Xê-da-rê là một thành phố cổ và được biết tới nhiều do tầm mức quan trọng của nó về địa lý: một cảng biển quan trọng và về mặt hành chính: đây là nơi quan tổng trấn Phi-la-tô cư ngụ để điều hành miền Giu-đa. Hoàng đế Ottaviano Augusto đã ban vùng này cho vua Hê-rô-đê Cả. Vì thế, năm 20 trước CN, Hê-rô-đê bắt đầu xây dựng nơi đây thành một thành phố cảng lớn và dâng kính thành phố này cho hoàng đế Xê-da-rê. Chính vì thế, thành phố được mang tên Xê-da-rê.
Kiến trúc. Thành phố mới này được xây dựng theo kiểu kiến trúc Rô-ma với những hí trường, nhà hát lộ thiên, nhà tắm hơi… Vào năm thứ 6 sau công nguyện, thành phố Xê-da-rê trở thành thủ phủ của miền đất Giu-đa. Tổng hành dinh của các quan tổng trấn Rô-ma được đặt ở đây gần 600 năm. Vị tổng trấn thứ 5 cai trị vùng Giu-đa là Pon-xi-ô Phi-la-tô, người đã xử án và ra lệnh tử hình Đức Giê-su. Tổng trấn Phi-la-tô cai trị từ năm 26 đến 36 sau công nguyên.
Khi đến Xê-da-rê, nhìn thấy nền móng của những gì còn sót lại nơi đây, tôi có thể tưởng tượng ra sự vĩ đại và đẹp đẽ của một thành phố cảng nổi tiếng một thời. Theo như bản đồ phác họa lại, thì đây quả là một công trình tuyệt vời. Tại Xê-da-rê, du khách vẫn còn nhìn thấy được hệ thống dẫn nước của thành phố. Hệ thống này được xây dựng dọc bờ biển, cao khoảng 5 hay 6 mét.
Thánh Kinh. Thành phố Xê-da-rê được nhắc tới vài lần trong Tân Ước. Sách Công vụ Tông Đồ ghi lại biến cố tông đồ Phi-líp-phê gặp vị thái giám người Ê-thi-óp. Sau khi giải thích Kinh Thánh và làm phép rửa cho viên thái giám, Phi-líp-phê tiếp tục rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su tại Xê-da-rê (xem Cv 8,40). Một biến cố khác cũng xảy ra tại đây khi Phê-rô gặp Co-nê-li-ô, một viên đội trưởng nhờ tới sự can thiệp của Thiên Chúa (Cv 10,1-33). Co-nê-li-ô đón nhận Tin Mừng và chịu phép rửa.
Phao-lô cũng có nhiều kỷ niệm tại thành phố này. Từ Đa-mát, Phao-lô lên Giê-ru-sa-lem để gặp các tông đồ để tường thuật lại những điều Thiên Chúa đã thực hiện trên cuộc sống của mình. Tại đây ông mạnh dạn rao giảng và tranh luận với những người Do Thái, nhưng họ ghét và tìm cách giết ông, nên Phao-lô trốn khỏi Giê-ru-sa-lem để đi Xê-da-rê về Tác-xô (x. Cv 9,26-30).
Một lần khác, Phao-lô bị bắt và bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng ở Giê-ru-sa-lem; nhưng Phao-lô đã gây ra sự chia rẽ giữa những người trong Thượng Hội Đồng khi nhắc tới vấn về kẻ chết sống lại, bởi vì có một số người trong họ thuộc nhóm Xa-đốc. Họ chống đối nhau gay gắt, vị chỉ huy trưởng lo cho tính mạng của Phao-lô, nên đưa Phao-lô về đồn. Tại đây, người cháu của Phao-lô biết âm mưu của những người Do Thái muốn giết Phao-lô, nên cậu đến báo tin cho Phao-lô. Do đó, Phao-lô được đưa xuống giam giữ tại Xê-da-rê trước khi đem sang Rô-ma để được xét xử, vì ông là công dân Rô-ma.
Khảo cổ. Nhiều di tích cổ được tìm thấy tại Xê-da-rê; trong khi khai quật nhà hát cổ vào những năm 1959 -1964, người ta tìm thấy một bia đá trên đó có khắc tên Pon-xi-ô Phi-la-tô với tước hiệu “Tổng trấn miền Giu-đa”. Đây là một trong những khám phá có ý nghĩa về lịch sử. Hiện nay bia đá đang được trưng bày tại viện bảo tàng Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, người ta còn tìm thấy một tượng đá tạc hình “Vị Mục Tử Nhân Lành”. Đây là một tượng quí giá, mang tính biểu tượng Ki-tô giáo: Đức Ki-tô là Vị Mục Tử Nhân Lành.
Thành phố Xê-da-rê đã bị Saladino và đạo quân hồi giáo tàn phá bình địa vào năm 1291. Thế nhưng, những gì còn sót lại hiện nay của thành phố cũng đủ làm tôi kinh ngạc khi mường tượng ra vẻ đẹp trước đây của nó.
Khi đứng trên nền móng của những di tích cổ, một suy nghĩ nhỏ thoáng đến trong đầu tôi: Tất cả rồi sẽ qua đi theo thời gian. Không có gì là vĩnh cữu cả. Con người cần xây dựng và đặt cuộc sống của mình trên những gì bất biến, đó chính là Thiên Chúa. Những gì thuộc về Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi.
Chào các bạn. Hẹn gặp lại. Shalôm!!!