TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC

Câu chuyện “Hôi của” xảy ra lúc 13 giờ ngày 4 tháng 12 vừa qua, đã “gọi tên” một hiện tượng đáng buồn trong xã hội Việt Nam chúng ta. Gần 1.500 két bia Tiger được “dọn dẹp” nhanh gọn chỉ trong thời gian ngắn do những người đi đường hôi của. Người dân ăn cướp mà không biết mình ăn cướp, lại còn vui vẻ gọi nhau ra lấy, có người đem bao, đem cả ba gác để chở bia về nhà, mặc cho tài xế gào khóc, van xin.

Hiện tượng này như cú đập mạnh vào nền đạo đức và nhất là tâm hồn người dân, bắt ta phải thức tỉnh. Nhiều bức xúc được phát biểu sau sự cố này. Và không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà clip này cũng đã được chiếu tại Nga. Xấu hổ, đắng lòng trước hiện tượng này. Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Khanh đã đề cập đến tâm lý đám đông, đến sự sai lệch nhận thức, sai lệch giá trị, sai lệch tiêu chuẩn đạo đức. Điều đáng nói là sự sai lệch ấy không còn ở phạm vi cá nhân, nhưng ở đám đông. Và ông nói, hiện tượng này cảnh báo đạo đức đang xuống dốc trầm trọng, một khủng hoảng về nhân cách, về niềm tin.

Hôi của trong cấp độ này được coi như ăn cắp giữa ban ngày. Chỉ khác ở tâm trạng, kẻ cướp biết mình ăn cướp, người hôi của thì không. Họ tưởng mình nhặt được của rơi! Một sự “tưởng” rất ngây thơ hơn trẻ nhỏ. Có lẽ, chỉ lúc này khi cộng đồng lên án, khi chính quyền vào cuộc, và nhất là khi nhìn clip quay lại trên Internet, những ai đó đã tham gia vụ cướp chắc sẽ nhớ “cuộc ăn cắp” này suốt đời.

Đang khi nhìn chuyện người, ta cần rút ra bài học cho chính mình. Hôi của đi ngược lại với giá trị đạo đức của con người, là điều đáng lên án và không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh, hiện đại, nơi mà nhân quyền được đề cao và tôn trọng. Ta cần học biết tôn trọng người khác, nhưng sẽ chẳng có điều này nếu không biết tự trọng trên chính bản thân. Người tự trọng bản thân và tôn trọng người khác sẽ “không nhặt của rơi”, “không tham của người”, “biết giúp người khi người gặp hoạn nạn”.

Mỗi hành động của chúng ta đều mang một giá trị và gây ảnh hưởng nào đó trên những người xung quanh. Thái độ tôn trọng người khác không là điều tự nhiên, nhưng là kết quả của quá trình cọ xát, học làm người, học cùng chung sống. Điều này dẫn đến kết luận khác là không phải cứ lớn tuổi là biết tự trọng và tôn trọng người khác.

Để sống nhân bản hơn, ta hãy tự dặn mình “Làm người ai lại làm thế”, lòng tự trọng và tôn trọng cho ta lối hành xử dứt khoát: những gì không phải của mình thì không được lấy, không được xem là của riêng. Bù vào, hãy biết “thương người nhu thề thương thân”. Phải chăng đây là điều cần phải làm mới lại nơi mỗi người chúng ta?.

Thiên Hằng, FMA

Visited 4 times, 1 visit(s) today