Niềm vui là khát vọng ẩn chứa trong lòng mỗi người. Cuộc sống sẽ tẻ nhạt nếu vắng bóng niềm vui, nhất là đối với tuổi trẻ. Với Don Bosco, niềm vui là yếu tố quan trọng trong giáo dục, ngài xót xa khi thấy các trẻ em bị bỏ rơi, buồn bã, không được người lớn quan tâm, yêu thương và giáo dục. Ngài hiểu rằng nhu cầu sâu xa hơn cả của các em là niềm vui, là tự do, là trò chơi. Cần tạo một môi trường lành mạnh, vui tươi thì mới có sức chữa lành những vết thương tâm hồn của các thanh niên hư hỏng và mới giúp các em sống hạnh phúc và lớn lên cách toàn diện.
MÔI TRƯỜNG CHAN HÒA NIỀM VUI
Don Bosco muốn niềm vui phải tràn ngập trong nhà, trong trường và trong mọi sinh hoạt. Âm nhạc, sân khấu, kịch tuồng, các trò chơi, theo ngài, chúng vừa là phương tiện hữu hiệu để giữ kỷ luật, mưu ích cho luân lý, sức khỏe và còn tạo nên bầu khí sống động, vui tươi. Nơi đây, nhiều ngày lễ được mừng và được cử hành thật thiêng liêng, trọng thể, để tôn vinh Thiên Chúa, giúp người trẻ có những cảm nghiệm thiêng liêng. Ngày lễ còn mang sắc thái tưng bừng, vui tươi vì tiếng đàn, tiếng hát, những tiết mục văn nghệ ý nghĩa, những trò chơi hấp dẫn, sáng tạo, những bữa tiệc ấm áp tình gia đình.
Tôn giáo, việc đạo đức không nặng nề, trừu tượng nhưng bén rễ trong đời sống hàng ngày, được Don Bosco và các cộng sự viên trình bày một cách nhẹ nhàng, sống động, phấn khởi, xác tín. Nhờ thế, các em hăng say, tự nguyện, vui vẻ thực hành việc đạo đức. Đây là những phương thế ưu biệt có sức tác động vào đời sống của các em, giúp các em thay đổi nội tâm và sống cách tốt đẹp.
Việc học là một trong những bổn phận chính yếu, học tập giúp các em suy nghĩ, phê phán, mở rộng kiến thức và chuẩn bị cho tương lai. Xuất thân từ nhiều miền khác nhau, nhiều độ tuổi, nhiều trình độ, nhiều em mất căn bản, không thích học. Để giúp các em vui vẻ và hăng say học tập, ngài khuyên các giáo sư cần làm mọi cách để việc học hành đối với các em trở nên phấn khởi, hứng thú.
Các thanh thiếu niên sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ, hồn nhiên, dễ dàng bộc lộ chính mình khi được hít thở trong một bầu khí gia đình. Hiểu được điều này, Don Bosco khuyên các nhà giáo dục và cộng sự viên hãy trở nên như những người thân của các em. Niềm vui cũng cần tỏa rộng nơi nhà giáo dục, nhờ đó, những thông điệp, những điều dạy dỗ trở nên hấp dẫn, đáng tin cậy. Trong môi trường gia đình nhưng phải có kỷ luật, kỷ luật và niềm vui xem ra khó đi đôi với nhau, nhưng vị thánh giáo dục đã dùng nhiều cách để làm nhẹ bớt không khí kỷ luật. Các em được cho biết rõ về luật, được mời gọi tuân thủ với ý thức và tự do, được nhắc nhở qua việc rỉ tai, đối thoại, chỉ dùng sức mạnh tình yêu để thuyết phục và sửa phạt.
NIỀM VUI ĐÍCH THỰC, SÂU XA
Don Bosco xác quyết rằng niềm vui sâu xa, đích thực kín múc từ Thiên Chúa và nếu con tim không có bình an với Thiên Chúa thì luôn sầu khổ, bất ổn. Chuyện của cậu Michel Magone 13 tuổi là một trong những câu chuyện nói lên điều đó.
