ý nghĩa của sự cử hành, khi nhớ lời khuyên nhủ của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4).
2. Khoa sư phạm của lòng nhân hậu. “Lòng mến thương của Don Bosco hẳn nhiên là một nét đặc trưng trong phương pháp sư phạm của ngài mà ngày nay vẫn còn giá trị, cả trong bối cảnh Kitô hữu cũng như trong những bối cảnh thuộc về những tôn giáo khác mà giới trẻ đang sống.
Tuy nhiên, ta không được giản lược lòng nhân hậu chỉ là một nguyên lý sư phạm mà thôi. Ta cần phải nhìn nhận nó là một yếu tố cốt yếu của khoa linh đạo chúng ta.
Thực vậy, đó là tình yêu chân chính bởi vì nó rút lấy sức mạnh từ Thiên Chúa; nó là tình yêu vốn tỏ mình trong ngôn ngữ của sự đơn giản, thân tình (cordiality) và trung tín; đó là tình yêu vốn gợi lên một ước muốn đáp lại; đó là tình yêu vốn khơi gợi sự tin tưởng, mở đường tới sự tín nhiệm và tới sự thông giao sâu xa (“giáo dục là chuyện của cõi lòng”); nó là tình yêu lan tỏa và bằng cách này tạo nên một bầu khí gia đình, ở đó cùng nhau sống là tốt đẹp và thêm phong phú.
Đối với nhà giáo dục, đó là một tình yêu đòi hỏi một nỗ lực tinh thần mạnh mẽ: sự vui thích hiện diện tại đó, để ở lại đó, sự từ bỏ chính mình và hy sinh, thanh khiết trong những tình cảm và tự chủ trong những thái độ, tham gia vào đối thoại và kiên nhẫn chờ đợi để nhận diện thời khắc thích đáng nhất và những cách thức tốt nhất, khả năng tha thứ và canh tân những giao tiếp, sự hiền lành của người mà đôi khi biết để thất bại, nhưng tiếp tục tin với một niềm hy vọng vô hạn. Không có tình yêu thật sự mà không có tu đức; không có tu đức nếu không gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện.
- Lòng thương mến là hoa quả của đức ái mục tử. Don Bosco thường nói: “tình cảm hỗ tương này dựa trên điều gì? Trên ước muốn của cha là cứu rỗi linh hồn các con, vốn được máu châu báu của Đức Giêsu Kitô cứu chuộc. Các con yêu mến cha bởi vì cha cố gắng dẫn các con trên đường cứu rỗi đời đời… Vì thế, sự thiện của linh hồn chúng ta là nền tảng của tình yêu chúng ta.” [5]
- Bằng cách này lòng thương mến trở thành một dấu chỉ về Thiên Chúa yêu thương, và là một phương thế để thức tỉnh lại sự hiện diện của ngài nơi tâm hồn của những người được Don Bosco tốt lành chạm đến; đó là một cách thức phúc âm hóa.
- Từ đây sinh ra niềm xác tín rằng khoa linh đạo tông đồ của Gia đình Salêdiêng được đặc trưng không phải bằng một loại tình yêu chung chung, nhưng bằng một khả năng “yêu mến và làm cho mình được yêu mến.” [6]
- Giáo dục là chuyện của cõi lòng. Để hiểu diễn ngữ nổi tiếng “giáo dục là chuyện của cõi lòng mà chỉ mình Thiên Chúa mới là chủ” (BM XVI, 376) [7] và vì thế để hiểu khoa sư phạm của lòng thương mến trong Hệ thống Dự phòng, thì đối với cha, dường như lắng nghe một trong những chuyên viên nổi tiếng về Vị Thánh Giáo dục đó thật là quan trọng: “Khoa sư phạm của Don Bosco thấm nhiễm mọi sự ngài làm; và mọi sự ngài làm phản ánh nhân cách của ngài; và mọi sự Don Bosco là lại có thể được tóm tắt trong cõi lòng của ngài.” [8] Đây là sự vĩ đại và bí quyết của sự thành công của ngài như một nhà giáo dục: Don Bosco biết làm thế nào để hòa hợp quyền bính và lòng nhân hậu, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu giới trẻ.
