Trong Thánh lễ buổi sáng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chân nhận rằng, đây là một ‘Lô-gíc khó’ để thực hành
Chúng ta được mời gọi chúc lành và yêu mến kẻ thù của mình và cả những người bắt bớ chúng ta.
Theo tin Vatican, Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mọi gọi thách đố này trong thánh lễ ban sáng tại nguyện đường Casa Santa Marta ngày 19.6.2018. Ngài suy niệm bài Phúc Âm theo thánh Mát-thêu (Mt 5:43-48), trong đó Chúa Giê-su mời gọi những người theo Ngài cần đạt đến một tiêu chuẩn cao hơn trong mối tương giao nhân loại, để trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời.”
Để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng các người Ki-tô cần phải tha thứ, yêu mến, và chúc lành cho những thù địch của mình. Ngài nói: Mầu nhiệm của đời sống Ki-tô hữu là yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng để được tha thứ, chúng ta cũng phải biết thứ tha. Thách đố lớn lao cho các người Ki-tô hữu là biết làm chủ các cảm xúc và những phản kháng tự nhiên nơi mình để có thể chúc lành và yêu thương những kẻ đối xử không tốt với mình.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Hãy biết cầu nguyện cho nhũng kẻ muốn tiêu diệt ta, những kẻ thù của ta, để Thiên Chúa cũng chúc lành cho họ: Điều này thật khó hiểu. Chúng ta có thể nhớ lại những biến cố của thế kỷ trước, như trường hợp những Ki-tô hữu người Nga nghèo khổ bị đày ải tới Siberia để cho chết vì lạnh giá chỉ vì họ là những người Ki-tô hữu. Liệu họ có biết cầu nguyện cho chính phủ đã từng đày ải họ đến đó không? Sao lại có thể như thế được? Thế mà nhiều người đã làm vậy: Họ đã cầu nguyện.”
Đức Thánh Cha tiếp: “Chúng ta cũng nghĩ đến trại tập trung Auschwitz và những trại tập trung khác. Liệu họ có cầu nguyện cho kẻ độc tài, một kẻ chỉ muốn một thứ ‘chủng tộc ưu tú’ để rồi dám giết người mà không do dự, ngần ngại, vậy đến mức đó, liệu có nên cầu xin Chúa chúc lành cho ông ta không? Thế mà nhiều người đã làm vậy.”
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta phải học từ Chúa Giê-su và các vị tử đạo là những người đã từng thực hành cái “lô-gic khó” này. Chúng ta có thể thấy điều này ngay trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su cho những kẻ đã kết án Ngài phải chết trên Thập giá, và Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ.”
“Có một khoảng cách vô tận giữa chúng ta vốn là những người thường từ chối tha thứ kể cả trong những vấn đề nhỏ nhoi và giữa những gì Thiên Chúa yêu cầu ta thực hiện. Chính Ngài đã làm gương cho chúng ta: Tha thứ cho những muốn tiêu diệt mình.
Việc này thường cũng rất khó khăn trong nhiều gia đình, ví dụ, khi vợ chồng cần tha thứ cho nhau sau một cuộc cãi vã, hay khi phải tha thứ cho người mẹ vợ hoặc mẹ chồng.
Đức Thánh Cha nói rằng việc này không dễ dàng.
Đức Thánh Cha nhận định: “Hơn nữa, chúng ta được mời gọi phải tha thứ cho những kẻ muốn khử trừ chúng ta, muốn loại bỏ chúng ta… Không chỉ tha thứ, mà còn phải cầu xin Chúa bảo vệ họ nữa! Thậm chí còn phải yêu thương họ. Chỉ những lời của Chúa Giê-su mới mang lại lời giải thích cho điều này”.
Đức Thánh Cha ghi nhận đó là một ân ban khi “muốn hiểu về mầu nhiệm Ki-tô giáo và nên hoàn thiện như Cha Trên Trời, Đấng luôn mưa ân huệ của Người trên những người tốt cũng như kẻ xấu.”
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kết luận bằng lời mời gọi các tín hữu nghĩ về những người thù địch của họ ngày nay và cầu xin Chúa để có thể biết yêu thương họ.
“Cha thiết nghĩ tất cả chúng ta đều có một ai đó đã làm tổn thương hoặc muốn làm tổn thương chúng ta. Lời cầu nguyện của nhóm Mafia là: “Ngươi sẽ phải trả nợ cho ta”. Còn lời cầu nguyện của một người Ki-tô hữu là: “Lạy Chúa, xin hãy chúc lành cho họ, và dạy con biết yêu thương họ.” Chúng ta hãy cùng nghĩ đến kẻ thù của mình, và cầu nguyện cho họ. Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta biết yêu mến họ.
Hà Hiến chuyển ngữ