✍Tôi đã đến nơi đây hơn 3 năm! Những vết muỗi đốt sưng phồng chỉ còn là những vết sẹo. Những cơn rét đậm và rét hại, cùng cái nắng chói chang đỏ lửa đã dần hòa quyện trong tâm trí và nhịp thở của tôi. Tôi chợt nhớ đến bài thơ:
🍀SAPA
Bước đến SaPa ngắm núi đèo
Nghe rừng vẫy gọi thác mừng reo
Đường lên khúc khuỷu xe gầm réo
Dốc xuống loanh quanh bóng đổ vèo
Nắng trải nương vàng đông quạnh héo
Sương tràn lộc phủ đón xuân theo
Ngàn non khỏa sắc sao bầy khéo
Cảnh đẹp thần tiên thỏa mộng trèo!
(Tác giả: Thích Khách)
🌳Đúng là chỉ khi nào tận mắt nhìn thấy và lòng gắn bó với vùng đất này thì mới cảm nhận được hết ý nghĩa bài thơ trên. Trước đây, Sapa, Lào Cai chỉ là tên gọi thoáng qua trong tâm trí, một vùng đất được biết đến trong môn học địa lý từ thuở cắp sách đến trường, hay chỉ là một địa danh nhắc đến trong các bản tin, qua lời ca: “Sapa nơi gặp gỡ đất trời”. Nếu ai đó chưa một lần đặt chân đến “Sapa”, thì mãi mãi Sapa vẫn chỉ là một miền đất xa xôi ở đỉnh đầu của hình chữ S quen thuộc mà thôi.
🌳Hơn ba năm gắn bó với con người và núi rừng Tây Bắc, tâm hồn tôi đã mến nơi ấy tự khi nao mà tôi không hay biết! Tôi yêu con người nơi đây, yêu miền đất của sự chân chất, nồng hậu, yêu cuộc sống lặng lẽ, nhưng tràn đầy sức sống mãnh liệt; yêu cuộc sống êm đềm,dung dị nhưng không khỏi những khó khăn, vất vả từng ngày trên nương trên rẫy, yêu văn hóa bản làng của người dân tộc… Thời gian trôi qua thật nhanh với nhiều trải nghiệm vui buồn trong hành trình mục vụ, những cảm xúc thân thương xen lẫn niềm vui phục vụ khiến tôi nhận ra mình nợ mảnh đất này thật nhiều điều, tựa như lời bài hát: “Ta nợ cuộc đời”.
🍄Vùng đất của lòng hiếu khách….
“Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì, ngoại trừ tình thương mến”. Tôi đã “nợ tình thương mến con người Tây Bắc” là đây… Ngày đầu tiên nhận sứ vụ đi Tây Bắc tôi ngần ngại và không hân hoan cho lắm, vì biết rằng sẽ có nhiều khó khăn chờ đợi tôi. Những trở ngại ngôn ngữ, thời tiết khắc nghiệt, văn hóa dân tộc, vùng miền làm tôi do dự… Nhưng vâng lời tôi đã lên đường ra đi. Khi chuyến xe khách vừa dừng lại bên dưới cầu vượt cao tốc, cách bến xe Lào Cai khoảng 300m, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng mấy người đàn ông, mái tóc hoa râm nhưng có vẻ cháy vàng vì ánh nắng chói chang những ngày hè. Họ ăn mặc lịch sự, trong vẻ như thấp thỏm đợi chờ ai. Tôi đoán biết họ là những “ông Trùm” của Giáo họ đã được báo trước để ra đón tôi. Phía xa xa kia là chiếc xe tải nhỏ đang sẵn sàng để đón tôi. Điểm đến cần đi khoảng 15 phút nữa, vượt qua những cung đường đầy uốn lượn với những hàng cây xanh mát hai bên đường. Khi xe vừa dừng lại, hiện ra lên ngay trước mắt tôi là cây thánh giá với hàng chữ: “Giáo Họ Cam Đường”. Xa hơn một chút là ngôi nhà thờ nhỏ không chỉ làm ấm lòng những vị khách lạ mà còn khiến tôi ngỡ ngàng, ngạc nhiên, vì được biết do biến cố chiến tranh biên giới 1978, bà con chạy loạn khắp nơi, giờ đây quay trở lại lập cư, xây dựng lại cộng đoàn khoảng được hơn 20 năm. Ngạc nhiên vì giữa vùng truyền giáo giáp biên giới hẻo lánh lại hiện lên một ngôi nhà thờ theo kiểu Gotich hiện đại, loại kiến trúc mà theo tôi được biết thì chỉ có thể thấy nơi vùng Sài Thành. Sau này, khi có dịp đi thăm bà con, tôi nhận ra đây là một trong bốn giáo họ của giáo xứ Cốc Lếu vùng Thành Phố Lào Cai.
