Một trẻ mồ côi sau trận dịch tả: Don Bosco và cậu bé Phê-rô En-ri-a

Năm 1854, con đường sắt tuyến Tô-ri-nô và Gê-nô-va đã được khánh thành. Con đường này sẽ là đầu mối giao thông trong tương lai, nối nhiều vùng đất quan trọng lại với nhau. Chính vì thế, dân cư khắp nơi đổ về đây để lập nghiệp. Tô-ri-nô phát triển thành một thành phố nổi tiếng đông dân, văn minh và náo nhiệt.

1. Trận dịch tả

Mặt trái sự hào nhoáng và phát triển của Tô-ri-nô là thành phần di dân, họ sống chen chúc trong những khu ổ chuột, các nhà trọ chật hẹp bẩn thỉu và nghèo nàn. Sự có mặt đông đảo của họ là nguyên do cho tiền lương ít ỏi và hiện tượng bóc lột.

Vào mùa hè năm 1854, Tô-ri-nô đã hứng chịu một cơn dịch ta khủng khiếp, đe dọa đến tính mạng của mọi người, đặc biệt là những người dân lao động nghèo. Số người được cứu chỉ là 50% so với số người nhiễm bệnh. Và khu Borgo Dora là vùng chịu hậu quả mạnh nhất: chỉ trong một tháng đã có khoảng 500 người chết. Đây là vùng đất gần Valdocco, nơi có cơ sở của Nhà Dòng Sa-lê-diêng.

Rất ít người dám dấn thân vào việc chăm sóc người bệnh, vì việc lây nhiễm hầu như chắc chắn khi tiếp xúc với người bệnh. Đội ngũ nhiệt tình trong việc cứu giúp này gồm nhiều linh mục, trong đó có Don Bosco và có cả các trẻ của ngài cũng tham gia.

Sau vài tháng, thống kê tại Ý có khoảng 320.000 người chết, và tại Tô-ri-nô có 1.248 người chết do dịch bệnh. Kiệt quệ sau thảm cảnh cơn dịch, thành phố sống trong một hoàn cảnh đau buồn khác, đó là hiện tượng mồ côi. Trước tình trạng này, Don Bosco đã không khoanh tay ngồi yên, Ngài đã nhận khoảng 20 em và đưa về lưu xá của ngài tại Valdocco.

“Con muốn đến ở với Cha không?”

Phê-rô En-ri-a viết: “Tôi biết Don Bosco vào tháng 9 năm 1854, trong tu viện các Cha Đa Minh, nơi thu tập các trẻ mồ côi do trận dịch. Chúng tôi có khoảng hơn 100 bạn. Một ngày kia, Don Bosco đến, đi cùng với ngài là Cha Giám đốc Cô nhi viện. Tôi chưa từng thấy ngài bao giờ. Ngài có nụ cười thật tươi, khuôn mặt nhân hậu, và điều đó đã khiến tôi yêu ngài trước cả khi được nói chuyện với ngài. Ngài nở nụ cười chào tất cả chúng tôi. Ngài đến trước từng bạn và hỏi tên, họ, năm sinh, có học giáo lý chưa, đã Rước lễ Lần đầu, đã xưng tội chưa… Cuối cùng thì ngài đến chỗ tôi. Tim tôi đập liên hồi, không phải vì sợ, mà vì hồi hộp, vì nỗi cảm động dậy lên trong tôi… Ngài hỏi tên, hỏi họ của tôi… và rồi ngài nói: “Con có muốn đến sống với cha không? Chúng ta sẽ có một tình bạn đẹp mãi mãi cho đến khi vào Thiên Đàng. Con có muốn không?”.

“Ồ, thưa cha có”, tôi trả lời.

“Cả em này cũng sẽ đến chỗ con, chạ ạ” – Don Bosco nói với Cha Giám đốc.

Nơi Don Bosco có một cái gì đó rất thu hút khiến cậu bé tên Phê-rô En-ri-a đã phải mê mẩn ngay từ phút đầu. Có cái gì đó rất đặc biệt trong ánh nhìn, nụ cười, cách thức hành động. Và chắc chắn cái mà Phê-rô En-ri-a diễn tả ra bên ngoài như “nụ cười thật tươi, khuôn mặt nhân hậu…” ấy phải phát xuất từ niềm tin, từ sự an bình nội tâm, từ sự xác tín rằng có Thiên Chúa ở cùng, và nó đã giúp ngài truyền đạt cho các thanh thiếu niên niềm tin vào cuộc sống. Don Bosco bị thu hút bởi các trẻ nghèo, với mỗi em, cha hỏi về tên gọi, tên họ, và một vài thông tin khác. Chắc chắn, ngài quan tâm cách cá nhân đến từng em chứ không là một nhóm người chung chung. Ngài cũng không ngại hỏi về đời sống tinh thần của các em. Sau cùng là lời mời: “Con có muốn đến sống với cha không?”. Don Bosco chẳng hề hứa hẹn cho các em về tiền bạc, sự thành công hay nổi tiếng. Ngài chỉ bảo đảm cho các em về tình bạn thật sự và sự cứu rỗi linh hồn.

