10 CHIẾC PHAO CỨU ĐẮM

         Hơn lúc nào hết, các gia đình luôn phải đối diện với tình trạng “chiến tranh”, “chia tay”. Đôi khi không cần những lý do lớn, mà chỉ cần một lời sơ xẩy cũng dẫn đến cãi vã. Trong cuộc sống có rất nhiều điều rất đơn sơ nhưng lại có sức giữ cho bầu khí trong gia đình được hòa hợp, không rơi vào hố xung khắc. Xin đơn cử ra 10 “chiếc phao cứu đắm” cho bạn.

  1. Hãy giương cờ trắng. Từ lâu, lá cờ trắng đã trở thành biểu tượng không chỉ cho việc đầu hàng mà còn cho mong muốn ngừng bắn và tiến hành đàm phán trên chiến trường. Trong thực tế, mỗi ngày chúng ta có thể đối diện với rất nhiều sự kiện không như ý, ngoài dự liệu của chúng ta (tiếng hát karaoke đinh tai từ nhà hàng xóm, gặp một người thô lỗ, mất đồ, không tìm thấy giấy tờ cần tìm…). Những bất trắc này làm chúng ta bị “trật đường rầy” trong cái thường ngày. Thông thường, bạn phản ứng thế nào: La lối? Hay vung nắm đấm? Hay sỉ vả người hàng xóm? Hay bực tức, căng thẳng? Chúng ta hãy coi chừng bởi chỉ cần là một cơn căng thẳng nhỏ, nhưng một khi đã bắt đầu, nó có thể trương to dần lên cho đến khi trở thành một cuộc nội chiến.

         Như thế, “Giương cờ trắng” trước hết nghĩa là gạt bỏ dòng xúc cảm nóng bỏng đang dâng trào. Điều này không có nghĩa là cam chịu, đầu hàng, nhưng là một bản lãnh phát xuất từ nhận thức rất thực tế rằng mọi sự chẳng bao giờ xảy ra như mơ ước; rằng có những hòn đá cản đường to tướng, ta không thể nhấc ra mà cần phải “đánh một đường vòng” để vượt qua. Hãy nói lời nhã nhặn, lùi một bước, làm cho vấn đề nhẹ đi. Chẳng hạn: Một đứa trẻ 4 tuổi làm rớt một cái tách đẹp của mẹ khiến bà rất giận, tuy nhiên, em đã “dập tắt” ngay được ngọn lửa vừa nhen nhúm trong lòng mẹ khi buột miệng hồn nhiên nói: “Ôi, đời là thế!”.

  1. Hãy lắng nghe. Lắng nghe là một viên thuốc huyền nhiệm đưa bạn đến kết quả chắc chắn. Một cách đơn giản bạn hãy hình dung ra xem mình đã có sự quý mến thế nào đối với những người đã lắng nghe bạn, và lòng bạn đã dạt dào niềm hy vọng làm sao khi có ai đó đã lắng nghe bạn, bởi điều này làm chúng ta cảm thấy mình được hiểu, được thông cảm và được đánh giá. Người không được lắng nghe sẽ cảm thấy đau đớn và buồn phiền. Thật khốn khi nhiều người không nhận ra rằng mình là người lắng nghe tồi tệ. Để lắng nghe, đòi hỏi chúng ta phải có một liều lượng nào đó về sự trung thực và khiêm tốn, sự nỗ lực và tính kiên nhẫn, nhưng chúng sẽ đem lại cho chúng ta một kết quả tuyệt vời, đó là trao ban cho ai đó cảm nhận mình được lắng nghe. Việc lắng nghe cách thực sự là một tác nhân làm giảm stress đáng kể. Ngoài ra, việc để cho người khác nói lời cuối cùng luôn là dấu chỉ của sự bản lãnh và quân bình. Trên hết, việc lắng nghe còn có nghĩa rằng bạn không muốn thiết lập một cuộc thảo luận kiểu “Được rồi, chúng ta xem coi ai thắng?”.
  2. Chấp nhận sự khác biệt. Mỗi người đều có một cách thức để đối diện và giải quyết các xung đột. Mỗi người có một bậc thang giá trị riêng. Và ai trong chúng ta cũng đều tin rằng cách nhìn của chúng ta luôn có lý và không thể phản đối được. Vấn đề nằm ở chỗ là mọi người khác như vợ/ chồng, con cái, hàng xóm, bạn bè của chúng ta cũng có cùng xác tín ấy về ý kiến của họ! Tuy nhiên, phong phú và sự tiến bộ của nhân loại tùy thuộc vào sự khác biệt. Thay vì lên ngựa và tuốt gươm chĩa vào tất cả những ai đi ngược với ý kiến của mình, bạn hãy lặp lại câu nói: “Người này nhìn vấn đề thật khác mình, nhưng cũng là chuyện bình thường thôi!”. Ai thực lòng kính trọng ý kiến khác biệt, họ đã tiết kiệm được không ít những cuộc cãi và ngay lập tức làm hạ nhiệt sự tấn công của đối phương.
  3. Con người luôn được ưu tiên trước. Nếu người cha luôn có phản ứng bình thản trước những tai nạn nhỏ (ô tô bị vẽ bẩn, vỡ chén dĩa, điểm xấu…), ông nói với cậu con: “Không có gì quan trọng, mọi sự đều có thể thay thế, ngoại trừ con!”. Không có lời nào lại có thể đem lại kết quả kỳ diệu như lời này. Người phối ngẫu hay con cái của bạn sẽ hết sức vui thích khi biết rằng con người và cảm nhận của họ thì quan trọng hơn vật chất rất nhiều.