“Don Bosco yêu thương những thiếu niên này tỏ lộ ra trong những cách thực tiễn và đúng lúc. Ngài quan tâm đến toàn thể đời sống của chúng; ngài nhận biết những nhu cầu khẩn cấp của chúng và ngài trực giác được những nhu cầu ẩn dấu nhất của chúng. Nói rằng cõi lòng ngài toàn hiến cho thanh thiếu niên có nghĩa rằng toàn thể con người ngài, lý trí, cõi lòng và ý chí, sức khỏe thể lý, mọi sự ngài là và ngài có được hướng dẫn tới sự thiện của chúng, khi cổ võ chúng được phát triển toàn diện và ước ao chúng được cứu rỗi đời đời. Vì vậy, đối với Don Bosco, là một người có lòng có nghĩa là hoàn toàn tận hiến cho sự thiện của thanh thiếu niên của mình và dành cho chúng tất cả sức lực của mình cho tới hơi thở cuối cùng!” [9]
4. Đào luyện thành người công dân lương thiện và Kitô hữu tốt lành. Việc đào tạo “những Kitô hữu tốt lành và công dân lương thiện” là đích nhắm Don Bosco thường diễn đạt nhất; lối nói này chỉ ra mọi sự mà giới trẻ cần đến để sống tròn đầy đời sống nhân bản và Kitô hữu: áo quần, đồ ăn, chỗ ở, công việc, học hành, giờ rảnh; niềm vui, tình bạn; đức tin tích cực, ân sủng Thiên Chúa, đường lối nên thánh; sự tham gia, tính năng động, một chỗ đứng trong xã hội và trong Giáo hội. Kinh nghiệm giáo dục đề ra cho ngài cả một kế hoạch và phong thái tiếp cận đặc thù mà chính ngài tóm kết bằng Hệ thống Dự phòng, vốn “hoàn toàn đặt nền trên lý trí, tôn giáo và nhất là lòng thương mến.” [10]
Có sự hiện diện giáo dục trong xã hội bao gồm điều sau: một sự nhạy cảm trước những vấn đề giáo dục, những chính sách giáo dục, phẩm chất giáo dục của đời sống trong xã hội và văn hóa.
5. Thuyết nhân bản Salêdiêng “đối với Don Bosco, điều này có nghĩa là dành một tầm quan trọng thích đáng cho mọi sự tích cực trong đời sống cá nhân, trong tạo thành, trong những biến cố lịch sử. Điều này khiến ngài chấp nhận những giá trị chân chính hiện diện trong thế giới, cách riêng nếu làm cho giới trẻ vui thích; là đặt mình trong dòng văn hóa và sự phát triển nhân bản trong thời đại của chính ngài, đang khi khích lệ điều tốt và từ chối than khóc về sự dữ; khôn ngoan tìm kiếm sự cộng tác của nhiều người, thâm tín rằng mỗi người có những tài năng mà ta cần phải khám phá ra, nhận biết và lợi dụng thật tốt; là tin vào sức mạnh của giáo dục vốn trợ giúp người trẻ phát triển, và khích lệ họ trở thành một công dân lương thiện và một Kitô hữu tốt lành; là mọi nơi mọi lúc phó mình cho Thiên Chúa quan phòng được cảm nhận và yêu mến như một người Cha.” [11]
6. Hệ thống Dự phòng và Nhân quyền. Tu hội này hiện hữu chỉ có mục đích mà thôi, ấy là cứu rỗi giới trẻ cách toàn diện. Như Don Bosco trong thời ngài, chúng ta không thể là những khán giả; chúng ta phải là những người vai chính, hoàn toàn dấn thân để cứu rỗi chúng. Lá thư từ Roma năm 1884 đòi buộc chúng ta trong thời mình cũng phải đặt “thanh thiếu niên tại tâm điểm” như tiêu điểm của điều chúng ta làm và của tất cả những cam kết liên tục của đời sống mà chúng ta làm trong từng cộng thể chúng ta mỗi ngày. Vì lẽ này, Tin Mừng và đoàn sủng chúng ta đòi chúng ta phải theo đuổi vấn đề nhân quyền, để giới trẻ được cứu rỗi toàn diện; đó là cách thức mới và ngôn ngữ mới mà chúng ta không thể xao nhãng. Chúng ta làm mọi sự có thể để cứu rỗi giới trẻ. Ngày nay chúng ta không có thể nhìn thẳng vào mắt một em nhỏ nếu chúng ta cũng không dấn mình vào việc cổ xúy những nhân quyền của em.
