(Araimi, Papua New Guinea – 20.10.2018) – Tại các trường Salêdiêng, chúng ta thường thấy treo ảnh Don Bosco. Điều này gợi nhắc cho các học sinh biết rằng, Don Bosco chính là người Cha, người Thầy và cũng là người bạn của các em, những người trẻ. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy bức chân dung của Don Bosco được treo ở giữa một ngôi làng miền quê nghèo nàn, xa xôi và hẻo lánh như điểm truyền giáo Araimiri ở đây, thì điều đó mang ý nghĩa gì?
Có phải vì Don Bosco luôn quan tâm đến người nghèo như Thánh Phanxicô Assisi, như Thánh Vinh sơn Phaolô, hay như Cha Thánh Đamiêng, thánh Martin de Porres? Không phải thế. Don Bosco vẫn là Don Bosco, là người cha của các thanh thiếu niên nghèo khổ và bị bỏ rơi. Tuy nhiên, chính Don Bosco đã được sinh ra trong một gia đình rất nghèo, giữa vùng quê cũng khá nghèo nàn. Ngài đã từng trải nghiệm nếp sống nghèo ngay từ nhỏ và Cha Thánh luôn đồng cảm với những người sống trong cảnh nghèo túng. Nhưng đối tượng mà Don Bosco nhắm tới là các bạn trẻ nghèo, những con người bị bỏ rơi và không có điều kiện để sống đúng với phẩm giá của mình. Trái tim yêu thương của Ngài lúc nào cũng mang chở một tình yêu sâu đậm dành cho các bạn trẻ nghèo khổ và bị gạt ra bên lề xã hội. Các người trẻ tuy nghèo về tiền bạc hay của cải vật chất, nhưng lại rất giầu về tiềm năng để vươn lên với niềm hy vọng tràn trề.
Khi sống giữa những con người quá nghèo khổ, nhiều khi chúng tôi không có gì để giúp họ về vật chất hay tiền bạc, nhưng chúng tôi vẫn có những tấm lòng để trao ban, dù chỉ là một nụ cười, một ánh mắt hay một nghĩa cử thân thương. Anh em chúng tôi vẫn luôn ở giữa họ để đồng cảm và chung chia nếp sống cơ cực với họ.
Don Bosco có nhiều cách để can thiệp và trợ giúp chúng tôi. Chúng tôi cũng có xe máy để đến với họ tại những giáo điểm xa xôi. Chúng tôi cũng có chiếc thuyền nhỏ để chèo tới những hòn đảo heo hút. Chúng tôi còn có đôi chân để có thể đi bộ hàng chục cây số, băng qua những khu rừng vắng. Nhưng điều quý giá hơn cả, đó là Don Bosco còn cho chúng tôi một trái tim để biết rung lên những giai điệu của sự đồng cảm và yêu thương khi đến với họ.
Anh em SDB chúng tôi đang làm việc tại giáo xứ Araimiri, giáo xứ Đức Mẹ Phù hộ thuộc giáo phận Kerema. Giáo xứ chỉ có vài trăm giáo dân, ở rải rác trong khu ổ chuột gần một bãi rác lớn. Đa phần dân chúng ở đây sống bằng nghề bới rác. Ngày Khánh nhật Truyền giáo hôm qua, chúng tôi cử hành Thánh lễ rất đơn sơ và mộc mạc. Chúng tôi không có những bài thuyết trình với lời lẽ bay bướm hay có những buổi diễn nguyện mang tính kinh điển. Song, chúng tôi cử hành Ngày Truyền giáo bằng chính cuộc sống cụ thể tại giáo điểm xa xôi thuộc quần đảo Papua New Guinea nơi đây. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một cộng đoàn đức tin, liên kết những con người nghèo khổ sống rải rác tại khu ổ chuột này. Tại các buôn làng, chúng tôi còn mở thêm 3 nhà trẻ và các anh em trong cộng đoàn cũng đang điều hành một trường Kỹ thuật để giúp các bạn trẻ thất học có điều kiện vào đời.
Xin thêm lời cầu nguyện cho anh em chúng tôi và cho sứ mệnh truyền giáo Salêdiêng mà chúng tôi đang thực thi.
Bài viết của Cha Giuse Thành, SDB
Văn Hào, SDB chuyển ngữ