TÔI HỌC CHỮ NHẪN

Trong chuyên đề Don Bosco số trước,  chúng ta đã cùng nhau nhìn thấy nơi nhân vật mang Don Bosco là một con người với những giấc mơ lớn lao. Cả đời ngài đã nỗ lực làm cho giấc mơ ấy thành hiện thực. Nhưng chúng ta đừng tưởng mọi sự đều bằng phẳng khi hiện thực giấc mơ. Giấc mơ lớn lao đòi hỏi chữ nhẫn cũng thật lớn lao. Hai điều ấy tỷ lệ thuận với nhau. Chính nhờ chữ nhẫn này mà ta nhận ra sự khác biệt giữa một giấc mơ đích thực và giấc mơ hão huyền. Giấc mơ lớn trở thành động lực để người ta nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh để đạt được mục tiêu cao quý ấy.

Theo bản tính tự nhiên, Don Bosco rất nóng nảy. Trong giấc mơ năm lên chín tuổi, cậu đã tỏ cho thấy sự nóng nảy mỗi khi gặp trái ý. Cậu nghe thấy những đứa trẻ văng tục, chửi thề, và có những lời xúc phạm đến Chúa, thế là cậu lập tức vung tay, dùng vũ lực trấn át để bắt chúng im. Giấc mơ thật đến nỗi ban sáng dậy, cậu vẫn cảm thấy tay bị đau. Sau này, chính Don Bosco thú nhận mỗi lần nghe thấy một ai phạm thượng, chửi tục, ngài không thể kiềm chế được, nếu ngài có mặt lúc đó.

Thời niên thiếu và lúc đi học, có lần cậu thấy bạn mình bị những tay “du côn” trong lớp ăn hiếp, cậu đã hóa điên, tóm lấy một đứa và dùng hắn làm vũ khí để quật ngã những đứa khác. Sức mạnh ghê gớm đó đã khiến những kẻ chứng kiến nể sợ. Nhưng phản ứng của người bạn đã khiến cậu suy nghĩ khi nói: “Bạn làm mình khiếp sợ. Chúa ban cho bạn sức mạnh không phải để hủy diệt”. Cậu Gio-an Bosco đã học chữ nhẫn từ điều cụ thể này.

Sự kiên nhẫn chỉ nên rõ ràng và trở thành thuộc tính nơi Don Bosco khi ngài bắt đầu làm việc với thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi. Thực tế nơi các trẻ nghèo dậy ngài phải kiên nhẫn thế nào để chiếm được cõi lòng của người trẻ và để giáo dục họ.

Ngày nọ, một số trẻ đến và ngài cho các em tá túc với chăn ấm nệm êm, thế nhưng sáng hôm sau tất cả đã  biến mất. Nhiều kinh nghiệm như thế đã lặp lại, nhưng Don Bosco không thất vọng. Rồi thì mọi sự đã thay đổi. Một buổi tối, có một em nhỏ đến xin ngài trú ngụ. Ngài có vẻ không muốn vì sợ em sẽ cuỗm đi tất cả như những người trẻ đã đến trú ngụ trước đó. Nhưng mẹ ngài, một bà mẹ quê lại có lối hành xử khác. Bà cho cậu nhỏ được no lòng bằng chén canh nóng hổi, rồi bà chuẩn bị chỗ ngủ cho em. Trước khi em đi nghỉ, bà âu yếm, ân cần nói với em đôi lời khuyên nhủ như một bà mẹ tốt lành. Và kết quả là sáng hôm sau, mọi sự không chỉ còn nguyên vẹn mà lại ngăn nắp nữa.

Don Bosco đã kiên nhẫn để học tin tưởng vào những người trẻ, ngay cả khi sự đáng tin nơi chúng là rất ít. Sau nhiều năm hiện diện giữa các trẻ nghèo như một nhà giáo dục, Don Bosco tóm tắt bí quyết giáo dục của mình bằng “tình yêu kiên nhẫn”. Ngài thú nhận rằng, ngay lúc ban đầu công cuộc của ngài đúng là một thứ hỗn độn. Các thiếu niên như ngựa hoang nghịch phá mọi thứ. Chẳng lạ gì mà vườn rau của mẹ Magarita bị phá nát, những chuồng gà bà nuôi đã bị phá tan tành. Chẳng lạ gì mà những người xung quanh không chịu nổi sự phá phách của bọn trẻ và báo cho cảnh sát để đuổi Don Bosco đi khỏi vùng của họ. Chẳng lạ gì mà chính bà bá tước Barolô rất khó chịu vì đám trẻ bụi đời cứ chạy nhảy khắp mọi chốn trong khu nhà sang trọng của bà, nơi Don Bosco đang làm tuyên úy cho các trẻ nữ trong Viện mồ côi của bà.

Don Bosco đã phải kiên nhẫn để dần đưa các thiếu niên đường phố ấy vào con đường của trưởng thành, của tự chủ, của kỷ luật, của ngăn nắp. Chính ngài nói rõ: nếu ngài đã muốn và cố làm cho mọi sự vào nề nếp ngay từ ban đầu thì công cuộc của ngài đã chẳng thể tồn tại và phát triển. Chữ nhẫn của Don Bosco đã chinh phục tất cả. Chữ nhẫn đó được tỏ lộ trong châm ngôn rất lạ của riêng ngài: “Con hãy làm cho mình được yêu mến.” Tuổi niên thiếu chỉ thua cuộc trước những con người yêu thương họ trong kiên nhẫn mà thôi.

Don Bosco đã học kiên nhẫn trong giáo dục bằng cách làm cho hạt giống tin tưởng được nảy mầm. Chữ nhẫn của giáo dục không thể nào thành đạt nếu không có chữ nhẫn trong tâm hồn, một tâm hồn nhìn ra được ngay cả những thiện ý nhỏ bằng hạt cải mà thôi.

Huệ Nhẫn

Visited 4 times, 1 visit(s) today