Hệ thống Dự phòng và nhân quyền tương tác và làm giàu lẫn nhau. Hệ thống Dự phòng cống hiến cho nhân quyền một lối tiếp cận độc đáo, mới mẻ trong giáo dục đối với phong trào cổ xúy và bảo vệ nhân quyền, một nét của nó mãi cho tới nay đã là lời kết án “sau biến cố” – những kết án về sự vi phạm đã phạm rồi. Hệ thống Dự phòng cống hiến cho nhân quyền một nền giáo dục dự phòng (preventative), nói cách khác, những đề xướng và hoạt động phải được thực hiện “trước” (beforehand).
Như những tín hữu chúng ta có thể nói rằng Hệ thống Dự phòng cống hiến cho nhân quyền một nhãn quan về nhân loại vốn được khoa linh đạo của các Tin mừng khởi hứng, và về nhân loại vốn nhìn sự kiện khách quan là phẩm giá của từng người như nền tảng của nhân quyền. Phẩm giá này không chút phân biệt về chủng tộc, mầu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay những điều khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, địa vị khai sinh hay cái khác.” [12]
Đồng thời nhân quyền cung cấp cho Hệ thống Dự phòng những biên cương và cơ hội mới để đối thoại và cộng tác trong việc nối mạng với những người khác để nhận diện và xua đi những nguyên do bất công, sự dữ và bạo lực. Hơn nữa, nhân quyền cống hiến cho Hệ thống Dự phòng những biên cương và cơ hội mới để có được tầm ảnh hưởng xã hội và văn hóa như câu trả lời hữu hiệu cho “những bi kịch của nhân loại tân tiến, bi kịch của sự tách chia giữa giáo dục và xã hội, là hố tách biệt giữa việc đào tạo và quyền công dân.” [13]
Trong một bối cảnh được toàn cầu hóa một cách mới mẻ, nhân quyền trở thành một trong những phương thế có thể đi vượt quá những biên giới quốc gia hạn hẹp để đặt định những giới hạn và mục tiêu vốn được mọi người chia sẻ, tạo nên những liên minh và những chiến lược và huy động những nguồn lực nhân loại và kinh tế.
7. Những tài liệu nên đọc. Hệ thống Dự Phòng trong giáo dục người trẻ, lá thư từ Roma, những cuộc đời Đaminh Savio, Micae Magone, Phanxicô Besucco, đều là những bút tích của Don Bosco; chúng biểu thị rõ kinh nghiệm của ngài như một nhà giáo dục và sự chọn lựa những phương pháp sư phạm. Thực sự, ta nên đọc những sách này để chúng ta có thể biết người cha và Đấng Sáng lập thân yêu của chúng ta bén nhạy [biêt bao] về sư phạm và giáo dục, để biết điều gì là thân thiết với ngài trong việc đặt giới trẻ ở trung tâm của mọi sự, khi giúp chúng lấy trách nhiệm đạo luyện mình, bầu khí được tạo dựng lên để đảm bảo việc giáo dục được thành công. Từ quan điểm này, những tiểu sử trở thành ba phương pháp vốn khác nhau theo khởi điểm của mỗi một em thiếu niên từ Nguyện xá Valdocco, và hợp với những nhu cầu của chúng. Đối với Don Bosco, phải khởi đi từ nơi mà mỗi thiếu niên đang sống không chút đợi chờ một tình trạng lý tưởng nào đó nảy sinh quả là cần thiết, đang khi tập trung vào những giá trị và thái độ chúng mang theo với mình và đặt ra những mục tiêu để đạt đến.
KẾT LUẬN
Cha kết luận bài bình giải về hoa thiêng 2013 với một bài thơ được một hội viên từ Ấn độ gởi đến. Bản văn diễn đạt rất hay giáo dục chân thật thực sự là gì, cách riêng từ khi giáo dục được nhìn và miêu tả theo lời của một đứa trẻ nói cho mẹ của em điều gì đang xảy ra trong tâm trí em và vẫn còn ở lại trong lòng em khi nhìn thấy điều mẹ em thực hiện. Khi cha đọc bài thơ ấy, cha được nhắc nhớ về điều Gioan Bosco đã nói về Mẹ Magarita.