🌳Vừa bước lên khỏi đỉnh dốc tôi được tiếp đón bởi một nhóm các em nhỏ và cả một số em dân tộc Hmoob từ xa đến trước chào đón tôi. Khuôn mặt các em tràn đầy sự hớn hở, ngây thơ, đơn sơ chân chất, cả vẻ ngượng ngùng và nhút nhát của trẻ con miền núi. Bữa trưa của tôi cùng Ban Trùm Giáo họ, các em dân tộc được dùng dưới nhà mái tôn đơn sơ. Mọi thứ thật đơn giản nhưng gần gũi và thân thương như bữa cơm gia đình. Tấm lòng của bà con dành cho tôi không chỉ trong ngày đầu mới đến nhưng trong suốt hành trình hơn ba năm hiện diện nơi đây. Từng bữa ăn, từng công việc nhỏ nơi Giáo họ, từng nhu cầu cá nhân, tất cả luôn nhận được sự trợ giúp và cộng tác của bà con.
🍄Vùng đất mở cho lòng khao khát Thiên Chúa…
🌳“Tôi nợ vùng đất này một ngọn lửa”. Trước khi ra đi, tôi nghĩ cần làm điều gì đó, để giúp các bạn trẻ nơi vùng truyền giáo này. Có thể là những buổi giáo lý, Thánh Lễ và một số sinh hoạt huấn luyện nhằm thăng tiến đời sống của các bạn trẻ. Nhưng chính tại nơi đây, tôi lại cảm nhận được lời của thánh Phaolô: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Tôi cho đi chẳng bao nhiêu nhưng “cái phúc” tôi nhận thì gấp bội. Tưởng rằng mình là tu sĩ, là những người yêu mến Chúa, là những người khao khát Chúa. Điều đó không sai. Nhưng khi các bạn trẻ từ trong các bản làng xa xôi cách nhà thờ cả chục cây số, ra học giáo lý, lại chăm chỉ không bỏ ngày nào làm tôi phải cảm phục các em; tất cả như đang thắp thêm cho tôi ngọn lửa yêu mến và nhiệt thành. Trong năm các em không có cơ hội để học giáo lý nhiều. Một năm một lần, các em tập trung lại nơi đây trong các tháng hè. Các em Hmoob thì cách Giáo họ khoảng hơn 40km. Các em ở gần hơn thì đạp xe đạp tới cũng phải mất 30 phút mỗi lần. Hàng tuần, giáo dân ở khắp các vùng xa xôi băng dốc vượt đồi bất kể trời nắng, trời mưa, họ vẫn lặn lội tề tựu bên Chúa vào các ngày Chúa Nhật. Vậy đó, dù không gian xa xôi, đường xá khó khăn nhưng vẫn không ngăn cản bà con tìm về với Chúa. Sự đông đảo của bà con tề tựu mỗi ngày Chúa Nhật làm tôi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại những câu chuyện của cha Piô Ngô Phúc Hậu, vị mục tử đầu tiên lặn lội đi gom từng con chiên lạc đưa về. Tôi cảm nhận được sự trân trọng của bà con nơi đây dành cho các vị mục tử, những người đã tự nguyện hiến mình phục vụ đoàn chiên, những con người muốn được sống giữa đoàn chiên, mang đậm “mùi chiên”. Thật sự không phải đến chỉ để cho đi nhưng để sống cùng, sống với, để chia sẻ và nhận lãnh. Cám ơn những con người dù nghèo về vật chất, nhưng tâm hồn được chúc phúc bởi niềm tin và lòng khao khát Thiên Chúa. Chính trong “cái duyên” đó đã trở nên cầu nối cho tôi và bà con cùng gặp gỡ Chúa. Nơi Thiên Chúa họ có niềm vui được làm con Chúa!
🌳Tạ ơn Chúa về hành trình ba năm qua, tuy không dài nhưng đủ để thêm cho tôi những kỉ niệm và cảm nhận yêu thương trên hành trình sứ vụ truyền giáo. Tôi đã học biết để lớn lên trong đức tin cùng bà con qua hành trình phục vụ nơi miền đất cực bắc đầy gian nan. Cơ hội được sống, chia sẻ và đồng cảm với các bạn trẻ không chỉ thiếu thốn về vật chất nhưng còn thiếu thốn về mặt tinh thần và tâm linh, mời gọi tôi dấn thân hơn nữa cho đoàn chiên của Chúa. Người dân không chỉ mong muốn một đời sống ổn định, khá giả hơn về vật chất nhưng còn khao khát được đến với Chúa, học kinh, được tham dự Thánh lễ mỗi ngày. Đó quả thật là những ước mơ chính đáng và đơn sơ của những người con Chúa. “Cánh đồng lúa đã chín vàng” xin Chúa tiếp tục sai nhiều thợ gặt thánh thiện, nhiệt thành, yêu mến Chúa và yêu mến các linh hồn để phục vụ Chúa và đoàn chiên Chúa.
Giuse Trần Đức Ái SDB
Visited 10 times, 1 visit(s) today