Tích tắc, tích tắc… tích tắc…
Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ nhẫn nại vang trong đêm vắng. Xoay mình trằn trọc, chỉ có tiếng tích tắc làm bạn, tiếng gõ vô tư cứ vang lên từng tiếng đều đặn, đơn điệu, làm cho đêm tịch mịch thêm dài, thêm trầm lắng. Thả hồn tự do theo tiếng gõ, tâm trí tự nhiên đếm theo tiếng gõ cách vô thức: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7…
Một giờ có 3.600 tiếng tích tắc, mỗi ngày có 86.400 tiếng tích tắc vang lên, và một năm tròn với 31.536.000 tiếng tích tắc. Từng tiếng tích tắc ấy chứa một khoảng thời gian nhất định, rất chuẩn xác, không thay đổi. Từng tiếng tích tắc ấy cứ kiên trì gõ, dù là xuân-hạ-thu-đông, dù trời mưa hay nắng, dù buồn hay vui, chiến tranh hay hòa bình!
Ồ! thế mà cả quãng đời dài trôi qua, tôi chưa hề nghĩ đến sự tồn tại của những tiếng tích tắc này. Tuy nhiên, cho dù tôi không biết, tiếng tích tắc vẫn cứ làm bổn phận gõ nhịp thời gian của mình với độ chính xác cao nhất. Cho dù tôi không ý thức để rồi có lúc cảm nhận thời gian lúc nhanh lúc chậm, thì tiếng tích tắc ấy cũng không vì thế mà lỗi nhịp. Cho dù tôi có muốn dừng lại hay không thì tiếng tích ấy vẫn như đoàn tàu âm thầm đi về vĩnh cửu.
Chợt nghĩ đến chiếc đồng hồ quả lắc khổng lồ nhà hiền triết nọ treo trong phòng làm việc. Tiếng gõ của nó trang trọng, chậm rãi, vang dội. Một học sinh hỏi: “Thưa thầy, tiếng đồng hồ không làm phiền thầy sao?”. Vị hiền triết đáp: “Không, bởi mỗi giờ trôi qua, ta sẽ buộc phải tự vấn bản thân: Tôi đã làm gì trong giờ vừa qua?”
Tiếng tích tắc cho tôi nhiều bài học,
- bài học về sự trung tín: “Phải trung tín trong việc nhỏ mới có thể trung tín trong việc lớn” (Giê-su)
- bài học về cách sử dụng thời gian: “Nhiều chấm vẽ thành một đường thẳng, nhiều phút sống làm thành đời sống. Từng chấm đẹp, đường sẽ đẹp. Từng phút sống thánh, đời sẽ thánh” (Phan-xi-cô Xa-vi-ê Thuận).
Cảm ơn một đêm khó ngủ và những tiếng tích tắc kiên trì.
Vô Ảnh