Thực thế, bầu khí thực tiễn mà giáo dục tạo nên tại Valdocco, và ngay nay được lan tràn khắp thế giới có cội rễ của nó trong thời thơ ấu mà Don Bosco đã sống trong khung cảnh nhiệm nhặt và vững chắc của miền Becchi, và cách riêng của dân chúng quanh ngài. Chính Don Bosco nói: “họ hỏi tôi giáo dục các thiếu niên như thế nào. Tôi giáo dục (dưỡng dục) chúng như mẹ tôi đã dưỡng dục chúng tôi trong gia đình. Tôi không biết cách nào khác.”
Mẹ Magarita là nhà giáo dục đầu tiên và tuyệt hảo của Don Bosco. Ở vậy như một bà góa, mẹ biết cách để tỏ cho con cái mình tình yêu đòi hỏi của một người cha và tình yêu dịu hiền và vô vị lợi của một người mẹ. Từ mẹ mình, Don Bosco học những giá trị và thái độ đó mà ngài cư xử với các thiếu niên của mình, và khi năm tháng trôi qua điều đó trở thành nền tảng cho khoa sư phạm mà ngài để lại cho các Salêdiêng:
- Một sự hiện diện tích cực. Hộ trực Salêdiêng không phải là giám sát; đó là một sự hiện diện làm cho trẻ thấy mình được yêu mến; chia sẻ với em sự nếm cảm của việc cùng nhau lao động và tăng trưởng đang khi làm cho em thành vai chính.
- Công việc thường nhật. Được dạy bằng kinh nghiệm của mình là một người nông dân lao động trong những cánh đồng của vùng Becchi và với gia đình Moglia, Don Bosco thích nói cho thanh thiếu niên của mình: “một thiếu niên lười biếng sẽ luôn là một chú lừa thôi.” “Bất cứ ai không quen làm việc trong tuổi trẻ, sẽ luôn là một kẻ lười biếng tới tuổi già.” Tại Valdocco, người ta không khoan thứ cho lười biếng; trái lại, làm việc đan xen với cầu nguyện, chơi đùa và học hành.
- Cảm thức về Thiên Chúa. Đối với Gioan, mẹ Magarita cũng là một bà giáo dạy tôn giáo: mẹ chuẩn bị cho ngài xưng tội và rước lễ lần đầu, và trên hết bà dạy cho ngài nhận biết Thiên Chúa hiện diện trong đời sống thường nhật, trong tạo thành, trong những biến cố vui buồn của đời sống. Quan sát bà quảng đại với những người nghèo và thiếu thốn, vị linh mục tương lai dần dần thủ đắc được một lòng đạo đức có thể trở thành đức ái thực tiễn, đơn sơ và chân chính vào thời gian thích hợp.
LÚC MẸ TƯỞNG CON KHÔNG NHÌN MẸ …
Lúc mẹ tưởng con không nhìn mẹ,
con đã thấy mẹ treo bức tranh đầu tiên con vẽ trên tủ lạnh
và con muốn vẽ ngay bức tranh thứ hai.
Lúc mẹ tưởng con không nhìn mẹ,
Con đã thấy mẹ nuôi chú mèo hoang lạc loài,
nên con học biết chăm sóc thú vật là điều tốt.
Lúc mẹ tưởng con không nhìn mẹ,
Con đã thấy mẹ sướng vui làm cho con chiếc bánh con ưa
nên con đã học được rằng cả những điều bé nhỏ có thể biến thành những điều đặc biệt trong đời sống.
Lúc mẹ tưởng con không nhìn mẹ,
Con đã thấy mẹ nấu nướng và dành lại phần ăn cho một người ốm yếu
Nên con học được hết thảy chúng ta đều phải giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau.
Lúc mẹ nghĩ con không thấy mẹ,
Con đã thấy mẹ chăm sóc nhà cửa và mọi người sống trong đó
Nên con học được rằng mình phải để ý chăm nom điều mình được ban tặng.