2. Cảm nhận được yêu mến

Phê-rô En-ri-a kể tiếp: “Sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên ấy ít lâu, cả hai anh em tôi được đưa đến lưu xá của Don Bosco. Lúc ấy tôi 13 tuổi và em tôi 11 tuổi. Mẹ tôi đã mất trong trận dịch, ba của tôi đang bị bệnh trầm trọng. Don Bosco đã nhận vào 15 trường hợp nghèo và mồ côi giống như tôi. Từ đó, tôi ở lại trong nhà của ngài, nơi mà mẹ của ngài và ngài đã đón nhận chúng tôi với tất cả tình thương mến”.

Trong những chứng từ của các thanh thiếu niên về Don Bosco, một chữ thường xuyên được lặp lại là “Yêu thương”, điều này ám chỉ đến cách thức mà vị linh mục đón tiếp, đối thoại các em, cách thức mà ngài quan tâm đến sự phát triển về thể lý và tinh thần của các em. Tình yêu của ngài không phải là tình yêu dễ dãi, nuông chiều, nhưng là một tình yêu đòi hỏi. Phê-rô En-ri-a kể: “Khi bước chân vào lưu xá, bọn tôi được Don Bosco và mẹ ngài đón tiếp rất tử tế. Ngài nói với tôi: En-ri-a này, con hãy nhớ là chúng ta luôn là bạn của nhau, nhưng để có tình bạn đó thì con cần phải luôn tốt lành và ngoan ngoãn”… Chúng tôi rất hạnh phúc khi ở với ngài, và với chúng tôi, ngài là người cha thực sự. Thỉnh thoảng ngài tâm sự với chúng tôi, kể về những giấc mơ của ngài”.

Ngay từ giây phút đầu tiên bước vào Lưu xá, Don Bosco đã tiếp đón các em với cách thức sao cho các em cảm nhận được họ là con của người cha duy nhất.

Như người cha thực sự, ngài không bao giờ tiếc xót điều gì. Phê-rô En-ri-a nhớ lại: “Don Bosco làm việc mọi lúc vì chúng tôi. Ngay từ sáng sớm, ngài luôn là người có mặt đầu tiên trong nhà nguyện. Tôi vẫn nhớ vào năm 1854, mùa đông năm ấy lạnh khủng khiếp. Trong nhà thờ rất lạnh, có lần trong lúc cử hành Thánh lễ, hai bàn tay ngài tê cóng, đến nỗi không cầm nổi lấy chén thánh, nhưng chưa bao giờ ngài than phiền, ngược lại luôn vui tươi và hài lòng. Ngài luôn nghĩ đế chúng tôi và quên đi chính mình. Biết bao vất vả ngài phải chịu vì chúng tôi, ai trong chúng tôi cũng biết ngài đã từng phải đến những nhà giàu có, hạ mình xuống để xin cho những trẻ nghèo của ngài có cơm ăn, áo mặc và điều kiện học hành. Không ít lần ngài đã bị sỉ nhục và từ chối. Don Bosco tiếp tục nhận vào nhà những trẻ nghèo mới. Tôi nhớ có lần mẹ của ngài đã phải kêu lên: “Gio-an này, con nhận vào quá nhiều trẻ. Chỗ nào cho chúng ngủ đây? Nhét chúng vào đâu đây? Chúng ta không có chỗ, không có giường, không có chăn, rồi chúng ta làm gì để nuôi chúng?”.

Tôi và em tôi ngủ trên đất, chỉ có cái bao đựng ít cây bắp khô lót dưới làm nệm. Một cái chăn nhỏ đắp cả hai anh em, ngoài ra chẳng có gì nữa. Thế mà chúng tôi lại thích hơn là được ngủ trên một chiếc giường êm ấm”. Chính tình yêu giúp ta vượt qua mọi khó khăn.

Ngày 31 tháng 1 năm 1888, Don Bosco qua đời. Bên cạnh giường của ngài có một cha Sa-lê-diêng, 47 tuổi. Người đó là Phê-rô En-ri-a.

***

LÒNG TRÌU MẾN TRONG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA DON BOSCO

Trong câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa Don Bosco và người trẻ Phê-rô En-ri-a, có một từ và một thái độ nổi bật, đó là “lòng trìu mến”. Trong phương pháp giáo dục của Don Bosco, tình trìu mến hướng về các em phải là một tình yêu được bày tỏ, là tình cảm được diễn tả bằng hành động, được nhận biết một cách rõ ràng.

Lòng trìu mến là một tổng hợp của khả năng, của các mối tương quan, của thái độ, của lối hành xử giữa người với người, là sự thương mến được biểu tỏ qua cử chỉ, ánh mắt, dấu hiệu, nụ cười, lời nói, cảm xúc, sự sẵn sàng có sức kiến tạo một tình thân, tình cảm, sự thấu hiểu giữa nhà giáo dục và người thụ huấn. Điều này biểu lộ sự quan tâm đến đời sống của người khác. Với lời nói và trên hết là hành động, nhà giáo dục phải tìm cách làm cho các thanh thiếu niên hiểu rằng sự cẩn thận chu đáo mà họ hướng các người trẻ, chỉ duy nhất phát xuất từ lợi ích về tinh thần và vật chất của các em mà thôi.

Trích CĐ Don Bosco số 35

Visited 1 times, 1 visit(s) today