         Mọi thứ mà thoạt trông có vẻ quan trọng (rửa chén đĩa, lau dọn, nấu nướng, chương trình tivi, những cuộc mua sắm và trách nhiệm hàng ngày) vẫn có thể trì hoãn được, nhưng đối với con người thì tình cảm không thể, đặc biệt đối với trẻ em. Con người phải được neo chặt ở đây và lúc này. Hãy nhớ, cái sẽ đem bạn đến Thiên Đàng không là những vật chất có giá trị trong nhà băng, nhưng là khả năng trao ban vô điều kiện.

  1. Hãy tiếp nhiên liệu. Chúng ta đang sống trong một vòng quay xã hội với nhịp điệu điên cuồng. Hầu như ai cũng ước được một món quà là có phép thuật để hiện diện ở khắp nơi hầu đạt thành công trong mọi sự. Để tăng sức lực và tìm được những giờ phút ngơi nghỉ, bạn hãy nghĩ đến ngày Chúa nhật là ngày nghỉ, ngày của niềm vui sống cùng nhau và tiếp liệu cho tinh thần (chứ không chỉ nằm lỳ, lười nhác). Bạn hãy tìm thời gian để đọc một cuốn sách tốt, xem phim, chơi với con cái, hay nghe nhạc…
  2. Chăm sóc sức khỏe. Những hoạt động thể chất và những gì làm cho thân thể khỏe mạnh đóng góp vào lợi ích của đời sống gia đình: Ta sẽ ngủ tốt hơn, tránh được sự căng thẳng và những càu nhàu khó chịu. Ta có động lực sống hơn và muốn được sống tốt hơn.
  3. Hãy chăm sóc ngôi nhà của bạn. Ngôi nhà là không gian sống động của gia đình bạn, nó thay đổi và lớn lên cùng với bạn. Các bạn hãy nghĩ đến ngôi nhà của mình với lòng biết ơn sâu xa: Chính nó bảo vệ các bạn khỏi lạnh giá, khỏi sự nóng nực, tránh những kẻ đột nhập. Nhà không là một ngẫu tượng, càng không là một bảo tàng. Hãy yêu ngôi nhà với sự chăm sóc và tận tình, bởi đó là nơi đẹp nhất thế giới thuộc về bạn, và trong đó mọi người bạn thân yêu của bạn nương náu.
  4. Hãy diễn tả cảm nhận của bạn. Thông thường thiên hạ hay biểu lộ những cảm nhận tiêu cực, nhưng bạn đừng làm thế. Bạn đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để nói lời yêu thương: “Ba mẹ yêu con!”. Đây là một lời đơn sơ, chẳng tốn phí gì nhưng lại làm nên phép lạ. Nó là nhựa thơm, là lời an ủi cho cả người cho lẫn kẻ nhận. Trao đổi ngày sống với ai đó là một món quà hoàn hảo.
  5. Hãy làm gương sáng. Những con em của các bạn không bao giờ quan tâm đến những lời giảng dậy của bạn, mà chỉ để ý đến những gì chúng sống và những gì các bạn làm. Mỗi ngày các bạn hãy tự hỏi: “Đâu là sứ điệp mà tôi đang trao cho con cái của mình?”.

    10. Hãy chia sẻ những hoạt động tinh thần. Có một ít những hoạt động hợp nhất gia đình các bạn, chẳng hạn như cùng nhau cầu nguyện, cùng sống đức tin. Các bạn hãy tổ chức ít nhất                mỗi năm một lần ngày lễ hội kỷ niệm niềm vui và giúp hiệp nhất. Mọi người trong gia đình hãy cùng nhau tham gia một vài hoạt động công ích của khu xóm hay giáo xứ.

Tác giả: Ban Truyền thông Sdb

Visited 13 times, 1 visit(s) today