Lúc mẹ tưởng con không thấy mẹ,
Con đã thấy mẹ chu toàn những trách nhiệm ra sao, ngay cả khi mẹ chẳng khỏe mạnh,
Nên con học được con phải sống thật trách nhiệm khi khôn lớn.
Lúc mẹ tưởng con không thấy mẹ,
Con đã thấy những giọt lệ đọng trong mắt mẹ
Nên con học biết rằng đôi lúc có những điều làm tổn thương, nhưng mà khóc cũng đẹp vậy.
Lúc mẹ tưởng con không thấy mẹ,
Con đã thấy mẹ chăm sóc
Nên con muốn trở nên mọi sự con có thể.
Lúc mẹ tưởng con không thấy mẹ,
Con đã học được phần lớn những bài học cần cho cuộc đời là phải nên một người tốt lành và hữu ích khi khôn lớn.
Lúc mẹ tưởng con không thấy mẹ,
Con đã nhìn vào mẹ mà muốn thốt lên: “cám ơn mẹ nhiều vì mọi sự con nhìn thấy lúc mẹ cứ tưởng con không thấy.”
Mỗi người chúng ta (cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác, thày cô, bạn hữu) đều ảnh hưởng cuộc đời của một đứa trẻ.
Và biết làm sao chúng ta sẽ chạm đến cuộc đời của một ai đó hôm nay quả là quan trọng.
Chúng ta hãy sống đơn giản; hãy yêu mến quảng đại. Hãy chăm sóc ân cần. Hãy nói năng tử tế.
_________________________
[1] Khoản 21 – Charter of the Charismatic Identity of the Salesian Family – Rome 2012
[2] Lá thư gởi cho các thiếu niên tại Lanzo, 3 January 1876, in Epistolario, ed. Ceria ,vol. III, p. 5
[3] SAINT FRANCIS OF SALES, Lettre à la Présidente Brulart, Annecy, 18 February 1605, in Oeuvres, vol. XIII, p.16.
[4] BM V, p. 237
[5] JOHN Bosco, Lá thư gởi cho cha Giuse Lazzero và cộng thể của các em học nghề tại Valdocco, Rome 20 January 1874, in Epistolario, ed by Francesco Motto, LAS Rome 2003,vol. IV p. 208
[6] X. khoản 32 – Charter of the Charismatic Identity of the Salesian Family – Rome 2012
[7] Cf. J. BOSCO, Dei castighi da infliggersi nelle case salesiane, in P. BRAIDO, Don Bosco educatore. Scritti e testimonianze, LAS, Rome 1992, p. 340.
[8] Cf. P. BRAIDO, Prevenire non reprimere. Il sistema educativo di Don Bosco, LAS, Rome 1999, p. 181.
[9] P. RUFFINATO, Educhiamo con il cuore di Don Bosco, in “Note di Pastorale Giovanile”, n. 6/2007, p. 9.
[10]J. Bosco, Il sistema preventivo nella educazione della gioventù, in Pietro Braido (ed.), Don Bosco Educatore, scritti e testimonianze, LAS, Rome 31997, p. 248ss. (Được trích dẫn từ khoản 17 trong tài liệu Charter of the Charismatic Identity of the Salesian Family – Rome 2012)
[11] X. khoản 7 – Charter of the Charismatic Identity of the Salesian Family – Rome 2012
[12] Khoản 2 trong tuyên ngôn của liên hiệp quốc về nhân quyền.
[13] Cf. Fr. Pascual Chávez Villanueva, Educazione e cittadinanza.Formal Lecture for the Honorary Degree, Genoa, 23 April 2007.
Giáng sinh, 25/12/2012
Cha Pascual Chávez V., SDB
Bề Trên Cả
PHỤ LỤC 2
THOÁNG NHÌN VÀO CUỘC ĐỜI CỦA DON BOSCO
16/08/1815 Sinh tại Becchi, Castelnuovo
11/05/1817 Francis Louis Bosco, bố của Gioan Bosco qua đời.