Michele Magone mồ côi cha, chỉ còn mẹ. Cậu là đại tướng của bọn trẻ và thích làm những chuyện phá phách, ngang ngược. Sau khi gặp Don Bosco tại nhà ga Carmagnola, nước Ý, cậu được mời vào trường của ngài. Tại đây, Magone bị thu hút ngay bởi có nhiều bạn, nhiều trò chơi. Vào giờ chơi, cậu sung sướng vui chơi, chạy nhảy không biết mệt và biết chán. Nhưng một hôm, Magone trầm tư hẳn, chẳng thiết tha gì đến việc vui chơi. Cậu lầm lì, bất an, đau khổ, bị dằn vặt vì thấy mình tội lỗi và không xứng đáng như các bạn. Hơn ai hết, vị thánh giáo dục rất thấu hiểu tâm hồn cậu. Ngài đã giúp cậu xưng tội thật sốt sắng. Thế là một niềm vui rất khác ngập tràn tâm hồn cậu. Một niềm vui sâu hơn và lớn hơn nhiều so với niềm vui từ các trò chơi mà cậu từng cảm nghiệm. Kể từ đó, Magone đã thực sự được biến đổi. Cậu trở nên một thiếu niên chăm chỉ học hành, siêng năng trong các việc đạo đức, vui vẻ, hạnh phúc và cử xử rất tốt đối với mọi người. Cậu đã qua đời một cách lành thánh khi còn rất trẻ và trở thành mẫu gương thánh thiện cho các thanh thiếu niên.
“Không thể có niềm vui sâu xa, đích thực nếu không phát xuất từ Thiên Chúa và được biểu lộ qua việc tôn trọng và dấn thân phục vụ tha nhân”. Trong khoa sư phạm của Don Bosco, đức ái chiếm một chỗ ưu biệt. Với ngài, người trẻ đạt tới trưởng thành khi biết trao ban chính mình qua việc liên đới và làm tông đồ. Niềm vui thật sự và sâu sắc là niềm vui biết trao ban. Thật tốt đẹp khi các học sinh lớn biết giúp các em nhỏ và chỉ vẽ cho các học sinh mới đến. Hăng say, tự nguyện làm nhiều việc tông đồ như giúp người nghèo, giúp các nạn nhân bị bệnh dịch tại các khu phố …
Thanh thiếu niên rất yêu mến Don Bosco. Ngài ở giữa các em cách gần gũi, sống động, vui tươi và luôn tạo sự phấn khởi cho các em. Ngài thường nói: “Con hãy vui vẻ, nhưng niềm vui của con là của một lương tâm tẩy trừ khỏi tội lỗi”. Bằng nhiều cách khác nhau, ngài giúp cho thanh thiếu niên sống vui tươi. Vui tươi là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Để trở nên một người trẻ tốt, ngài đề nghị cậu bé Francesco Besucco ba điều: Vui vẻ, học tập và đạo đức.
Được sống với ngài, các em đều muốn là bạn của ngài. Một trong những điều kiện để thiết lập tình bạn với Don Bosco chính là vui vẻ. Ngài cho các em công thức: V + T – X, nghĩa là Vui vẻ, cộng Tốt, trừ Xấu. Sống vui vẻ, làm nhiều điều tốt sẽ loại trừ được nhiều điều xấu và sẽ trở thành bạn của ngài. Nơi trường của Don Bosco, vui vẻ là một điểm nổi bật và còn là con đường nên thánh. Đaminh Saviô nói với một người bạn mới tới trường của Don Bosco: “Anh nên biết rằng ở đây, đối với chúng tôi, sống thánh thiện là vui vẻ”.
Don Bosco tha thiết nói với thanh thiếu niên: “Cha chỉ ao ước một điều, đó là nhìn thấy các con hạnh phúc ở đời này và đời sau”. Quả thật, sống trong môi trường của ngài, biết bao người trẻ được trưởng thành về mặt nhân bản lẫn đời sống đức tin, được vui hưởng những niềm vui lành mạnh của tuổi trẻ và cả niềm hạnh phúc mai sau trên thiên đàng.
Ngọc Tâm, FMA