Phỏng vấn Tư giáo Antôn Hoàng, một hội viên Salêdiêng Việt Nam đang tập vụ tại Cambodia

(Pnompenh, Cambodia – 26.10.2018) – Hiện nay, trong miền EAO của chúng ta có vài hội viên SDB được gửi đến một Tỉnh dòng khác để làm tập vụ, như từ Nhật Bản đến Inđônêsia hay Papua New Guinea, hoặc từ Việt Nam đến làm việc tại Philippines… Thầy Antôn Hoàng là một ví dụ. Thầy đang trong thời gian tập vụ năm thứ hai.

Hiện nay, tại Cambodia có 4 anh em tập vụ: 2 thầy gốc Cambodia và cũng là 2 Salêdiêng bản địa đầu tiên (thầy Nary và thầy Mony); tư giáo Raymond đến từ Ấn độ và tư giáo Antôn Hoàng đến từ Việt Nam.

Cộng thể SDB tại Pnompenh là một cộng thể quốc tế. Các hội viên thuộc các quốc tịch khác nhau như Cambodia, Ấn độ, Philippines và Việt Nam. Ngoài ra còn có một số thiện nguyện viên truyền giáo Salêdiêng đến từ Úc châu, theo Kế hoạch Cagliero.

Sau đây là cuộc phỏng vấn thầy Antôn Hoàng.

1- Sau 1 năm làm việc truyền giáo tại Cambodia, thầy có những cảm nghiệm gì?

+ Tôi đã đến và làm việc tại Cambodia hơn một năm qua và tôi cảm thấy hạnh phúc được tập vụ ở đây. Tôi có rất nhiều việc phải làm khi ở giữa các bạn trẻ. Cộng thể tôi đang ở cũng là một cộng đoàn tuyệt vời. Tôi luôn cố gắng chu toàn mọi bổn phận theo thời khóa biểu hằng ngày, đặc biệt luôn trung thành với việc cầu nguyện, cá nhân cũng như cộng thể. Điều đó đem lại cho tôi hạnh phúc thực sự.

2- Điều gì khiến thầy cảm thấy vui thích khi sống ở đây, giữa các em học sinh Cambodia?

+ Có 2 điều. Thứ nhất, tôi luôn ghi nhớ lời căn dặn của cha linh hướng khi tôi còn ở Việt Nam. Tôi bộc bạch cõi lòng với Ngài và Ngài đã chỉ dẫn cho tôi. Thứ đến, Tổng Tu nghị 27 đã soi sáng và khởi hứng cho tôi về ơn gọi Salêdiêng với 3 chiều kích căn bản: ‘Đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng – Sống đời sống cộng thể – Làm việc cho giới trẻ’. Tôi cố gắng sống và thực thi những quy chuẩn này. Điều đó đem lại hạnh phúc thực sự cho tôi.

3- Thầy là một hội viên rất trẻ đang trong giai đoạn tập vụ. Điều khó khăn đối với thầy hiện nay là gì?

+ Khó khăn và thách đố đối với tôi không phải là việc xin đi truyền giáo tạm thời hay vĩnh viễn. Nhưng, điều quan trọng là tôi phải cố gắng sống hoàn thiện mỗi ngày, sao cho cuộc sống của tôi luôn xứng hợp với sứ mệnh Salêdiêng.

4- Làm hộ trực các em học sinh Cambodia, thầy đã học hỏi được những kinh nghiệm gì?

+ Sau một năm hộ trực các em, tôi thấy các em rất kiên trì và khiêm tốn. Tuy nhiên, các em cũng tỏ ra khá thụ động và khó tin tưởng.

5- Thầy muốn chia sẻ những kinh nghiệm gì cách riêng đối với các anh em SDB trong thời kỳ hậu tập viện?

+ Tôi chỉ xin gợi nhắc một vài điều sau:

– Cần luôn có Chúa ở trong tâm hồn mình.

– Cần bám vào cộng thể, chia sẻ với cộng thể, tin tưởng anh em trong cộng thể và xây dựng cộng thể huynh đệ để sống chan hòa với nhau.

– Cần có một cha linh hướng.

– Cần có đầu óc và con tim rộng mở để có thể hiểu được giới trẻ mà chúng ta đang phục vụ.

Ghi chú: Miền EAO của chúng đang có 1450 hội viên SDB. Những anh em tự nguyện dấn thân đi truyền giáo ở những nơi xa cũng nhắc nhở chúng ta hãy quảng đại thoát bỏ những pháo đài cư trú nhàn hạ và an toàn để ra đi, lên đường, phục vụ cho Vương quốc Nước Trời.

Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Văn Hào, SDB chuyển ngữ

Visited 16 times, 1 visit(s) today