1824 Nhận được sự giáo dục của cha Giuse Lacqua tại Capriglio
1826 Rước lễ lần đầu
1828 Làm việc tại trang trại Moglia
1829 Học tiếng Ý và Latinh dưới sự bảo
trợ của cha Gioan Melchior Calosso
1830 Học sơ cấp tại Castelnuovo
1831 Học nhân văn và hùng biện tại Chieri
1835 Gia nhập chủng viện Chieri
05/06/1841 Thụ phong linh mục tại Chieri
11/1841 Gia nhập Học viện Giáo sĩ (Convitto Ecclesiastico) nhằm đào luyện thêm về mục vụ
08/12/1841 Khởi sự Nguyện xá sau khi gặp gỡ Bartholomeo Garelli
1844 Làm cha tuyên úy tại lưu xá được thành lập do chân phước Juliet Fraces Colbert de Maulevrier, bà bá tước Barolo
05/1845 – 03/1846 Nguyện xá lang thang
12/04/1846 (Chúa nhật Phục Sinh) thành lập Nguyện xá tại túp lều Pinardi. Don Bosco ốm thập tử nhất sinh. Mẹ Magarita của Don Bosco đến nguyện xá. Trường bình dân học vụ ban tối để dạy đọc, viết và toán.
1849 Mở Nguyện xá Thiên thần Hộ thủ.
Xuất bản cuốn Bạn của thanh thiếu niên và Vị thầy của dân chúng.
1850 Thành lập Câu lạc bộ công nhân hay Hội tương trợ cho các thanh thiếu niên lao động tại Turin.
1852 Được Tổng Giám mục Luy Fransoni chỉ định làm giám đốc của ba Nguyện xá.
1853 Phát hành Tập san Công giáo (Catholic Readings)
Thành lập xưởng đóng giày và xưởng may
1854 Thành lập xưởng đóng sách
Đaminh Saviô tham gia Nguyện xá
1855 Thành lập trường dạy văn phạm (cấp 1) tại Nguyện xá
1856 Khởi xướng xưởng mộc
Thành lập trường dạy văn phạm (trình độ 2 và 3)
Đaminh Saviô thành lập Hội lành Mẹ Vô nhiễm (nhóm hoạt động tông đồ giữa các bạn trẻ)
1857 Giuse Bongiovanni, người bạn thân của Đaminh Saviô, sau này là một linh mục, thành lập Hội lành Thánh Thể (để tôn thờ) và Hội Giúp lễ (dành cho nhóm giúp lễ).
16/04/1858 Chuyến đi Rôma lần đầu tiên để hoạch định vì sự bền vững của Nguyện xá trong tương lai
1859 Thành lập trường dạy văn phạm (trình độ 4 và 5) tại nguyện xá
(18/12) Thiết lập Tu hội Salêdiêng với 18 thành viên đầu tiên
1860 Sư huynh đầu tiên gia nhập Tu Hội Salêdiêng
1861 Xưởng in được khởi xướng
1862 Xưởng sắt được ra đời
(14/05) 22 thành viên khấn lần đầu trong Tu Hội
1863 Trường học đầu tiên được mở bên ngoài Valdocco: Mirabello
1864 Thiết lập Collegio tại Lanzo
Decretumm Laudis từ Rome, công bố Tu Hội Salêdiêng là một tu hội thuộc quyền Giáo Hoàng.
1865 Xuất bản cuốn Library of Latin Authors
1868 Thánh hiến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu
1869 Roma phê chuẩn Tu Hội Salêdiêng
Phát hành cuốn Library of Ilalian Youth
1870 Thành lập Collegio-Convitto tại Alassio
1871 Thành lập các trường học tại Marassi và tại Sampierdarena
05/8/1872 Hội dòng con Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu được thành lập
1874 Roma phê chuẩn Hiến luật Tu Hội
1875 Khai mở việc truyền giáo –
Những người Salêdiêng được sai đến Argentina, Uruguay, Pháp, Tây Ban Nha và Anh
1876 Thành lập Hiệp Hội Cộng Tác Viên
08/1877 Phát hành tờ báo Salesian lần đầu tiên
Tổng Tu Nghị (TTN) Salêdiêng lần đầu tiên (1880, 1883, 1886)
31/01/1888 Don Bosco qua đời tại Turin
24/071907 Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên phong “Đáng kính”
02/06/1929 Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên phong chân phước
01/04/1934 Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên thánh Don Bosco
Tác giả: cha Pascual Chávez V. SDB